- Kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Ngài ( 1525 - 2025).
- 467 năm ngày rời quê hương vô trấn nhậm đất Thuận Hoá (1558 - 2025).
- 412 năm ngày Ngài băng hà (1613 - 2025).
Đức Thái tổ Gia dụ Hoàng đế húy Nguyễn Hoàng sinh ngày 10/8 Ất Dậu (28/8/1525), Ngài là Hoàng tử thứ hai của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế húy Nguyễn Kim và Triệu tổ Tĩnh hoàng hậu húy Nguyễn Thị Mai.
Năm 1527, lúc mới hai tuổi, Ngài được đức Triệu tổ gửi cho Cậu ruột của Ngài là Nguyễn Ư Kỷ nuôi nấng, chăm sóc và dạy dỗ.
Năm Ất Tỵ 1545, khi đức Triệu tổ mất, Ngài được tập phong tước Hạ Khê hầu.
Đời vua Lê Trang tông, Ngài được tấn phong tước Đoan Quận công. Khi anh trai bị ám hại, Ngài cáo bệnh giữ mình. Nghe theo lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoàng Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Ngài nhờ chị gái là Ngọc Bảo xin với vua Lê và anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa.
Năm Mậu Ngọ 1558, Ngài đem con em cùng những người đồng hương huyện Tống Sơn và nghĩa dũng xứ Thanh Hoa vào đóng ở xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ngài vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng nên được dân mến phục, thường xưng tụng Ngài là Chúa Tiên.
Năm Kỷ Tị 1569, Ngài đem quân ra Đông Đô lần thứ nhất, vào chầu vua Lê và thăm Thái sư Trịnh Kiểm.
Năm Canh Ngọ 1570, Ngài dời dinh về làng Trà Bát, cũng thuộc huyện Vũ Xương. Trong năm này, Ngài được phong làm Tổng trấn tướng quân kiêm lãnh cả hai xứ Thuận - Quảng.
Năm Nhâm Thân 1572, tướng Mạc là Lập Bạo đem quân vào đánh Thuận Hóa bị Ngài đánh bại và giết chết.
Năm Quý Dậu 1573, vua Lê Thế tông lên ngôi, sai sứ đem sắc tấn phong Ngài chức Thái Phó.
Mười năm trấn nhấn nhậm, với chính sách rộng rãi, khoan hòa, nghiêm trang, người dân được an cư lạc nghiệp. Tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán đông đúc, chợ không bán hai giá, không có trộm cướp, đêm ngủ không phải đóng cửa. Xứ Thuận – Quảng trở thành nơi đô hội lớn.
Năm Quý Tỵ 1593, Ngài đem quân ra Đông Đô lần thứ hai, yết kiến vua Lê, được vua phong chức Trung quân Đô đốc phủ, Tả đô đốc Chưởng phủ sự, Thái úy Đoan Quốc công.
Năm Ất Mùi 1595, Ngài được cử làm Đề diệu khoa thi Tiến sĩ.
Năm Kỷ Hợi, vua Lê Thế tông băng, vua Lê Kính tông lên nối ngôi, tấn phong Ngài làm Hữu tướng.
Ngài ở Bắc trong 8 năm, thường xuyên đem quân đi đánh dẹp quân nhà Mạc, đánh đâu thắng đó, lập nhiều chiến công, Trịnh Tùng không muốn cho Ngài trở về Thuận Hóa vì sợ “Thả hổ về rừng”.
Năm Canh Tý 1600, Ngài lập kế đi đánh dẹp Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê rồi đem binh thuyền theo đường biển trở về Thuận Hóa. Ngài dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử, gọi là Dinh Cát.
Để chúa Trịnh khỏi nghi ngờ, Ngài để con trai Nguyễn Hải cùng cháu nội Nguyễn Hắc ở lại trong triều làm con tin. Ngài lại gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng. Vua Lê và chúa Trịnh cho sứ vào phủ dụ.
Năm Tân Sửu 1601, Ngài xây chùa Thiên Mụ.
