Tia hy vọng trong nỗ lực ngăn trái đất nóng thêm là công suất năng lượng tái tạo gia tăng trong năm 2023
Mọi kỷ lục lớn về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ vào năm 2023 và năm 2024 có thể tồi tệ hơn. Đó là cảnh báo vừa được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc đưa ra trong báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu.
Theo báo cáo công bố ngày 19-3 này, nhiệt độ trung bình năm 2023 đã đạt mức cao nhất kể từ khi số liệu này được ghi nhận cách đây 174 năm. Con số này cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Những số liệu khác cũng cho thấy bức tranh ảm đạm về khí hậu toàn cầu. Chẳng hạn, nhiệt độ đại dương đạt mức ấm nhất trong 65 năm dữ liệu này được thu thập. Hơn 90% vùng biển từng trải qua tình trạng sóng nhiệt trong năm ngoái, gây hại cho hệ thống lương thực toàn cầu.
Biến đổi khí hậu được thúc đẩy bởi việc đốt nhiên liệu hóa thạch và hiện tượng khí hậu El Nino đã đẩy thế giới đến những kỷ lục nói trên. Ngoài ra, theo Reuters, báo cáo của WMO cũng cho thấy lượng băng biển ở Nam Cực đang sụt giảm mạnh.
Xu hướng này kết hợp với sự ấm lên của đại dương đã góp phần khiến mực nước biển dâng trong thập kỷ qua (2014 - 2023) nhanh gấp đôi so với giai đoạn 1993 - 2002.
Một bãi biển đông đúc người tại TP Rio de Janeiro - Brazil ngày 17-3Ảnh: Reuters
"Cộng đồng WMO đang phát đi báo động đỏ cho thế giới" - Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho biết, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự ấm lên chưa từng thấy của đại dương và băng tan ở biển Nam Cực.
Theo bà Saulo, tình trạng đại dương nóng lên là gần như "không thể đảo ngược", có thể mất cả thiên niên kỷ mới đảo ngược được vì đặc tính của nước là giữ nhiệt lâu hơn khí quyển.
Trong khi đó, ông Omar Baddour, người phụ trách giám sát khí hậu của WMO, cho biết có khả năng cao năm 2024 sẽ ghi nhận các kỷ lục mới về thời tiết nóng. Chuyên gia này chỉ ra rằng tháng 1-2024 đã là tháng 1 nóng nhất từng được ghi nhận.
Còn theo dữ liệu mới từ Cơ quan Giám sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, tháng 2 vừa qua cũng phá kỷ lục nhiệt độ cao.
Theo đài Al Jazeera, báo cáo của WMO cho biết mọi lục địa đều chịu tác động của nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng… trong năm ngoái. Đáng chú ý, các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, gây tổn thất về đa dạng sinh học, mất an ninh lương thực và các vấn đề sức khỏe.
Dù vậy, cơ quan này đã nêu bật tia hy vọng trong nỗ lực ngăn trái đất nóng thêm. Đó là công suất năng lượng tái tạo trong năm 2023 đạt 510 GW, tăng gần 50% so với năm trước đó.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh vẫn còn thời gian để tránh được tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất nhưng điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải nhanh chóng hành động từ bây giờ.
Báo cáo trên được công bố trước thềm hội nghị khí hậu dự kiến diễn ra tại thủ đô Copenhagen - Đan Mạch trong 2 ngày 21 và 22-3. Tại đây, các chuyên gia khí hậu và quan chức nhiều nước sẽ thảo luận về những vấn đề ưu tiên cho hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) trong năm nay.
Ấn Độ đối mặt tình cảnh thiếu nước
Mực nước tại các hồ chứa chính của Ấn Độ trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, dấu hiệu cho thấy nguy cơ thiếu nước uống và điện vào mùa hè này. Cụ thể, dữ liệu cho thấy 150 hồ chứa do chính phủ giám sát chỉ mới lấp đầy 40% sức chứa vào tuần trước. Các hồ chứa này cung cấp nước uống, nước tưới tiêu và là nguồn thủy điện chính của Ấn Độ.
Theo hãng tin Reuters ngày 19-3, tại các trung tâm lớn như TP Bengaluru, bang Karnataka, được xem là "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ, nguồn cung cấp nước đã bị cắt giảm. Tại bang này, hồ chứa nước chính chỉ mới lấp đầy 16% sức chứa. Còn tại một số bang công nghiệp (Maharashtra, Andhra Pradesh), bang nông nghiệp (Uttar Pradesh, Punjab), mực nước hồ chứa giảm xuống dưới mức trung bình trong 10 năm.
Cuộc khủng hoảng thiếu nước có thể trở nên nghiêm trọng ở các thành phố miền Trung và miền Nam, nơi được dự báo đối mặt những đợt nắng nóng cực độ trong 2 tháng 4 và 5. Nguồn nước ở nước này thường được bổ sung vào khoảng tháng 6 nhờ mưa. Một quan chức Bộ Điện lực Ấn Độ cho Reuters biết đang theo dõi mực nước tại các hồ chứa, đồng thời cảnh báo nếu tình hình tồi tệ hơn do thiếu mưa thì việc cung cấp nước uống sẽ được ưu tiên hơn so với sản xuất điện.
Cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, đợt nắng nóng ở Brazil đã lập kỷ lục mới với chỉ số nóng bức ở TP Rio de Janeiro ngày 17-3 được ghi nhận lên đến 62,3 độ C - cao nhất trong một thập kỷ. Chỉ số nóng bức kết hợp nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí, thể hiện nhiệt độ tương đương theo cảm nhận của con người. Hệ thống thời tiết Rio Alert cho biết nhiệt độ thực tế cao nhất tại thành phố này ngày 18-3 là 42 độ C.
Xuân Mai
Hoàng Phương - Theo Người Lao Động