Việt Nam phải đối mặt với thiệt hại mùa màng gần 3 tỷ USD mỗi năm do nước biển xâm nhập và nhiễm mặn vào đất canh tác, theo một nghiên cứu mới vừa công bố của Viện Khoa học Tài nguyên nước, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, AFP đưa tin.
Một con kênh bị nhiễm mặn ở Cà Mau, ngày 23/2/2024.
Từ bản đồ xâm nhập mặn, các nhà nghiên cứu tính toán bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn quả, hoa màu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng mỗi năm (khoảng 2,9 tỷ USD), nhóm nghiên cứu cho biết hôm 15/3.
Nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy thiệt hại có thể sẽ tập trung vào khu vực ĐBSCL, nơi được mệnh danh là “vựa lúa của Việt Nam” vì nơi đây cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người.
Độ mặn thường cao hơn vào mùa khô nhưng ngày càng tăng lên do mực nước biển dâng cao, hạn hán, dao động thủy triều và thiếu nước ngọt ở thượng nguồn.
Nghiên cứu cho thấy tỉnh Cà Mau nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, có thể chịu thiệt hại ước tính khoảng 665 triệu USD, trong khi đó tỉnh Bến Tre có thể phải đối mặt với khoản thiệt hại khoảng 472 triệu USD.
“Với kịch bản hiện nay, cây ăn quả bị thiệt hại 29% ở ĐBSCL, trong khi cây trồng bị ở mức 27% và lúa là gần 14%”, theo kết quả nghiên cứu.
“Ngành thủy sản thiệt hại 30%, tương đương hơn 21.000 tỷ đồng (840 triệu USD)”, nghiên cứu cho biết thêm.
ông dân trồng lúa ở Cà Mau.
Trang VNExpress dẫn lời ông Trần Anh Phương, Viện Khoa học Tài nguyên nước, nói rằng mức tăng trong các dự báo tương ứng với kịch bản nước biển dâng, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội cũng như khai thác tài nguyên nước thượng nguồn, đặc biệt là phát triển thủy điện và chuyển nước ra ngoài lưu vực.
Trang Môi trường và Cuộc sống cho biết rằng nghiên cứu trên là nghiên cứu đầu tiên tính toán thiệt hại bằng tiền cho cả vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2023 dựa trên kết hợp mô hình toán mô phỏng độ mặn, giải đoán ảnh vệ tinh độ phân giải cao để xác định lớp phủ và các hàm số phản ánh mức độ thiệt hại của cây lúa, cây ăn trái, hoa màu, thủy sản.
Đầu tháng này, Cục Quản lý Tài nguyên Nước cảnh báo xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến khoảng 80.000 ha đất trồng lúa và cây ăn quả ở ĐBSCL.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn khu vực này giai đoạn 2023-2024 cao hơn mức trung bình.
Khu vực này hồi tháng 2/2024 đã hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài bất thường, dẫn đến hạn hán ở một số khu vực và mực nước trên các sông trong khu vực xuống thấp.
Theo VOA