Theo TS. Trương Văn Phước, tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ không còn nhiều đáng ngại, do đó không cần nâng lãi suất, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn cần đến nguồn vốn giá rẻ.
Phiên 1 của Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đưa ra quan điểm rằng tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt hơn so với kỳ vọng của thị trường.
"Tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD bởi không phải tháng 9 mà là tháng 7 Mỹ sẽ giảm lãi suất", ông Phước nhận định. Theo ông, việc các phương tiện truyền thông như Reuters, Washington Post, Wall Street Journal dự báo lãi suất giảm vào tháng 9 là do đã quên mất yếu tố bầu cử Tổng thống.
Ông cho hay lãi suất không chỉ thuần túy là kinh tế. Bất chấp việc cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD phải giảm giá. "Nếu Mỹ cắt giảm lãi suất thì đảm bảo USD Index phải rớt xuống 100", ông nói.
"Phải nói thẳng rằng lẽ ra VND không nên mất giá 5% trong một quý. Lẽ ra nếu xét về cân đối thì VND không mất giá nhiều đến vậy. Cán cân thanh toán tốt, lạm phát Việt Nam tốt hơn Mỹ, ... sẽ giúp tỷ giá ổn định", chuyên gia khẳng định.
Ông ví von rằng nếu xem tỷ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ. "Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột", ông nói.
Những biến số kinh tế vĩ mô là tốt, nhưng cần không gian để ứng phó trong một thế giới nhiều biến động, chuyên gia khuyến nghị.
Về câu chuyện tỷ giá, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank nhận định rằng có thể USD sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng. Thứ nhất, xét về tương quan, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác.
Ngoài ra, ngay cả khi Mỹ hạ lãi suất thì châu Âu cũng sẽ thực hiện điều tương tự, thậm chí với tốc độ nhanh hơn. Ngay trong ngày hôm nay, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp chính sách và nhiều khả năng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách.
"Do lạm phát EU ổn định hơn, nên châu Âu nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn so với Mỹ, vô hình chung đẩy sức mạnh của đồng USD đi lên. Ngoài ra, euro cũng đóng vai trò lớn trong USD Index (DXY)", ông Đạt nhận định. "Nếu ECB có động thái như vậy, USD vẫn hàm chứa rủi ro mạnh lên".
Về yếu tố bầu cử, ông Đạt cho rằng nếu cựu Tổng thống Trump vào Nhà Trắng thì cách chính sách về thuế quan, nhập cư có thể là yếu tố khiến lạm phát tăng trở lại và ảnh hưởng tới lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025, giúp USD vẫn có thể "giữ vị thế cao chứ không hoàn toàn sụp đổ".
Minh Quang - Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh