Chính quyền TP.HCM phải là chủ quản, được độc lập trong định đoạt nhà, đất công, đồng thời xây dựng dữ liệu và minh bạch thông tin để người dân và cơ quan chức năng cùng giám sát.
Đất do Nhà nước quản lý lâu nay gọi đơn giản là đất công. Ở TP.HCM, nhiều khu đất công nằm ở vị trí "vàng" bị bỏ hoang khiến người dân không khỏi xót xa.
Bỏ hoang nhà, đất công: thiệt đơn thiệt kép
Nhà hát Sen Hồng với hàng chục ngàn m2 ngừng hoạt động và bỏ hoang gần 5 năm. Trung tâm thi đấu Phan Đình Phùng tháo dỡ từ năm 2017 đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Hàng chục khu đất vàng khác giữa trung tâm TP bỏ trống mà nhắm mắt cũng có thể kể ngay hàng loạt như khu đất 8-12 Lê Duẩn, tứ giác Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực - Lê Thánh Tôn - Pasteur, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng...
Không chỉ để không gây lãng phí, nhiều khu đất công, tài sản công đang cho thuê hàng chục triệu đồng mỗi tháng, sau khi Nhà nước thu hồi chờ phương án xử lý đã mất tiền cho thuê mà đơn vị quản lý còn tốn thêm chi phí bảo vệ, dọn cỏ rác, vệ sinh định kỳ. Trường hợp sân khấu Sen Hồng, nay UBND TP.HCM cho hoạt động lại thì phải tốn chi phí duy tu sửa chữa những hạng mục bị xuống cấp do phơi mưa phơi nắng lâu ngày.
Những phép tính đơn giản vậy đã thấy Nhà nước thiệt đơn thiệt kép, còn tính sâu hơn sẽ còn là lãng phí nguồn lực xã hội, thất thu ngân sách... Vậy muốn giải bài toán đất công bỏ hoang nên bắt đầu từ đâu?
Phố phường chật chội, đất đắt như vàng, thanh thiếu niên ít chỗ chơi, các phường thiếu chỗ để làm phòng đọc sách hay thư viện cộng đồng... Giá mà có thể chuyển tạm những khu đất, trụ sở bỏ hoang cho các đoàn thể để cải tạo thành sân chơi, phòng đọc, thư viện cộng đồng...
Sử dụng đất ngắn hạn hay dài hạn cũng được, miễn là được dùng vào những việc có ích, ví dụ chợ ẩm thực, khu vui chơi, nơi trông giữ xe, nơi luyện tập thể thao hay tổ chức sự kiện. Phải có cách tạm thời trao quyền sử dụng những nhà, đất công bỏ hoang từ tay của đơn vị quản lý hiện tại sang cho người có ý tưởng và năng lực khai thác đất.
Chính quyền TP.HCM đã có chủ trương tìm cách sử dụng công sản hiệu quả hơn. Đất công có thể được cho thuê, ngắn hoặc dài hạn, được góp vốn xã hội hóa, liên kết với các tổ chức xã hội, đơn vị tư nhân để tránh bị bỏ hoang, vừa có thể mang lại nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu của người dân TP.
Dân có nhu cầu và chính quyền TP.HCM cũng có chủ trương khai thác nhưng có điều giao dịch thực tế vẫn không thể thực hiện. Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, trong 5 năm qua chỉ có 4 đề án cho thuê đất và tài sản công của các đơn vị sự nghiệp được cơ quan chức năng phê duyệt trong số 737 đề án được trình.
Chẳng lẽ bài toán ấy khó đến mức chính quyền và cả chục triệu dân TP.HCM bó tay, không nghĩ ra cách nào để giải? Liệu Luật Đất đai sửa đổi sắp được thông qua (dự kiến tại kỳ họp Quốc hội bất thường từ ngày 15 đến 18-1) và cơ chế đặc thù theo nghị định 98 năm 2023 của Quốc hội có giúp TP.HCM giải quyết được những rắc rối này?
Quốc gia như một gia đình và chắc rằng (với tiềm lực kinh tế hiện nay) TP.HCM vẫn là đầu tàu, vẫn là anh cả. Anh cả có giàu mạnh mới giúp được các em. TP.HCM phải khơi thông các nguồn lực phát triển, hiển nhiên bắt đầu từ đất, phải làm giàu từ đất. Nút thắt là chính quyền TP.HCM được phân bổ rất ít quyền định đoạt liên quan đến nhà, đất công.
TP muốn cho thuê nhà, đất công theo các đề án được đơn vị sự nghiệp trình phải có ý kiến của Bộ Tài chính, phải theo các quy trình thẩm định, đấu giá, đấu thầu khá rối rắm và chưa có hướng dẫn cụ thể. Đã vậy, quá trình thực hiện chỉ cần "trật một li" sẽ kéo theo vô số trách nhiệm trước các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Vì trách nhiệm to lớn ấy nên nhà, đất công bỏ hoang không ai "khóc", lãnh đạo và công chức không có động cơ, lợi ích, không có đủ trách nhiệm và quyền hạn để trao tạm thời quyền sử dụng các lô đất công bỏ hoang ấy cho vô số người đang muốn khai thác.
