Một số cường quốc đang theo đuổi xu hướng kinh tế "hướng nội" mà các chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể dẫn tới sự thịnh vượng.
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc thúc đẩy xu hướng kinh tế "hướng nội" toàn cầu
Nền kinh tế "hướng nội” là cách gọi của các chuyên gia quốc tế về một xu hướng mới của dòng đầu tư toàn cầu, phản ứng trước cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các quốc gia đang ngày càng khó xử trước việc trở thành một phần trong chuỗi cung ứng “thân thiện” của Washington, hay tiếp tục duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và các sáng kiến của nước này.
Theo các nhà quan sát, xu hướng kinh tế này mang nặng tư tưởng bảo hộ, trợ cấp cao, được các chính phủ can thiệp sâu vào quản lý.
Lập luận của phe ủng hộ
Với các tiếng nói ủng hộ, trọng tâm của xu hướng kinh tế hướng nội xoay quanh chủ nghĩa bảo hộ là cách tốt nhất để đối phó với sự tác động của các thị trường mở.
Đại dịch Covid-19 bộc lộ khiếm khuyết của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nổi lên ý tưởng phải chuyển hoạt động sản xuất về “gần nhà” hơn. Trước đó, thành công của kinh tế Trung Quốc cũng đã khiến nhiều nước phương Tây nghĩ rằng họ mất rất nhiều thứ từ hàng hóa di chuyển tự do qua biên giới.
Phe ủng hộ cho rằng xu hướng bảo hộ là không thể tránh khỏi trước các nguy cơ toàn cầu ngày càng gia tăng
Quan trọng nhất, sự trỗi dậy về chính trị của Bắc Kinh tới mức sẵn sàng đối đầu với trật tự của Mỹ, đã được các coi là lý do biện minh cho sự can thiệp.
Chủ nghĩa bảo hộ này thường song hành cùng với việc chi tiêu thêm của chính phủ cho các ngành công nghiệp. Tác động tới các chính sách công nghiệp có thể sẽ hiệu quả nếu được thiết kế phù hợp, theo các chuyên gia, với Hàn Quốc là một ví dụ.
Học giả Nathan Lane của Đại học Oxford cho rằng chính phủ can thiệp trở thành sự thúc đẩy công nghiệp quan trọng của Hàn Quốc những năm 1973-1979. Trong 20 năm sau đó, GDP thực tế bình quân đầu người của Hàn Quốc đã tăng 349%.
Các chuyên gia khác chỉ ra một ví dụ gần đây hơn về chính sách công nghiệp được cho là thành công: Trung Quốc. Kể từ năm 2015, dự án “Made in China” đã là bước đệm để Trung Quốc đạt được những thành tựu khoa học công nghệ và kinh tế nổi bật. Trợ cấp đã cho phép các công ty giảm giá, đẩy các đối thủ nước ngoài ra khỏi hoạt động kinh doanh.
Nhưng thực tế có đúng như vậy?
Tuy nhiên, hiệu quả này vẫn còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Hai nhà kinh tế Lee Branstetter và Guanwei Li đã nghiên cứu chương trình “Made in China 2025” và nhận ra “ít bằng chứng thống kê về cải thiện năng suất hoặc tăng chi tiêu cho R&D, bằng sáng chế và lợi nhuận” ở các công ty nhận được trợ giúp từ chính phủ.
Điều này có thể là do trợ cấp khiến các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, khiến ngành công nghiệp đó trở nên kém cạnh tranh hơn. Các công ty có xu hướng tập trung vào việc đảm bảo các khoản trợ cấp, đồng thời loại bỏ các nguồn lực đầu tư có yếu tố rủi ro.
Lấy ví dụ, chương trình “Khuyến khích Liên kết Sản xuất” (PLI) của Ấn Độ trả cho mỗi nhà sản xuất một khoản tiền đối với mỗi loại sản phẩm được sản xuất trong nước (như điện thoại di động). Quả thực, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng vọt, nhưng đồng thời nhập khẩu cũng tăng không kém, khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các nhà sản xuất chỉ đơn giản là tái xuất khẩu điện thoại qua Ấn Độ để nhận được trợ cấp.
Các quan điểm khác cho rằng hướng sản xuất vào trong nước chỉ làm tăng chi phí và thiệt hại lớn về kinh tế
Gần đây, một số nhà kinh tế Mỹ ca ngợi sự gia tăng mạnh mẽ của việc xây dựng nhà máy ở nước này kể từ sau các cam kết trợ cấp khổng lồ. Nhưng trên thực tế, những nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip đang vấp phải nhiều rắc rối.
Tỷ phú Morris Chang, người sáng lập TSMC, nói với quan chức Quốc hội Mỹ rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng lại hoạt động sản xuất chip trong nước đã thất bại. Công ty cho biết việc sản xuất tại nhà máy đầu tiên ở Arizona sẽ bị trì hoãn cho đến năm 2025 do thiếu công nhân chuyên môn.
Chi phí kinh tế gia tăng như là hệ quả của việc trả đũa thương mại. Gần đây Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và germani, những thành phần quan trọng trong công nghệ quân sự tiên tiến. Vào tháng 2, Trung Quốc cũng đã đưa Lockheed Martin và một đơn vị của Raytheon, hai nhà sản xuất vũ khí của Mỹ, vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy sau khi vận chuyển vũ khí đến Đài Loan. Các công ty này đã bị chặn thực hiện đầu tư mới vào Trung Quốc và hoạt động thương mại, cùng nhiều hạn chế khác.
Cuối cùng, sự dịch chuyển đến từ các khoản trợ cấp và sức ép địa chính trị thay vì lợi nhuận cũng tỏ ra thiếu bền vững khi ngân sách các chính phủ trên thế giới ngày càng hạn hẹp. Một báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh lưu ý rằng “cơ chế quản lý và phân phối” đằng sau khoản tài trợ ròng trị giá 4,2 tỷ bảng Anh (5,2 tỷ USD) cần phải được cải thiện và “có nguy cơ chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu đó”.