Năm nay Giải Nobel Kinh tế được trao cho hai nhà kinh tế của MIT (Daron Acemoglu và Simon Johnson) và nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Chicago (James A. Robinson). Trong 3 người, Daron Acemoglu được chú ý từ lâu vì năm 2005 đã được Hội Kinh tế Mỹ tặng John Bates Clark Medal là Huân chương hằng năm tặng cho một nhà kinh tế dưới 40 tuổi đã có thành tích nghiên cứu xuất sắc, sáng tạo.
Nhiều nhà kinh tế nhận được huân chương này sau đó (thường là trên dưới 20 năm sau) đã được trao Giải Nobel Kinh tế. Acemoglu còn là nhà kinh tế viết rất nhiều đến nỗi một học giả khác đã thốt lên: “He can write faster than I can digest his research”. Acemoglu cùng với James A. Robinson xuất bản cuốn Why Nations Fail:The Origins of Power, Prosperity, and Poverty (2012) và cùng với Simon Johnson viết cuốn Power and Progress: Our Thousand-Year Struggle over Technology and Prosperity (2023). Đây là hai cuốn sách viết cho đại chúng dựa trên thành quả nghiên cứu của họ.
Giả thuyết trung tâm trong nghiên cứu của 3 người là sự liên quan giữa chế độ (institutions) và thành quả phát triển kinh tế. Sự liên quan nầy lần đầu tiên được chứng minh một cách thuyết phục bằng sử liệu và data. Khung phân tích này được trình bày rõ ràng trong cuốn sách Why Nations Fail (Tại sao các quốc gia thất bại). Thể chế chính trị quyết định thể chế kinh tế. Thể chế chính trị có hai trường hợp đối nghịch: Thể chế chính trị tước đoạt (extractive political institution, A) và thể chế chính trị bao trùm (inclusive political institution, B). Tương ứng với hai thể chế đó là thể chế kinh tế tước đoạt (extractive economic institution, C) và thể chế kinh tế bao trùm, dung hợp (inclusiive economic institution, D). Trong trường hợp A và C, quyền lực tập trung vào một nhóm lợi ích, có khuynh hướng đưa ra các luật lệ, chính sách phục vụ lợi ích của thiểu số quyền lực, không khuyến khích đầu tư vào lãnh vực mới, không kích thích đổi mới sáng tạo (innovation), không kích thích cá nhân nỗ lực vì khó leo lên các bậc thang cao hơn trong xã hội; do đó kinh tế không hoặc chậm phát triển, tăng trưởng không bền vững. Chỉ có thể chế dân chủ, bao trùm, tôn trọng pháp quyền (B) mới có chế độ kinh tế bao trùm (D) trong đó các quyền tự do kinh doanh, quyền tư hữu, quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản được bảo đảm, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, thì kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh, mọi người đều có cơ hội tham gia vào quá trình phát triển.
Luận điểm nầy rất hữu ích. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thành quả của phát triển. Nhưng có thể nói thể chế là yếu tố cơ bản nhất. Cải cách ở Trung Quốc hay đổi mới ở Việt Nam đã chuyển thể chế kinh tế từ C sang D (nói chính xác là tiến gần đến D) nên kinh tế đã phát triển. Cũng có thể nói thêm là đổi mới ở Việt Nam chưa toàn diện (chưa tiến gần hơn đến D) nên thành quả phát triển hạn chế. Chất lượng thể chế chưa tốt nên doanh nghiệp trong nước yếu, ảnh hưởng lan tỏa công nghệ từ FDI sang doanh nghiệp trong nước bị hạn chế, v.v..
Tuy nhiên, khi xét kinh nghiệm ở các nước Đông Á ta thấy giả thuyết của ba học giả nhận Nobel năm nay có nhiều vấn đề phải bàn thêm. Thời đại Park Chung Hee ờ Hàn Quốc hay Tưởng Giới Thạch/Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan có thể nói thể chế chính trị là A (độc tài, han chế dân chủ, thiếu tự do) nhưng kinh tế phát triển đạt đến mức thu nhập trung bình cao vì họ tạo điều kiện cho thể chế kinh tế tiến gần với D. Điều nầy cần giải thích bằng các yếu tố ngoài kinh tế tế như tinh thần dân tộc, khát vọng theo kịp các nước đi trước, ý thức trách nhiệm với dân với nước của lãnh đạo. Từ đó họ trọng dụng người tài, tăng cường giáo dục đào tạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư. Thêm vào đó giai đoạn nầy chỉ cần du nhập công nghệ nước ngoài, chưa cần cách tân công nghệ hay đổi mới sáng tạo (innovation) nên thể chế kinh tế chưa cần chất lượng cao. Sau năm 1987 cả Hàn Quốc và Đài Loan chuyển thể chế chính trị từ A sang B và chế độ kinh tế hầu như hoàn toàn chuyển sang D, điều kiện để innovation ra đời và phát huy tác dụng. Và họ trở thành những nền kinh tế tiên tiến từ khoảng năm 2000.
Một điểm thú vị nữa là với thể chế chính trị hiện nay mà Trung Quốc và Việt Nam đều thực hiện thể chế kinh tế bao trùm (D) và phát triển thành nước tiên tiến thu nhập cao (mục tiêu của Trung Quốc là năm 2035, của Việt Nam năm 2045) thì luận đề của ba nhà kinh tế nhận Nobel năm nay có lẽ phải điều chỉnh, ít nhất là một bộ phận./.