Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học (COP16) khai mạc hôm 21-10 vừa qua, một thông tin gây mất ăn mất ngủ xuất hiện: thiên nhiên đang có dấu hiệu giảm dần khả năng hấp thụ phần lớn lượng khí thải carbon của con người như lâu nay vẫn thế.
"Cây cối và đất gần như không hấp thụ CO2 trong năm rồi. Phải chăng "bể chứa carbon" của tự nhiên đang suy yếu?" là tựa bài viết trên The Guardian ngày 14-10.
Dẫn các nghiên cứu sơ bộ và nhiều phát hiện khác trong năm qua, tác giả Patrick Greenfield cho biết các hệ sinh thái tự nhiên trên thế giới - do ảnh hưởng hạn hán, cháy rừng và sâu bệnh, cùng nhiều tác nhân khác - không còn hấp thụ carbon từ khí quyển nhiều như trước đây. Từ đó mở ra khả năng bi quan: sự "sụp đổ đột ngột" của các bể chứa carbon quý giá này có thể "đẩy nhanh" quá trình nóng lên toàn cầu.
Nếu định nghĩa bể chứa carbon tự nhiên là bất cứ thứ gì hấp thụ nhiều carbon từ khí quyển hơn là thải ra, cảnh báo và dự báo này đúng đến đâu, và chính xác thì điều gì đang xảy ra?
Trái đất có những bể chứa carbon nào?
Đầu tiên, ở các đại dương, mỗi ngày đều có phiêu sinh vật di cư từ đáy biển lên mặt biển để ăn vi tảo, góp phần hấp thu một lượng carbon khổng lồ trong không khí. Các thực vật phù du riêng lẻ rất nhỏ, nhưng khi tập trung với số lượng hàng tỉ, chúng là một thế lực đáng gờm, hút một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong quá trình quang hợp.
Khi động vật phù du bơi lên vào ban đêm, chúng ăn những thực vật phù du này. Hàng triệu tấn carbon trong không khí nhờ đó bị sinh vật phù du tiêu hóa hoặc đưa về biển sâu. Đây là một trong hàng nghìn quá trình tự nhiên giúp hấp thu hàng triệu tấn carbon khỏi khí quyển mỗi năm, nhờ đó Trái đất không bị quá nóng dưới tác động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người.
Trên đại dương, các sông băng của Greenland và các tảng băng Bắc Cực tan nhanh hơn dự kiến, điều này đang làm suy yếu, thậm chí gián đoạn dòng hải lưu Gulf Stream (tác động rõ ràng là khiến mùa mưa ngắn hơn, bão nhiều hơn) và làm chậm tốc độ hấp thụ carbon của các đại dương.
Với sinh vật phù du, băng tan làm chúng bị tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời. Theo các nhà khoa học, điều này khiến chúng buộc phải lui vào vùng sâu hơn trong đại dương, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình di cư theo chiều dọc giúp lưu trữ carbon ở đáy đại dương.
Bên cạnh đại dương, những cánh rừng và cả mặt đất chính là các bể chứa carbon tự nhiên khổng lồ của Trái đất. Theo tài liệu của Ủy ban châu Âu, với khoảng 1.500 tỉ tấn carbon được tìm thấy trong chất hữu cơ trong đất trên toàn thế giới, mặt đất là kho lưu trữ carbon lớn thứ hai sau đại dương (40.000 tỉ tấn). Lượng carbon lưu trữ trong đất còn nhiều hơn tổng lượng carbon trong khí quyển (760 tỉ tấn) và trong thảm thực vật (560 tỉ tấn).
Tuy nhiên, khả năng tiếp tục hấp thu một lượng lớn carbon của đất đã bị suy yếu trong những thập kỷ gần đây, phần lớn do các hoạt động quản lý đất đai không bền vững và những thay đổi trong sử dụng đất. Nghiên cứu cho thấy đất thậm chí đang là nguồn sinh carbon và điều này có thể làm chệch hướng mục tiêu net zero của nhiều quốc gia.
Bài học Phần Lan
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cảnh báo năm 2023, năm nóng nhất từng được ghi nhận, lượng carbon mặt đất hấp thụ (từ rừng, thảm thực vật và đất) đã giảm mạnh, xuống mức hầu như không hấp thu được carbon. Hệ quả của việc này là gì? Hãy hỏi Phần Lan.
Quê hương ông già Noel năm 2022 ra luật khí hậu và lộ trình đạt mục tiêu net zero năm 2035, sớm hơn tận 15 năm so với hầu hết các quốc gia khác. Nhờ có gần 70% diện tích được rừng và đất than bùn bao phủ, trong nhiều thập kỷ, các khu rừng và bể than bùn của Phần Lan đều hấp thu một lượng carbon từ khí quyển nhiều hơn lượng carbon quốc gia này thải ra. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2010, số bể carbon trong đất của Phần Lan bắt đầu giảm, với tốc độ nhanh dần.
Juha Mikola - nhà nghiên cứu của Viện Tài nguyên thiên nhiên Phần Lan (Luke), cơ quan công bố số liệu chính thức của chính phủ - cho biết khi đưa ra mục tiêu net zero năm 2035, Phần Lan rất tự tin rằng lượng carbon đất đai hấp thụ sẽ vào khoảng 20 - 25 triệu tấn vào năm 2035, nhưng hiện nay, khả năng hấp thụ carbon của các khu rừng nước này đã giảm đến 90% khiến việc đạt được mục tiêu này rất khó khăn.
Tại sao đất đai và thảm thực vật bỗng không còn chức năng hấp thu carbon? Một số lý do hiển nhiên là việc đốt đất than bùn để lấy năng lượng, mặc dù gây ô nhiễm, vẫn phổ biến. Khai thác gỗ vì mục đích thương mại, gồm cả gỗ từ rừng nguyên sinh, ở Phần Lan vẫn tăng và chiếm phần lớn phát thải từ sử dụng đất của nước này, Patrick Greenfield viết trong một bài khác cho The Guardian.
Nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu làm suy thoái rừng. Biến đổi khí hậu làm thời tiết Phần Lan nóng hơn, khiến tốc độ phân hóa đất than bùn trong đất tăng nhanh và làm thoát khí nhà kính ra môi trường. Palsas - những bể than bùn đông lạnh khổng lồ - đang biến mất nhanh chóng ở Phần Lan. Lượng cây rừng chết khô cũng tăng lên trong những năm gần đây do hạn hán, nắng nóng và sâu bệnh.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Forest Ecology and Management, ở vùng đông nam Phần Lan, lượng cây rừng chết theo đánh giá tán rừng tăng 788% trong 6 năm (2017 - 2023). Ngoài ra, các khu rừng tái sinh của Phần Lan, chủ yếu được trồng sau Thế chiến hai, đã ở giai đoạn trưởng thành - giai đoạn đạt đến lượng carbon tối đa chúng có thể lưu trữ.
"5 năm trước, người ta thường cho rằng rừng ở Phần Lan là một bể chứa carbon khổng lồ nhưng điều này đã thay đổi rất đáng kể" - Bernt Nordman, chuyên gia của tổ chức WWF Phần Lan, cho biết.
Giáo sư Jyri Seppälä của Viện Luke cho biết để bù lượng carbon mà các bể carbon trên cạn lẽ ra hấp thụ, Phần Lan sẽ phải trả từ 2 - 7 tỉ euro, con số đích thực là bao nhiêu thì phải đợi khi móc hầu bao mới biết vì giá carbon do thị trường quyết định vào từng thời điểm.
Đừng từ bỏ tự nhiên
Phần Lan không phải là quốc gia duy nhất "vỡ kế hoạch" do đánh giá sai khả năng hấp thụ carbon của rừng. Pháp, Đức, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Estonia… bị lỗi tính toán tương tự. Hạn hán, sâu bệnh do khí hậu thay đổi, cháy rừng, nắng nóng… đang tàn phá các khu rừng ở châu Âu khiến rừng bị suy thoái.
Theo nghiên cứu mới nhất, ở EU, lượng carbon được đất hấp thụ mỗi năm đã giảm khoảng 1/3 từ 2010 đến 2022, điều này có thể khiến mục tiêu khí hậu của châu Âu khó đạt được. Khoảng 118 quốc gia đang dựa vào các bể chứa carbon trên đất để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu giờ đang lo ngay ngáy.
Sự sụp đổ nhanh chóng của các bể chứa carbon trên cạn năm 2023 hiện chưa được đưa vào các mô hình khí hậu và có thể chỉ là tình huống tạm thời. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó sẽ làm tăng viễn cảnh nóng lên toàn cầu nhanh chóng vượt xa những gì các mô hình đó đã dự đoán.
Bể chứa carbon của tự nhiên đang suy yếu, nhưng đâu thể trách những mặt bể, cánh rừng? Chung quy cũng tại con người mà thôi. Một số chuyên gia cho rằng hơn lúc nào hết, càng phải dựa vào thiên nhiên.
Juha Mikola, nhà nghiên cứu của Viện Luke, nhấn mạnh: thế giới không thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon nếu đất đai trở thành nguồn phát thải. Đất đai cần duy trì được khả năng hấp thụ carbon vì lượng khí thải trong các lĩnh vực khác không thể giảm xuống bằng 0. Chỉ có con người, bằng cách thay đổi hành vi, mới làm được điều đó.
Theo nhà nghiên cứu Bronson Griscom, Trung tâm giải pháp khí hậu tự nhiên của Tổ chức Bảo tồn quốc tế, trong những thập kỷ qua, các hệ sinh thái hấp thụ khoảng một nửa lượng khí thải carbon do con người gây ra, bất chấp những tác động của chúng ta đối với môi trường. Nhưng "sự trợ giúp đến từ thiên nhiên" này đang chậm lại.
Đây là cảnh báo với chúng ta về tính cấp bách của việc cần cải thiện khả năng quản lý hệ sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Griscom, để khí hậu bớt nóng, không thể bỏ qua các giải pháp tự nhiên và đồng thời cần giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch, nguồn ô nhiễm carbon lớn nhất hiện nay.
Cần lưu ý, mặc dù đúng là trong năm 2023, lượng carbon các khu rừng hấp thụ chỉ ngang bằng với quy mô phát thải, nhưng nếu tính cả quá trình dài hơi từ trước đến nay, khoảng 95% tổng lượng carbon vào và ra bầu khí quyển là do thiên nhiên kiểm soát, nên tự nhiên vẫn giúp chúng ta xử lý carbon trong không khí.
Thêm một lý do để chớ phụ lòng thiên nhiên.
Thượng đỉnh COP16 về đa dạng sinh học (phân biệt với hội nghị về biến đổi khí hậu năm nay là COP29) diễn ra từ 21-10 đến 1-11 tại thành phố Cali, Colombia với chủ đề "Hòa bình với thiên nhiên". Hội nghị năm nay có khoảng 12.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội nghị sẽ đánh giá tiến bộ của việc thực hiện mục tiêu 30x30 - tức đến năm 2030 sẽ bảo tồn 30% đất và nước và khôi phục 30% tổng số hệ sinh thái bị suy thoái. Trước thềm hội nghị, phân tích của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên (Anh) cho biết gần 1/4 diện tích đất đa dạng sinh học bậc nhất thế giới nằm trong các khu bảo tồn, nhưng chất lượng của những khu vực này đang suy giảm nhanh hơn so với bên ngoài các khu bảo tồn.