Trong cơ hội này, năng lượng tái tạo và xe điện được kỳ vọng sẽ trở thành hai lĩnh vực hấp dẫn vốn đầu tư nhất.
Theo báo cáo "Quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0: Cơ hội cho Việt Nam" do tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies công bố ngày 8/1, năng lượng tái tạo và xe điện được kỳ vọng sẽ trở thành hai lĩnh vực hấp dẫn vốn đầu tư nhất trong tổng cơ hội 2.400 tỷ USD, nếu Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo báo cáo, Việt Nam không chỉ có khả năng đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà còn có thể góp phần hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Việt Nam cần đạt đỉnh phát thải vào năm 2026, ở mức 353 triệu tấn CO2. Ảnh: Internet
Trong kịch bản Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050, cơ hội đầu tư trị giá 2.400 tỷ USD được đánh giá là "chưa từng có", với ngành năng lượng tái tạo và xe điện nổi bật nhờ khả năng giảm phát thải mạnh mẽ và tiềm năng cạnh tranh với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sẽ có tiềm năng thu hút vốn nhiều nhất.
Tuy nhiên, ngành xe điện vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn, bao gồm tốc độ tiếp nhận của người tiêu dùng, năng lực sản xuất và hạ tầng cơ sở. Dù có tiềm năng phát triển, các công nghệ như xe điện, điện gió, điện mặt trời và điện hạt nhân hiện vẫn đang ở quy mô rất nhỏ. Báo cáo khuyến nghị cần đẩy mạnh phát triển các công nghệ này để đáp ứng mục tiêu đề ra.
Chẳng hạn, doanh số ô tô điện cần tăng gấp 6 lần, từ 14 triệu xe vào năm 2023 lên 90 triệu xe vào năm 2030, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đối với năng lượng tái tạo, hiện công suất điện gió và mặt trời mới đạt 21.447MW và cần tăng nhiều hơn nữa.
Theo Quy hoạch điện VIII, để đạt được mục tiêu đề ra, công suất điện mặt trời cần tăng mạnh, đạt từ 168.594-189.294MW, trong khi điện gió trên bờ cần đạt 77.000MW và ngoài khơi từ 70.000-91.500MW. Công suất điện mặt trời phải đạt mức 333.000MW, đồng thời giảm công suất điện gió ngoài khơi vì chi phí cao so với các loại năng lượng tái tạo khác.
Về năng lượng hạt nhân, dự án Ninh Thuận sau nhiều năm tạm dừng đã được tái khởi động, nhóm tác giả nhận định rằng đây là nguồn năng lượng cần thiết để Việt Nam tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Liên quan đến phát thải, dự báo cho thấy Việt Nam cần đạt đỉnh phát thải vào năm 2026, ở mức 353 triệu tấn CO2, nhằm phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris. Ngành giao thông cần đạt đỉnh phát thải vào năm 2029, nhưng sẽ nhanh chóng giảm nhờ việc điện hóa các phương tiện đường bộ.
Ngành công nghiệp được dự báo đạt đỉnh phát thải vào năm 2033, sau đó sẽ giảm mạnh trong giai đoạn 2038-2039 nhờ áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) cũng như sử dụng khí hydro.
Quang Dương - Theo Kiến Thức Đầu Tư