Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 73 - 75km, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ cao nhất - cấp độ 3.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong giai đoạn từ nay đến cuối tháng 4, Nam bộ đón đợt triều cường rằm tháng 3 âm lịch. Đỉnh triều cường có thể xuất hiện trong các ngày từ 24 - 26.4. Trên sông Sài Gòn, đỉnh triều ở mức xấp xỉ và cao hơn báo động 2. Điều này khiến xâm nhập mặn tiến sâu vào các nhánh sông.
TP.HCM rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ cao nhất - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ
Do triều cường cao, khiến độ mặn ở hầu hết các trạm đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái và trung bình nhiều năm. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 73 - 75km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp cao nhất, cấp độ 3.
Tại các tỉnh miền Tây, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm với xu thế xuống dần và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,15 - 1,5m. Dự báo xâm nhập mặn có xu thế tăng dần trong giai đoạn từ nay đến 30.4 do ảnh hưởng của triều cường. Ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có thể xâm nhập sâu từ 90 - 120 km; cửa sông Tiền khoảng 50 - 60 km, sông Hậu 40 - 50 km; sông Cái Lớn từ 45 - 55 km.
Sau đợt triều cường, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao; riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở cấp độ 2.
Tại ĐBSCL tình trạng hạn mặn đang ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân. Tính đến thời điểm này đã có 3 địa phương là Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn.
Chí Nhân - Theo Thanh Niên