Than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là 3 loại nhiên liệu hóa thạch để phát triển điện. Trong đó, điện khí LNG là năng lượng giúp giảm phát thải carbon, thân thiện môi trường, song việc phát triển lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Xu hướng tất yếu
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, việc phát triển phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2, thân thiện với môi trường.
Cụm Điện - Đạm - Khí Cà Mau của Petrovietnam. Ảnh: Hoàng Anh
Điện khí LNG được đề cập phát triển tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, nhưng phải tới khi các cam kết giảm phát thải về 0 vào 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26, bài toán phát triển loại năng lượng này mới được định hình rõ nét. Hiện nay, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đặt ra nội dung rất cụ thể, rõ nét về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước.
Trong Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Quy hoạch điện VIII đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5% năm 2030.
Điện sản xuất từ nguồn điện than giảm nhanh tỷ trọng, từ 46,5% năm 2020 xuống còn 34,8% vào năm 2030. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (7,08GW) năm 2020 lên 21,8% (32GW) năm 2030. Đây là nguồn ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn năng lượng tái tạo. Điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng tỷ trọng, từ 12,5% năm 2020 lên 25,5% vào năm 2030.
Những thách thức phát triển
PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận, có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam. Về thị trường đó là nguồn cung và giá LNG hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Nếu thị trường LNG quốc tế có biến động lớn về giá, sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh của Petrovietnam đã được khỏi động.
Thách thức lớn với nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện chưa có khung giá phát điện của các dự án điện khí LNG, nên cũng chưa biết đàm phán mức bao nhiêu là hợp lý.
Nếu chỉ nhìn với mức giá LNG thế giới thời gian qua có những lúc lên tới 30 USD/triệu BTU, giá mua điện từ nguồn điện khí LNG sẽ cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán ra cho nền kinh tế, các cơ quan giám sát tài chính của EVN khó chấp nhận. Vì vậy, EVN cũng chẳng thể quyết được việc mua bán trong bối cảnh cân đối tài chính khó khăn.
“Việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm chưa có cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án. Nếu không tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là giá điện LNG thì các dự án điện khí được dự báo sẽ còn ì ạch. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung ứng điện trong tương lai” – vị này nhấn mạnh.
Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố của Petrovietnam. Ảnh: Hoàng Anh
Về nguồn vốn, các nhà đầu tư điện LNG lại cho rằng, việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng dài hạn để giá điện rẻ hơn.
Nhiều dự án, chuỗi dự án khí – điện LNG đã được quy hoạch, thậm chí đã được cho phép chủ trương đầu tư vẫn chưa được triển khai, hoặc bị kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư, còn lúng túng chỉ đạo và thực hiện triển khai chuỗi khí – điện. Qua đó cho thấy rằng việc phát triển dùng LNG còn nhiều khó khăn, bất cập.
Giải pháp hiện thực hóa
Để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, cần giải quyết về cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng kho cảng mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn. Đồng thời, xây dựng kho chứa quy mô nhỏ, đội tàu, xe chuyên dụng cho vận chuyển LNG, trạm phân phối và hệ thống tái hóa khí để cung cấp khí.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị của T&T Group - Doanh nghiệp có năng lực đủ khả năng đầu tư vào lĩnh vực. Ảnh: Hoàng Anh
Về giá LNG tại thị trường Việt Nam được định giá dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính: Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Tùy thuộc vào nguồn nhập khẩu (địa lý, nhà cung cấp...), cách thức lựa chọn, phương thức nhập khẩu, cũng như chi phí đầu tư xây dựng và vận hành bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG vào Việt Nam có thể làm biến động giá LNG/khí tái hóa cấp; Hai là, giá nhiên cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương
Ông PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm, nên có cơ chế giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước những đơn vị có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm thực hiện vai trò chủ lực, dẫn dắt để triển khai đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG quốc gia.
Đặc biệt, xây dựng các cơ chế cụ thể để khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn, đến hộ tiêu thụ, cũng như cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước.
Do vậy, ông PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nên thúc đẩy triển khai 13 dự án điện khí LNG. Thực tế cho thấy, để triển khai một dự án LNG từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành nhanh nhất cũng phải tới 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. Nếu việc triển khai các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến phát triển nguồn điện và an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Kinh tế đô thị