Hành tinh xanh đang phát tín hiệu báo động, khi nồng độ CO2 trong khí quyển chạm ngưỡng 420 phần triệu (ppm) vào năm 2023, mức cao nhất trong 800.000 năm qua. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 19/3, tổng lượng CO2 đã đạt gần 3.300 tỉ tấn, cao gấp rưỡi so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Hệ quả tất yếu của tình trạng này là một thập kỷ nóng kỷ lục, với nhiệt độ đại dương tăng cao và sông băng mất tới 9.000 tỉ tấn kể từ năm 1975. Năm 2023, nhiệt độ toàn cầu đã vượt ngưỡng 1,5 độ C – mức cảnh báo giới hạn mà các nhà khoa học từng đặt ra. Nếu tình trạng này kéo dài, mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá mức nguy hiểm có thể trở thành điều bất khả thi.
Báo cáo chỉ ra nguyên nhân chính là hoạt động đốt than, dầu và khí đốt của con người, bên cạnh tác động từ hiện tượng El Nino. Năm ngoái, El Nino đã góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức kỷ lục, gây ra ít nhất 151 hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như khủng hoảng lương thực, thiệt hại kinh tế và sự dịch chuyển sinh thái lớn nhất trong 16 năm qua.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo khoa học, một số lãnh đạo vẫn phớt lờ hoặc thậm chí phủ nhận thực tế này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái cắt giảm cam kết khí hậu, đặt ra lo ngại về tác động dài hạn khi Mỹ là nước phát thải lớn nhất trong lịch sử và đứng thứ hai sau Trung Quốc trong năm qua.
“Chúng ta đang đánh cược với chính tương lai của mình”, bà Celeste Saulo, Tổng thư ký WMO, nhấn mạnh. Khi CO2 tiếp tục tích tụ với tốc độ chưa từng có, Trái Đất sẽ còn "bốc hỏa" dài dài nếu không có những hành động quyết liệt để cắt giảm phát thải ngay từ bây giờ.
Theo AP