Mới đây, dựa trên dữ liệu so sánh lương trung bình với giá nhà thời xưa và nay có thể thấy không riêng gen Z (những người trẻ sinh từ 1997 - 2012), người trẻ thời buổi nào cùng gặp không ít khó khăn trong việc tự mua nhà.
Theo đó, ở thời điểm năm 2004, với GDP bình quân đầu người khoảng 1,8 triệu đồng/tháng, một người trẻ thế hệ 7X mất khoảng 31,3 năm làm việc, tích cóp để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60m2, giá bán khoảng 600 triệu đồng/căn, điều kiện lãi suất huy động 7,4%/năm.
10 năm sau (thời điểm năm 2014), với GDP bình quân đầu người khoảng 5,5 triệu đồng/người, một người trẻ thế hệ 8X cần làm việc, tích cóp 22,7 năm để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60m2, giá bán khoảng 1,5 tỉ đồng/căn, lãi suất huy động khoảng 6%/năm.
Và thời điểm năm 2024, với GDP bình quân đầu người khoảng 9,5 triệu đồng/tháng, một người trẻ 9X cần làm việc, tích cóp 25,8 năm để mua căn hộ khoảng 60m2, giá khoảng 3 tỉ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động 4,5%.
Từ so sánh trên, có thể thấy người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà. Người Việt nói riêng và người châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao việc sở hữu bất động sản trọn đời.
Đáng chú ý, Việt Nam lọt top quốc gia có tỉ lệ sở hữu bất động sản cao nhất thế giới với khoảng 90% tổng số bất động sản, cao hơn một số nước trong khu vực như Singapore (88%), Indonesia (84%) và cao hơn cả Mỹ (66%), Úc (66%)...
Theo: Báo Tuổi Trẻ