Năm Nhâm Dần 1602, Ngài sai Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ dinh Quảng Nam để cho Thế tử tập lo chính sự. Ngài cho lập thêm các chùa Long Hưng (Duy Xuyên, Quảng Nam), Bảo Châu (Trà Kiệu, Quảng Nam) và Kính Thiên (Lệ Thủy, Quảng Bình).
Năm Tân Hợi 1611, quân Chiêm xâm lấn bờ cõi, Ngài sai quân đi đánh dẹp, lấy vùng đất biên giới lập thành phủ Phú Yên.
Năm Quý Sửu, ngày 03/6 (20/7/1613), Ngài yếu mệt, cho triệu Thế tử và các Thân thần đến trước giường mà bảo rằng: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để lại gánh nặng cho con ta, các ông vui lòng giúp đỡ cho nên công nghiệp”. Ngài dặn Thế tử: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em phải thương yêu nhau. Con mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”.
Ngài lại dặn: “Đất Thuận – Quảng, Bắc có Hoành sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững. Núi sẵn vàng, sắt; biển sẵn cá, muối, thực là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh chống với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực chưa thể địch được thì cố giữ đất đai chờ cơ hội, chớ bỏ qua lời dặn của ta”. Dặn dò xong Ngài băng, ở ngôi 56 năm, thọ 89 tuổi.
Ngài là vị Chúa đầu tiên khai sáng nhà Nguyễn, đặt nền tảng cho việc gây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn sau này.
Khi Ngài mất, vua Lê truy tặng: “Cẩn Nghĩa công”, thụy Cung Ý.
Chúa Sãi truy tôn Ngài: “Cẩn nghĩa Đạt lý Hiển ứng Chiêu hựu Diệu linh Gia Dụ vương”.
Vũ Vương truy tôn Ngài: “Liệt tổ Triệu cơ Thùy thống Khâm minh Cung ý Cẩn nghĩa Đạt lý Hiển ứng Chiêu hựu Diệu linh Gia dụ Tháivương”.
Vua Gia Long truy tôn Ngài: “Triệu cơ Thùy thống Khâm minh Cung ý Cẩn nghĩa Đạt lý Hiển ứng Chiêu hựu Diệu linh Gia dụ Hoàng đế”. Miếu hiệu là Thái Tổ.
Lúc đầu, Ngài được táng ở núi Thạch Hãn (Hải Lăng, Quảng Trị), sau cải về núi La Khê (Hương Trà, Thừa Thiên). Vua Gia Long đặt tên lăng của Ngài là Trường Cơ.
Hoàng hậu họ Nguyễn, tiểu sử không rõ. Đức Bà mất ngày 16/5 âm lịch. Vua Gia Long truy tôn: “Từ lương Quang Thục Minh đức Ý cung Gia dụ Hoàng hậu”. Lăng là Vĩnh Cơ tại làng Hải Cát (Hương Trà, Thừa Thiên).
Đức Thái tổ Gia dụ Hoàng đế sinh hạ 10 trai, 2 gái:
1- Thái bảo Hòa Quận công Nguyễn Hà.
2- Tả đô đốc Lỵ Nhân công Nguyễn Hán.
3- Nguyễn Thành.
4- Thái phó Hào Quận công Nguyễn Diễn.
5- Tả đô đốc Cẩm Quận công Nguyễn Hải.
6- Hy tông Hiếu văn Hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên.
7- Nguyễn Phúc Hiệp.
8- Nguyễn Phúc Trạch.
9- Tả đô đốc Nghĩa Quận công Nguyễn Phúc Dương.
10- Nghĩa Hưng Quận vương Nguyễn Phúc Khê.
11- Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tiên.
12- Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tú.
Thái tổ Gia dụ Hoàng đế và Thái tổ Gia dụ Hoàng hậu được thờ tự chính ở 3 nơi:
- Tôn miếu ở Quý hương Gia Miêu ngoại trang do con cháu dòng Công tính chính chi chăm lo thờ tự.
- Nguyên miếu ở Quý hương Gia Miêu ngoại trang do vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, thờ tự theo điển chế quốc gia.
- Thái tổ miếu trong Đại nội Huế do vua Gia Long cho xây dựng, thờ tự theo điển chế quốc gia.