Một số sự kiện gần đây đã đặt ra câu hỏi về sự ổn định của chế độ Trung Quốc. Một số nhà quan sát chỉ ra sự kém vững chắc ngày càng tăng của Chủ tịch Tập Cận Bình thông qua một loạt các sự kiện không được giải thích và sự gia tăng tranh cãi về một số vấn đề chủ yếu.
Một cuộc diễn hành của những người lính thuộc Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân. DR.
--------------------------------------------------
Nhìn bề ngoài, Tập Cận Bình nắm giữ hầu như toàn bộ quyền lực: ông đồng thời là Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC). Với tư cách này, ông có thể thống trị vận mệnh của Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã chăm chút củng cố quyền lực của mình bằng cách loại bỏ mọi sự phản đối, công khai hay không. Một trong những công cụ yêu thích của ông để đạt được mục tiêu trên là chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động cùng năm đó. Hàng nghìn quan chức chế độ ở mọi cấp quyền lực, bất kể có tham nhũng hay không, đã là nạn nhân của chiến dịch này.
Tuy nhiên, nhiều quyết định của ông bị tranh cãi. Trong số đó, có thể kể đến cách xử lý tai hại của ông đối với đại dịch Covid-19, gây ra tình trạng tê liệt kinh tế tạm thời và cảnh tuyệt vọng trong một bộ phận dân chúng bị buộc phải sống trong cảnh cô lập không thể chịu đựng được. Chính sách hăm dọa, quấy rối và đe dọa quân sự đối với Đài Loan là một ví dụ khác. Một ví dụ khác là chính sách ngoại giao hung hăng được tiến hành đối với cả những quốc gia bị coi là thù địch với Trung Quốc hay những quốc gia khác không thù địch, bởi các nhà ngoại giao đã trở thành những “chiến lang”.
Từ năm ngoái, bầu không khí ở cấp cao nhất của chế độ không còn như trước nữa. Các tín hiệu đang được nhân bội và dường như cho thấy sự tức giận đang gia tăng trong hàng ngũ Đảng, bao gồm cả những người đứng đầu hệ thống thứ bậc của chế độ. Trong số những người đã lên tiếng có một số nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đảng. Những lời chỉ trích của họ đã nổ ra vào năm ngoái trong các cuộc họp truyền thống vào tháng 8 tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hài, ở phía đông bắc của đất nước, khi các cấp lãnh đạo họp kín để thảo luận về tương lai của Trung Quốc. Đó là nơi tụ họp các lãnh đạo kỳ cựu và những nhà lãnh đạo trong đó có một số được cho là thân cận với Tập Cận Bình.
Một loạt các sự kiện không được giải thích
Sự kiện đầu tiên: trái với thông lệ, không có thông báo nào được đưa ra vào tháng 5 bởi các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc về việc tổ chức cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị ĐCSTQ. Bao gồm 24 quan chức cấp cao nhất của Đảng, cơ quan này được cho là họp một lần một tháng. Điều lệ của Đảng rất rõ ràng trên vấn đề này.
Đứng đầu Bộ Chính trị là Ủy Ban Thường Vụ mà bảy thành viên là những người đưa ra những quyết định quan trọng nhất. Do đó, đây là cơ quan ra quyết định tối cao của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Nó thường họp một lần một tuần, trong sự bí mật tuyệt đối. Không có thông báo nào được đưa ra về việc tổ chức hoặc nội dung của các cuộc thảo luận.
Khi Bộ Chính trị họp vào ngày 25 tháng 4, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã, như thường lệ, đã đưa tin về sự kiện này. Vào tháng 5, chuyện đó đã không xảy ra. Cũng cơ quan đó đã im hơi lặng tiếng một cách vang dội. Có khả năng cuộc họp thực sự đã diễn ra và không được công khai do tính chất tuyệt mật của các cuộc thảo luận. Nhưng cũng có khả năng là nó đã không diễn ra.
Thế mà những cuộc họp này có tầm quan trọng chủ yếu vì chúng tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước tranh luận về các vấn đề và thách thức lớn của Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, chính trị, địa chính trị và thậm chí là quân sự. Thông thường, Tập Cận Bình và không ai khác đưa ra những quyết định quan trọng nhất.
Một sự vắng mặt không được giải thích tại Diễn đàn An ninh Singapore
Một diễn biến thứ hai, cũng đáng lo ngại không kém: trái ngược với truyền thống lâu đời, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (董军) đã không tham dự hội nghị an ninh thường niên, Đối thoại Shangri-la, được tổ chức tại Singapore từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6, mặc dù đã tham gia sự kiện này vào năm ngoái. Theo truyền thống, Bộ trưởng Quốc phòng luôn có mặt để đại diện cho Trung Quốc và có bài phát biểu mang tính ý thức hệ cao tại các cuộc họp này giữa các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu thế giới.
