Nội dung được nêu trong kết luận của Bộ Chính trị ngày 12/8 về thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Cụ thể, các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ một người có thể nói, sử dụng nhưng không phải là ngôn ngữ đầu tiên mà họ học một cách tự nhiên khi còn nhỏ.
Theo thạc sĩ Bùi Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (HUFLIT), khi trở thành ngôn ngữ thứ hai ở nhà trường, tiếng Anh có thể được sử dụng phổ biến trong tài liệu, giáo trình, giao tiếp, dạy học ở một số môn nhất định. Hiện nhiều trường công lập ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã dạy thử nghiệm Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, chứ không chỉ coi đây là môn ngoại ngữ.
Một tiết khoa học bằng tiếng Anh của học sinh lớp 7, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, năm 2021. Ảnh: EMG
Cũng trong kết luận, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm cơ sở vật chất và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; chi cho lĩnh vực này tối thiểu bằng 20% tổng chi ngân sách nhà nước, kịp thời điều chỉnh mức chi phù hợp với tăng trưởng.
Cơ chế, chính sách liên quan cần được rà soát, hoàn thiện, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời, Chiến lược phát triển giáo dục... một cách khoa học, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập và thực tiễn.
Với giáo dục phổ thông, cả nước thống nhất một chương trình, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn.
Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học được đầu tư hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng mở, gắn với thị trường lao động.
Nhà nước đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường, ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các trường khối Quân đội, Công an được đào tạo hệ dân sự với các ngành lưỡng dụng một cách phù hợp.
Cơ sở giáo dục được tăng quyền tự chủ, song song với nâng cao trách nhiệm giải trình. Bí thư cấp ủy phải kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng đại học công lập. Các cơ quan làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường với hiệu trưởng để có quy định phù hợp, tính đến đặc thù khối Công an, Quân đội.
Bộ Chính trị cũng chỉ đạo phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Các cơ quan nghiên cứu cơ chế điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản việc thừa, thiếu cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn. Ngoài ra, việc đổi mới quản lý nhà nước với nhà giáo cần làm đồng bộ, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy tính chất công việc và theo vùng.
Lệ Nguyễn - Theo VnExpress