Chịu lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tháng, thậm chí đóng cửa, treo biển sang nhượng mặt bằng khi vừa mới khai trương là thực tế mà các chủ quán trên phố nhậu xập xình, nhộn nhịp nhất TPHCM phải đối mặt.
Gồng lỗ 40-60 triệu đồng/tháng
Cuối tuần mà khu "phố nhậu" trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TPHCM) không khí yên tĩnh chưa từng thấy. Hơn 21h, những quán bar có DJ chơi nhạc cũng chỉ lác đác vài thực khách.
Dọc trên tuyến đường này, dãy quán nhậu đã "lên đèn", bày sẵn bàn ghế, ly, chén nhưng ngó xung quanh chỉ thấy nhân viên và chủ quán ngồi bấm điện thoại. Không ít quán không có nổi một vị khách.
Quán nhậu bày bàn sẵn, ly, chén tươm tất mà không một bóng khách (Ảnh: Nguyễn Vy).
Anh Đạt (30 tuổi, quê tại tỉnh Quảng Ngãi), quản lý Tiệm ốc Vee, ngồi rầu rĩ giữa lối đi vào khu vực bếp. Quán nhậu có 12 bàn, chỉ 1 bàn có khách. Cảnh đìu hiu khiến anh Đạt dẹp luôn chiếc loa phát nhạc, không khí khu phố vốn sôi động bỗng lặng lẽ.
Làm quản lý hơn 12 năm, anh Đạt chưa từng chứng kiến cảnh ế ẩm đến thế. Nhiều năm qua, quán nhậu có thể kiếm chí ít 15 triệu đồng/ngày. Vào các dịp lễ, Tết, doanh thu có thể lên đến 30 triệu đồng/ngày. Thực khách thời điểm ấy ra vào liên tục, quán phải thuê thêm nhân viên thời vụ, mở đến 2h.
Trái ngược, cố nán đến 0h rồi anh Đạt cho nhân viên dọn dẹp bàn ghế, đóng cửa quán.
Một quán nhậu vừa khai trương không bao lâu, nay đã treo biển cho thuê mặt bằng (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Mỗi tháng, chi phí để vận hành quán nhậu lên đến 30 triệu đồng. Vậy mà từ năm ngoái đến nay, có những ngày doanh thu chưa đến 1 triệu đồng. Thực tế việc kinh doanh hầu như tháng nào cũng lỗ.
Chủ quán giờ không còn thời gian, tâm trí xuống thăm quán nữa, vì phải bận rộn tìm cách lấy lãi ở các cơ sở kinh doanh khác để bù vào phần lỗ của quán này", anh Đạt thở dài nói.
Anh Đạt bộc bạch, tuyến đường này từng là một trong những nơi "xập xình" nhất TPHCM. Trước đây, các quán nhậu, quán bar "mọc" lên hàng loạt. Ai đi ngang đây cũng phải nghe tiếng nhạc, tiếng mời chào khách ồn ào, náo nhiệt.
Những quán bar có DJ chơi nhạc cũng chỉ thu hút được vài khách (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nhưng hiện tại, nhiều quán trên tuyến đường này đã cửa đóng, then cài, treo biển sang nhượng mặt bằng vì chủ không còn khả năng gồng lỗ. Cảnh tượng yên tĩnh ở "phố nhậu" là điều khó tin nhất mà anh Đạt từng thấy trong hơn 10 năm kinh doanh.
Cách đó không xa, quán Ốc Mười Em của chị Kim Anh (42 tuổi) chỉ 2 bàn là có khách. Khu vực bên trong và trên tầng 1 đều không có ai.
Theo chị Kim Anh, từ tháng 6/2023 đến nay, doanh thu và lượng khách của quán giảm 30-40%. Trung bình, quán phải gồng lỗ 40-60 triệu đồng/tháng.
Doanh thu giảm, chủ quán nhậu trên tuyến đường này phải gồng lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tháng (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do khủng hoảng kinh tế, nhiều người mất việc, giảm thu nhập nên không còn chi tiêu cho những dịch vụ hưởng thụ, giải trí như quán nhậu nữa. Thực tế, khách hàng của tôi phần lớn làm việc ở các lĩnh vực bất động sản, giờ ngành này đang sa thải rất nhiều người nên chắc chắn lượng khách đến quán tôi phải giảm", chị Kim Anh nhận định.
Giảm chi phí, "vắt óc" níu chân khách
Với 9 năm kinh nghiệm, chị Kim Anh cho hay bản thân đã tìm mọi cách để xoay xở, duy trì quán nhậu. Nhưng đến nay, chị cũng phải ngán ngẩm lắc đầu vì tình hình ế ẩm kéo dài mãi, không có bất kỳ tín hiệu tích cực nào.
Theo chị Kim Anh, các quán nhậu quy mô nhỏ, mới hoạt động sẽ khó cầm cự trong khoảng thời gian khó khăn này (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Xung quanh đây, một số quán nhậu hoạt động lâu năm vẫn phải đóng cửa vì vắng khách, thua lỗ. Vậy nên những quán nhỏ, mới hoạt động thì khả năng cao không thể cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
Quán của tôi từ 30 nhân sự giờ chỉ còn 19 người, chia làm 2 ca. Tôi phải giảm lương cứng của nhân viên, cắt giảm tối đa các chi phí", chị Kim Anh chia sẻ.
Từ năm ngoái, anh Đạt, quản lý Tiệm ốc Vee đã phải làm luôn các phần việc như phục vụ, bưng bê, nấu ăn, rửa chén,… Vì quán đang phải gồng lỗ, chỉ còn giữ lại 1 nhân viên phục vụ và 1 đầu bếp. Do lượng khách quá ít, chủ quán cũng đã trả mặt bằng thuê bãi giữ xe, chỉ chừa một góc nhỏ ở quán để làm nơi đỗ xe máy.
Quán nhậu Lửa Rừng trên "phố nhậu" cũng rơi vào cảnh vắng khách. Nhân viên trước đây phục vụ không kịp ngơi tay, nay chỉ còn ngồi ngóng khách, thấp thỏm sợ bị sa thải (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Chúng tôi cũng nhập nguyên liệu, nước ngọt, bia ít hơn. Thông thường quán phải mua 20 thùng bia/ngày để dành bán, giờ đã giảm số lượng xuống một nửa mà bán hoài không thấy hết", anh Đạt than.
Muốn thu hút khách, anh Đạt cũng đã bàn bạc với chủ quán để chi tiền gắn thêm đèn, sơn, sửa lại quán nhậu.
"Chúng tôi cũng đầu tư thêm cho quán nhưng không mang lại kết quả gì, quán vẫn ế ẩm, vắng khách. Với tình hình này, càng đầu tư thì càng lỗ nặng. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn thì có lẽ sắp tới, chúng tôi chỉ còn chờ đến ngày dẹp tiệm thôi!", nam quản lý thẳng thắn.
Theo Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh thu thuần của năm 2023 giảm 10% so với năm ngoái. Đơn vị nhận định nguyên nhân là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi tình hình suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100.
Lợi nhuận năm 2023 cũng giảm 7% so với năm 2022 bởi chi phí đầu vào và quản lý cao hơn, mặc dù đã được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính cao hơn.
Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 giảm khoảng 8% so với năm 2022.
Trước đó, tại hội thảo "Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" vào tháng 7/2023, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhận định ngành đồ uống đang đứng trước khó khăn, thách thức đặc biệt hậu Covid-19 cũng như tác động từ Nghị định 100 (siết chặt kiểm soát nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện). Trong khi nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60%.
Nguyễn Vy - Theo Dân Trí