Ngay trước diễn đàn, Bộ Quốc phòng đã xóa tên Miêu Hoa (苗华), cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị của CMC, khỏi danh sách thành viên mà không có lời giải thích nào. Nhận thấy sự vắng mặt của Đổng Quân, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth, người đang ra mắt tại diễn đàn Singapore, đã lợi dụng cơ hội này để chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mà ông cho là hiếu chiến và xâm lược. Vì không có đại diện ở Singapore ở cấp độ cần thiết nên Bắc Kinh không còn cách nào khác ngoài việc giữ im lặng.
Sự vắng mặt đáng chú ý này càng đáng lo ngại hơn khi mà chính quyền Trung Quốc đã thể hiện sự kiên quyết toàn diện liên quan đến thuế quan mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt đối với Trung Quốc, diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu nhiều mặt đang tiếp tục leo thang giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Một số nhà quan sát hiểu biết về Trung Quốc tin rằng sự vắng mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có thể là do căng thẳng cao độ đã làm xáo trộn giới lãnh đạo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA) trong nhiều tháng, một tình huống cũng bất thường và chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Vào tháng 11, Miêu Hoa, được coi là đại diện chính trị của Tập Cận Bình trong PLA, đã bị đình chỉ nhiệm vụ vì “bị cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” mà vẫn là thành viên của CMC. Với việc Miêu Hoa bị cách chức, số lượng thành viên CMC hiện giảm xuống còn năm: Tập Cận Bình và bốn sĩ quan cấp cao. Sự thay đổi này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với công tác quản lý an ninh của Trung Quốc, cũng như đối với công tác này của các nước láng giềng ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, Bán đảo Triều Tiên và Đài Loan. Thế mà không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra.
Cuộc thanh trừng Tướng Hà Vệ Đông
Hà Vệ Đông (1957-)
Một diễn biến khác: vẫn chưa rõ số phận của Hà Vệ Đông (何卫东), một trong hai phó chủ tịch hiện tại của CMC. Là người gần gũi với Miêu Hoa, ông đã biến mất khỏi chính trường hơn hai tháng rưỡi trước, và sự thanh trừng ông không còn gì là đáng nghi ngờ nữa. Ông là sĩ quan cấp cao thứ hai sau Trương Hựu Hiệp (张又侠) - phó chủ tịch khác của CMC - và là một trong 24 thành viên của Bộ Chính trị Đảng. Ông cũng được coi là một trong những cộng sự thân cận của Tập Cận Bình. Hoặc ít nhất là ông đã từng là như vậy.
Các cuộc thanh trừng trong PLA đã tăng lên với tốc độ chóng mặt trong những tháng gần đây. Trong số đó, cuộc thanh trừng của người chỉ huy thứ hai của quân đội, Tướng Hà Vệ Đông, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Việc ông vắng mặt trong các sự kiện chính thức kể từ cuối tháng 3 đã khiến các nhà quan sát và giới truyền thông ngạc nhiên, những người đã nhanh chóng nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt của sự vắng mặt này.
Nếu được chứng minh, cuộc thanh trừng này, vốn chưa bao giờ được giải thích, đã nhắm vào viên chức quân sự cấp cao nhất từ hai năm nay. Hơn nữa, vụ việc Hà Vệ Đông đã diễn ra sau thông báo chính thức vào ngày 26 tháng 3 về việc sa thải phó chỉ huy đơn vị chống tham nhũng của quân đội Trung Quốc, Trung úy Tang Yong.
Những sự kiện này phải được đặt trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng trong hai năm qua nhắm vào PLA. Cần phải nhắc lại ý nghĩa của khái niệm “tham nhũng” trong bối cảnh Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (DNI) về chủ đề này lưu ý rằng “tham nhũng” ở Trung Quốc được hiểu là “một tội ác chính trị, một dấu hiệu của sự bất trung và sự ô uế về mặt tư tưởng”, do đó có thể bao gồm một phổ rộng các hoạt động và thái độ bị Đảng coi là đáng chê trách.
Nguyên tắc sự trung thành tuyệt đối của quân đội đối với ĐCSTQ
Năm 2024, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các chỉ huy quân đội rằng “các đại bác phải luôn nằm trong tay những người trung thành và đáng tin cậy đối với Đảng”, qua đó nhấn mạnh lòng trung thành tuyệt đối của quân đội đối với Đảng. Gần đây hơn, Thủ tướng Lý Cường đã tuyên bố PLA tiếp tục nỗ lực duy trì “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội nhân dân, thực hiện đầy đủ và triệt để chế độ trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy Trung ương và tiếp tục đào sâu chính sách giáo dục chính trị”.