TP.HCM được tự chủ xử lý nhà, đất công
Như thế, đất công bị bỏ hoang có nguyên nhân sâu xa của nó. Nguyên nhân và lý do nhằng nhịt, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều lần sửa đổi luật pháp, nay muốn thay đổi không hề dễ. Muốn giải bài toán đất công bỏ hoang phải kiên quyết, kiên trì.
Kiên quyết là quyết cái gì? Trách nhiệm của chính quyền TP.HCM là phải làm cho công sản sinh sôi. Muốn vậy, chính quyền TP.HCM phải là chủ quản, phải có quyền độc lập quyết định các công sản đang quản lý, trong đó có giá trị bậc nhất là đất công và nhà công.
TP phải có quyền quy hoạch, quyền thu hồi và đấu giá các quyền phát triển đô thị theo định hướng giao thông. TP phải có quyền chủ động đấu thầu chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền tài sản xã hội hóa.
Hiển nhiên, là của chung, nên quá trình thực hiện các quyền đó phải được giám sát, kiểm toán, phải tuân theo những chuẩn mực quản lý công sản của quốc gia và địa phương. Quyền quản lý công sản, nói rộng ra là quyền quản lý tài chính công, phải được phân định rạch ròi giữa chính quyền trung ương và TP.
Có thể gọi đó là khía cạnh tài chính của tự quản địa phương. Các TP như Thượng Hải, Quảng Đông, Thẩm Quyến, Thanh Đảo, Hàng Châu và vô số TP phát triển khác của Trung Quốc chỉ có thể đổi mới và trở nên giàu mạnh khi được chính quyền trung ương trao quyền quản lý tài chính công mạnh mẽ (trong đó có công sản), và cho địa phương giữ lại phần lớn phúc lợi được tạo ra.
Muốn vậy, tinh thần trao quyền của nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cần phải được áp dụng sang các lĩnh vực liên quan khác như pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch, ngân sách, quản lý công sản. Tinh thần trao quyền của nghị quyết 98 phải được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác để chính quyền TP.HCM có được những thẩm quyền về quản lý kinh tế tương tự như các TP khác có vị thế cạnh tranh tương đương trong khu vực.
Kiên quyết là kiên quyết hướng tới một nhà nước được thiết kế mạch lạc hơn, đỡ phân tán hơn, không thể cào bằng về thẩm quyền giữa 63 tỉnh thành, hơn 700 quận huyện và 12.000 chính quyền cấp xã.
Quy mô của TP.HCM lớn hơn rất nhiều tỉnh thành khác, đô thị của TP.HCM cũng đặc biệt hơn nên cần có sự phân quyền tương xứng. Điều này đồng thời với việc thiết kế lại nền hành chính quốc gia, những bài học cải cách từ thời Gia Long, Minh Mạng với số trấn, tỉnh thành hạn chế, phân quyền theo vùng có thể là những gợi ý đáng suy nghĩ.
Thế còn kiên trì những gì? Muốn đi xa không còn cách nào hơn là phải đi từ từ. Quản trị đô thị cũng giống như vận hành một công ty lớn. Bước đầu tiên TP phải thiết lập một hệ thống dữ liệu quản lý chặt chẽ, theo dõi sát biến động của từng mảnh đất công, căn nhà công.
Thời đại số, điều này đã dễ làm hơn. Sau đó tiến hành phân loại: đất công, nhà công nào bị bỏ hoang, từ bao giờ, và vì sao? Liệu về lâu dài, cần phân loại các tài sản đó có cần giữ làm công sản hay có thể tạm thời trao quyền sử dụng cho tổ chức xã hội, cá nhân để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của người dân.
Cứ như thế, lần từng bước một, bắt đầu bằng những lô đất, những căn nhà nhỏ, nếu rõ ràng về pháp lý nên trao dần quyền khai thác hưởng dụng cho tổ chức xã hội, cộng đồng cơ sở. Rồi từ đó tiến tới giải những bài toán khó hơn, ví dụ các lô đất vàng bỏ hoang giữa trung tâm TP hay 1.237 dự án bất động sản đang bị kê biên từ vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan...
TP cần một chương trình tái cấu trúc dự án bỏ hoang, trong đó các chủ cũ, những người liên đới cũ phải xuất hiện và có tiếng nói, đồng thời phải mời gọi được sáng kiến đầu tư của những nhân tố mới. Những hội nghị tham vấn tái cấu trúc từng dự án đất công bỏ hoang nên được công khai, người dân TP được tham gia ý kiến và phản biện, vì suy cho cùng nhà đất công bỏ hoang là những công sản có giá trị của người dân toàn TP và con cháu của họ.
Nhà đất công bỏ hoang đặt ra nhiều bài toán khó có thể giải ngay cùng một lúc. Sự chung tay góp sức của nhiều bên có thể giúp chính quyền nghe được những lời giải hay. Hiển nhiên, chính quyền TP sẽ chịu trách nhiệm và giữ quyền quyết định cuối cùng.■
PHẠM DUY NGHĨA - Theo Tuổi Trẻ