Báo cáo từ UOB cho thấy, Việt Nam đang là nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á với GDP theo sức mua tương đương lên đến 1,438 tỷ USD, vượt Malaysia, Philippines và cả Singapore.
“Việt Nam được đánh giá là thị trường rất quan trọng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng theo quan điểm của tôi thì câu chuyện còn hơn như thế. Bởi vì Việt Nam trên bản đồ thế giới đang có một vị trí rất quan trọng . Thực tế, chúng ta có thể thấy dòng vốn FDI đổ về cũng như loạt nhà đầu tư ngoại quan tâm thị trường Việt Nam trong thời gian qua”, ông Nguyễn Đình Khoa - giám đốc kinh doanh Viessmann Việt Nam – chia sẻ.
Một trong những lợi thế của Việt Nam chính là là 100 triệu dân với lực lượng trẻ chiếm đa số (dân số dưới 35 tuổi chiếm đến 60-70%), người dân chịu chi tiêu dân đến sức mua tăng tốt, đặc biệt sau đại dịch Việt Nam nổi lên là quốc gia tăng trưởng kinh tế dương.
Theo nghiên cứu hàng đầu của United Overseas Bank (UOB) về tâm lý người tiêu dùng ASEAN (ACSS) năm 2023 mới đây cũng thể hiện, dù kinh tế toàn cầu suy thoái, song so với khu vực thì người tiêu dùng ở Việt Nam có tâm lý lạc quan hơn so với người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Báo cáo từ UOB cho thấy, Việt Nam đang là nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á với GDP theo sức mua tương đương lên đến 1,438 tỷ USD, vượt Malaysia, Philippines và cả Singapore. Việt Nam cũng được biết đến là nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, với sức mạnh liên kết từ loạt tập đoàn lớn (có thể kể đến Masan, VNG, VinGroup, Viettel, Sovico Group...). Hoạt động mua bán và sáp nhập dù chậm lại song vẫn diễn ra ổn định.
Trong đó, điểm sáng được báo cáo nhấn mạnh đến từ sự tăng cường số hoá thúc đẩy TMĐT bùng nổ. Ghi nhận, năm 2022, toàn Đông Nam Á đạt 130 tỷ USD thì Việt Nam chiếm đến 14 tỷ USD, thậm chí lượt mua sắm qua phát trực tiếp vượt mức tăng trưởng cả khu vực và đạt 61%.
Loạt “ông lớn” TMĐT cũng có những kế hoạch thâm nhập sâu hơn tại Việt Nam. Ở phân khúc B2B, Alibaba.com vừa ra mắt Trade Assurance dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam.
Theo đại Alibaba.com, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về khả năng sản xuất và các nhà bán hàng để cung cấp nguồn hàng cho thị trường người mua toàn cầu. Ra mắt Trade Assurance một mặt tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, mặt khác thúc đẩy xuất khẩu gia tăng mạnh.
Đơn cử, dữ liệu nội bộ của Alibaba.com cho thấy một nhà cung cấp đã có mức tăng đáng kể 28% về khả năng hiển thị trong tìm kiếm, tỷ lệ nhấp truy cập tăng 26% và số lượng người mua tích cực tăng đáng kinh ngạc với con số 244% trong vòng một tháng kể từ khi áp dụng dịch vụ Trade Assurance.
Dự báo thời gian tới, khảo sát có hơn 3/4 người trả lời tại Việt Nam cho biết họ kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào thời điểm tháng 6 năm sau. Điều này mặc dù lạm phát cũng như các chi phí sinh hoạt gia tăng đã nhóm lên nỗi lo lắng về suy thoái kinh tế ở người tiêu dùng Việt Nam, với 3/4 người tham gia khảo sát cho rằng sẽ có suy thoái kinh tế ở Việt Nam trong 6 đến 12 tháng tới.
Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết thêm trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực. Trong khi vẫn còn đó quan ngại về lạm phát cao, điều đáng khích lệ là người tiêu dùng không ngừng đón nhận một kỷ nguyên mới của số hóa. Điều này rất có ý nghĩa với UOB.
Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên thuần thục hơn về Kỹ thuật Số, mức độ sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại đã tăng đột biến với 54% số người được hỏi ngày càng tăng mức độ sử dụng kênh này trong năm qua. Hơn một nửa số người được khảo sát thích sử dụng các kênh trực tuyến để chuyển tiền ra nước ngoài và kiểm tra trạng thái điểm thưởng.
Trong lĩnh vực thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam cho thấy họ là người am hiểu những công nghệ mới nhất. Ví điện tử, thanh toán qua thẻ trên ứng dụng Ví di động và nền tảng thanh toán Thương mại Điện tử là những phương thức thanh toán phổ biến nhất với lần lượt 67%, 58% và 55% số người được khảo sát sử dụng chúng trong năm qua.
Khảo sát UOB còn cho thấy bốn trong năm người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng ví điện tử ít nhất một lần một tuần và có xu hướng giới thiệu cho người khác. Momo là ví điện tử được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, tiếp theo là ZaloPay và VNPay.
Việt Nam nói chung là điểm đến rất quan trọng trên bản đồ thế giới, không phải mới đây mà trong suốt 20 năm qua . Đó cũng là câu trả lời tại sao Viessmann chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng nhà máy tại khu vực Đông Nam Á. Theo ông Đình Khoa, sau 4 năm nghiên cứu thị trường, thiết lập đội ngũ, Viessmann chính thức công bố đầu tư nhà máy đầu tiên cho toàn khu vực tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (Việt Nam) với tổng diện tích 2.286 m2.
Kế hoạch dài hơi, Viessmann tham vọng trở thành thương hiệu cao cấp hàng đầu cho cả khu vực Đông Nam Á. Từ Hub là nhà máy đặt tại Việt Nam, Viessmann đã và đang tăng cường các hoạt động tiếp thị và bán hàng đến các quốc gia khác trong khu vực.
Theo Nhịp sống thị trường