Tuy nhiên, nếu Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân tham dự diễn đàn Singapore năm nay, chắc chắn ông đã phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ cử tọa về tình hình hỗn loạn dữ dội trong quân đội Trung Quốc. Nhưng kể từ ngày 19 tháng 5, không có cơ quan truyền thông Trung Quốc nào đưa tin về bất kỳ cuộc họp lớn nào trong giới lãnh đạo PLA mà Tập Cận Bình có thể đã tham dự.
Cái chết vào ngày 29 tháng 3 của cựu Phó Chủ tịch CMC Hứa Kỳ Lượng (许其亮) cũng khiến các chuyên gia Phương Tây bất ngờ vì ở tuổi 75, ông vẫn khỏe mạnh khi tham dự một buổi dạ tiệc ở Bắc Kinh vào tháng 1 để vinh danh các cựu chiến binh và cựu quân nhân. Ở đây cũng vậy, theo thông lệ, Tập Cận Bình và các thành viên khác của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị và của CMC sẽ tỏ lòng kính trọng đối với người đã khuất. Tuy nhiên, không ai trong số họ làm như vậy, ít nhất là một cách công khai.
Một kỷ niệm thât khó xử về vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn
Nhân thể, ngày 4 tháng 6 cũng đánh dấu kỷ niệm 36 năm vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn (天安門大屠殺), khi lính thuộc PLA đã nổ súng vào hàng nghìn sinh viên ủng hộ dân chủ tụ tập tại quảng trường rộng lớn này ở trung tâm thủ đô Trung Quốc. Chính quyền chưa từng công bố số người chết, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng vụ tàn sát đã khiến ít nhất 2.000 sinh viên biểu tình ôn hòa đòi dân chủ hơn thiệt mạng.
Các nhà quan sát Tây Phương về Trung Quốc gần như nhất trí rằng cái chết vào tháng 4 năm 1989 của Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Hồ Diệu Bang (胡燿邦), chính thức là do một cơn đau tim, đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình khổng lồ ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác. Hồ Diệu Bang ủng hộ việc dân chủ hóa chế độ và đã hứa sẽ khởi xướng các cải cách theo hướng này, kể cả trong Đảng. Cái chết đột ngột của ông vẫn còn phần nào khả nghi, vì tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đều nhận được sự có mặt thường trực của các bác sĩ có trình độ, sẵn sàng can thiệp gần như ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp.
Hẳn là Tập Cận Bình đã không biến mất khỏi chính trường Trung Quốc, điều chắc còn lâu mới xảy ra. Ông đã xuất hiện nhiều lần trong những tuần gần đây, bao gồm cả vào ngày 4 tháng 6 khi ông tiếp Tổng thống Belarus Alexander Loukachenko. Do sự mờ đục cực độ của chế độ cộng sản Trung Quốc, sẽ là thiếu thận trọng khi đưa ra kết luận dứt khoát từ loạt sự kiện không thể giải thích này.
Tuy nhiên, sự hội tụ kỳ lạ của các sự kiện này dường như làm nổi bật sự mong manh mới trong số bí mật của chính quyền Trung Quốc. Tác động của các cuộc thanh trừng đã và sắp diễn ra trong quân đội đối với năng lực hoạt động của PLA là vấn đề gây tranh cãi. Theo ý kiến gần như nhất trí của các chuyên gia về vấn đề này, mối liên hệ có vẻ rõ ràng giữa chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào quân đội và mong muốn được cho là của Tập Cận Bình là chiếm Đài Loan trong những năm tới theo những cách vẫn còn rất không chắc chắn và chưa bao giờ được nêu rõ.
Kế hoạch xâm lược Đài Loan không nhận được sự ủng hộ nhất trí
Do đó, một trong số giải thích cho các cuộc thanh trừng liên tục trong PLA có thể là cuộc tranh luận về thời cơ của việc xâm lược Đài Loan. Có vẻ như rõ ràng là kế hoạch xâm lược Đài Loan này, được Tập Cận Bình liên tục tung hô, không nhận được sự nhất trí trong hàng ngũ lãnh đạo PLA, vì nó sẽ cực kỳ rủi ro. Không thể loại trừ là một thất bại quân sự có thể sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho cả Đảng và người dân nước này. Một số chuyên gia Tây Phương tin rằng một cuộc chiến ở Đài Loan, nếu Bắc Kinh thua, có thể đồng nghĩa với việc tự sát đối với chế độ cộng sản Trung Quốc.
