Doanh nghiệp kiệt quệ sau bốn năm đầy khó khăn, lại khó thích ứng trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, khi tiêu dùng sụt giảm, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đem lại hiệu quả triệt để.
Doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều áp lực. Ảnh: Hoàng Anh
Tính riêng ba tháng đầu năm, cứ mỗi tháng, Việt Nam mất đi khoảng 5 nghìn trong tổng số lượng doanh nghiệp, trái ngược với bức tranh kinh tế đang vào đà phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo.
Bên cạnh đó, mức tăng trưởng đầu tư tư nhân ở mức thấp, chỉ đạt hơn 4%, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp, chưa đến 1% trong ba tháng đầu năm. Tất cả những số liệu trên phản ánh một bức tranh xám màu về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định, doanh nghiệp kiệt quệ sau bốn năm chống chịu với dịch bệnh, rủi ro lạm phát nên “không chịu được nữa” và “buộc phải rút lui khỏi thị trường”.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng không có sự thích ứng tốt, rất dễ dẫn đến khủng hoảng trong bối cảnh nền kinh tế ẩn chứa nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Đi sâu vào những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, khó khăn tiếp diễn trong nhiều lĩnh vực, như bất động sản đang vướng các vấn đề phát triển dự án nhà ở xã hội, ngành hàng không đối mặt nhiều thách thức như số máy bay thương mại giảm, tăng giá vé nội địa, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và ngành du lịch.
Trong khi đó, diễn biến khí hậu bất thường, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa khu vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Còn đối với lĩnh vực chế biến, chế tạo, khó khăn lớn nhất là người dân đang thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu mua sắm giảm. Điều này được phản ánh rõ nét qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý đầu năm chỉ tăng hơn 8% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khiến sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, thách thức lớn đối với động lực tăng trưởng chính của đất nước.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn, doanh nghiệp còn phải đối diện với thách thức liên quan đến một số cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính bất cập, gây phiền hà, rắc rối.
Trong đó, điển hình phải kể đến quy định tăng cường iod vào thực phẩm, quy định về phòng cháy chữa cháy hay quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.
Đáng chú ý, những quy định này đã được ban hành từ lâu, doanh nghiệp đã kiến nghị, Chính phủ đã tiếp thu, chỉ đạo sửa đổi nhưng các đơn vị liên quan vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Bàn luận kỹ hơn về câu chuyện người tiêu dùng dè dặt chi tiêu, ông Lực dánh giá, đây đang là vấn đề chung của cả thế giới trong bối cảnh biến động khó lường.
Trước tình trạng đó, ông Lực đề nghị cần quyết liệt trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, cần phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ một cách nhịp nhàng để đảm bảo cung cấp vốn cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp giải tỏa phần nào sự kiệt quệ.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu, nút thắt cần được gỡ nằm ở bài toán xây dựng niềm tin. Cụ thể là làm sao xây dựng và giữ vững niềm tin cho doanh nghiệp và người dân về công tác điều hành chính sách và về triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Niềm tin giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh, giúp người tiêu dùng bớt e dè trong chi tiêu, tạo trợ lực cho nền kinh tế, tăng cường hiệu lực các chính sách tài khóa, tiền tệ nghịch chu kỳ.
Để tạo dựng niềm tin, ông Thành nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc quyết liệt thực hiện các giải pháp thay vì chỉ hứa hẹn rồi để đó.
Hoàng Đông - Theo TheLeader