Đây là cách quá trình thoái hóa sẽ kết thúc trong thế giới của chúng ta, nhưng bản chú giải tiếp tục giải thích rằng trong một số chu kỳ, nó có thể diễn ra theo cách khác. Có ba loại trung kiếp (antarakappa), tất cả đều dẫn đến sự hủy diệt to lớn của chúng sinh:
1. Một trung kiếp dubbhikkha ("nạn đói") xảy ra khi phiền não chính của con người là lòng tham lam quá độ (lobha). Khi nạn đói lớn qua đi, hầu hết những người đã chết đều được tái sinh làm ngạ quỷ (peta) do sức mạnh của sự khao khát thức ăn của họ.
2. Một trung kiếp roga ("bệnh dịch") xảy ra khi phiền não chính là sự si mê (moha). Sau trận đại dịch, hầu hết chúng sinh được tái sinh vào cõi trời (deva), bởi vì sự quan tâm của họ đến nỗi khổ của nhau đã dẫn dắt họ phát triển tâm từ ái (mettā).
3. Một trung kiếp sattha ("đao binh") xảy ra khi lòng sân hận (dosa) ngự trị trong dân chúng. Hầu hết những người bị tàn sát được tái sinh vào địa ngục (niraya) vì vô số hành vi giết chóc mà họ đã gây ra (DN-a 26).
Theo luận A-tỳ-đạt-ma-câu-xá (Abhidharmakośa), hai châu lục Tây Ngưu Hóa Châu (Aparagoyanā) và Đông Thắng Thần Châu (Pubbavideha) không phải chịu bất kỳ tai ương cùng cực nào trong số này, nhưng khi Nam Thiện Bộ Châu (Jambudīpa) đang trải qua những tai ương đó, cư dân ở hai châu phía đông và phía tây phải chịu đựng “sự độc ác, sắc diện xấu xí, suy nhược, đói và khát” (AK 3:6, trang 490). Qua đó, chúng ta có thể suy luận rằng Bắc Câu Lô Châu (Uttarakuru) hoàn toàn không phải chịu đựng bất kỳ khổ đau đặc biệt nào vào những thời điểm này.
Dù diễn ra theo cách nào, trung kiếp (antarakappa) cũng đồng nghĩa với việc hầu hết nhân loại trên thế giới đều bị tận diệt. Nó đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn suy vong trong một chu kỳ.
Tuy nhiên, có một vài người sống sót sẽ bắt đầu một giai đoạn hưng thịnh mới. Trong trường hợp của "thời đao binh" như được đề cập trong bản kinh (sutta) của chúng ta, những người sống sót là một số ít người đã ẩn mình trong rừng để tránh cuộc tàn sát. Khi họ xuất hiện và tìm thấy nhau, họ cùng nhau đồng thuận giữ giới không sát sinh. Chỉ nhờ việc giữ gìn giới luật này mà tuổi thọ của họ đã tăng gấp đôi, lên đến hai mươi năm.
Trong giai đoạn tiến hóa tiếp theo của thế giới, tuổi thọ cứ nhân đôi qua mỗi thế hệ khi con người dần dần trở nên có đạo đức hơn, cho đến khi đạt lại đến đỉnh điểm là 80.000 năm. Thế giới lúc bấy giờ sẽ đạt đến đỉnh cao trong một loại thời đại hoàng kim, mặc dù có thể không hấp dẫn chúng ta ở mọi khía cạnh chi tiết của nó. Kinh văn mô tả như sau:
Trong số những người sống thọ 80.000 năm ấy, chỉ có ba thứ bệnh được biết đến:
1. Dục vọng (icchā),
2. Đói khát (anasana),
3. Và tuổi già (jarā).
Đại lục-châu Nam Thiện Bộ Châu (Jambudīpa) sẽ hùng mạnh và giàu có. (Mái hiên của mỗi nhà sẽ chồng lên mái hiên của nhà hàng xóm)¹⁶⁰ trong các làng mạc, thị trấn và kinh thành. Nam Thiện Bộ Châu (Jambudīpa) sẽ đông đúc đến mức dường như không còn một kẽ hở,¹⁶¹ giống như một bụi sậy hay rừng tre. Thành Ba-la-nại (Bārāṇasī) ngày nay sẽ là một kinh đô tên là Kê-tu-ma-ti (Ketumatī), hùng mạnh và giàu có, với dân chúng đông đúc và lương thực dồi dào. Tại Nam Thiện Bộ Châu (Jambudīpa) sẽ có 84.000 thành phố, với Kê-tu-ma-ti (Ketumatī) là thủ đô. (DN 26)
Chính vào thời điểm đó, một vị Chuyển luân Thánh vương (cakkavatti) tên là San-khơ (Saṅkha), và Đức Phật tương lai Di Lặc (Metteyya)¹⁶² sẽ xuất hiện, vị Phật cuối cùng của đại kiếp (mahākappa) này.
[160] This is the commentarial explanation of the odd phrase kukkuṭasampātika. lit. “cuckoo collision”. Walshe renders it as “the
cities will be but a cock's flight one from the next”.
[161] Avīci maññe phuṭo. Avīci is the worst of the nirayas and one of its many agonies is the dense crowding. The commentary
takes this meaning and interprets the phrase as meaning “as crowded as avīci.” But this would be an unusual use of a name which
almost never occurs in the canon. Avīci here may not be a name at all but a negation of vīci, “an interval”.
[162] Sanskrit = Maitreya.
PUNNADHAMMO MAHĀTHERO
THE BUDDHIST COSMOS:
A Comprehensive Survey of the Early Buddhist Worldview, according to Theravāda and Sarvāstivāda sources
Nguồn: Vepulla Bhikkhu