Vào ngày 12 tháng 6, một bài xã luận trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asia của cựu Trưởng văn phòng báo này ở Bắc Kinh, Katsuji Nakazawa, đã giải thích rằng “Các tướng lĩnh của Tập Cận Bình phải đối mặt với một chiến trường chính trị nguy hiểm”. Đối với Katsuji Nakazawa, “Giờ đây không thể chối cãi rằng Tướng Hà Vệ Đông đã bị thanh trừng.” “Sự cách chức nhà lãnh đạo quân sự có ảnh hưởng này là một lời nhắc nhở nữa rằng nơi nguy hiểm nhất đối với các tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc không phải là một chức vụ chỉ huy nơi vũ khí có thể không mang lại thành công, mà là chiến trường chính trị, nơi họ có nguy cơ mất tất cả.” Khi họ bị thanh trừng, “Họ có thể bị tước danh dự và tài sản và phải ngồi tù suốt quãng đời còn lại nếu họ bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Tướng Hà Vệ Đông, 68 tuổi, là phó chủ tịch đương nhiệm đầu tiên của CMC bị thanh trừng kể từ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Katsuji Nakazawa nhấn mạnh.
Nhưng trong khi Trung Quốc vẫn im lặng về số phận của ông, bằng chứng thuyết phục về sự mất chức của ông đã xuất hiện trong lễ tang của Hứa Kỳ Lượng vào ngày 29 tháng 3 tại Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn của Bắc Kinh, dành riêng cho các chức sắc của Đảng. Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác đã bày tỏ lòng thành kính cuối cùng trước khi thi hài của ông được hỏa táng. Đoạn phim do đài truyền hình Nhà nước Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng cho thấy Tập Cận Bình cúi đầu ba lần trước thi hài của ông được đặt trong quan tài, trước khi từ từ bước đi. Đoạn phim cũng cho thấy vòng hoa phía sau Tập Cận Bình có ghi tên các thành viên Bộ Chính trị. Đáng chú ý là sự vắng mặt của tên Tướng Hà Vệ Đông, một cảnh mà CCTV không hề cố gắng che giấu và dường như chứng thực cho cuộc đấu tranh chính trị khốc liệt diễn ra trong nội bộ PLA đằng sau cánh cửa đóng kín.
Sự đàn áp trong nội bộ PLA đã đạt đến bước ngoặt vào năm 2023 và 2024, sau Đại hội Đảng lần thứ 20 Đại hội vào tháng 10 năm 2022, khi chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình chỉ đạo chuyển sự chú ý sang các quan chức gần gũi nhất với nhà lãnh đạo tối cao. Những nhân vật có ảnh hưởng khác được coi là thành viên chủ chốt của phe Tập trong PLA cũng biến mất mà không có lời giải thích.
Trong bầu không khí này, vốn đã trở nên độc hại hơn bao giờ hết trong chế độ Trung Quốc, ít ai dám đưa ra bất kỳ dự đoán nào về tuổi thọ chính trị của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Cộng sản, vì còn nhiều điều không chắc chắn ở Trung Quốc. Con người ưa thể hiện mình là người thống nhất vĩ đại của Trung Quốc, như Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (秦始皇), người mà ông thích tự cho mình là người kế vị uy nghiêm, rõ ràng sẽ làm bất cứ điều gì để duy trì quyền lực, bất kể cái giá chính trị, kinh tế và xã hội đối với đất nước của mình.
Về tác giả
Cựu tổng biên tập của AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của khoảng mười lăm tác phẩm tập trung vào Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của Châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên này tại Bắc Kinh đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis/Vấn đề lãnh đạo toàn cầu, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ” tại NXB Éditions de l’Aube. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Tibet mort ou vif/ Tây Tạng chết hay sống”, do Gallimard xuất bản. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur/Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại”, xuất bản năm 2021 (l’Aube), ông chủ biên tác phẩm tập thể “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Hoa” (Cherche Midi) vào cuối năm 2022. Đầu năm 2023, ông xuất bản cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste/Khổng Tử ngày nay, di sản phổ quát” (l’Aube) rồi năm 2024 “Chine, l’empire des illusions/Trung Quốc, đế chế ảo tưởng” (Saint-Simon) và “Japon, l’envol vers la modernité/Nhật Bản, sự bay lên thời hiện đại” (l’Aube).
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Interrogations sur la stabilité du régime chinois”, Asialyst, 13.6.2025.