Xây dựng hào nhoáng, thiếu bền vững
Thưa ông, qua sự kiện du lịch Phú Quốc không còn hấp dẫn, nhiều người nói tới nguyên nhân xây dựng ồ ạt, bê tông hóa tràn lan, không có bản sắc. Từ góc độ người làm quy hoạch, ông thấy vấn đề gì trong những năm phát triển "nóng" của Phú Quốc?
Với Phú Quốc, vấn đề bảo tồn thiên nhiên rất quan trọng, tiếc là hướng phát triển hiện nay của TP này lại bê tông hóa nhiều và theo tư duy mét vuông. Với cách này, Phú Quốc có nguy cơ sẽ ngày càng ngập nặng dù bao quanh đảo là biển. Nhiều dự án đầu tư lớn ở Phú Quốc, từ khu resort Vingroup phía bắc, khu Bãi Trường đến khu đô thị An Thới của Sun Group phía nam… đều mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp chung để đảo trở thành điểm đến hấp dẫn hơn.
Thành phố đảo này đang bị khủng hoảng về bản sắc. Chính quyền và nhà đầu tư của Phú Quốc đã bỏ qua cơ hội sáng tạo kiến trúc mang dấu ấn riêng nhằm tạo bản sắc độc đáo cho Phú Quốc.
Nhưng nhiều chủ đầu tư chọn cách làm "mì ăn liền" là làm du lịch kết hợp kinh doanh địa ốc, sao chép hình ảnh kiến trúc châu Âu để phát triển nhanh dự án. Chiến lược sai lầm này tuy có thể tạo chút tò mò đối với những người chưa từng đi nước ngoài, nhưng đối với khách du lịch cao cấp, họ sẽ chọn đến châu Âu để tham quan bản gốc chứ không đến Phú Quốc để nhìn đồ giả.
Khách du lịch ít hứng thú đi Phú Quốc còn vì giá cả đắt đỏ nhưng dịch vụ không tương xứng, so với Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí là Phan Thiết, Quy Nhơn… Ở Phú Quốc có rất nhiều nhà ở, condotel nhưng đa số để trống, nguy cơ trở thành "đô thị ma" rất lớn. Nhà đầu tư mua nhà nhưng không có khách thuê, cư dân tại chỗ càng không thể thuê các căn hộ cao cấp, bản thân chủ nhà cũng không muốn chuyển ra Phú Quốc sống, mà bán đi thì không có người mua.
Cách phát triển đô thị của Phú Quốc hiện nay đang hướng đến những hình ảnh hào nhoáng giả tạo, coi nhẹ mục tiêu nâng tầm giá trị thiên nhiên và tạo dựng nền tảng an cư lạc nghiệp cho dân cư, thiếu chiến lược có tầm.
Chuyện quy hoạch của Đà Lạt mấy năm qua cũng được giới chuyên môn bàn tán nhiều. Trước đây là chuyện quy hoạch khu Hòa Bình, năm rồi là những vụ sạt lở núi gây hậu quả khá nghiêm trọng. Theo ông, quy hoạch và quản lý quy hoạch Đà Lạt đã mắc sai lầm cơ bản gì dẫn đến hậu quả như hôm nay?
Đà Lạt là thành phố có nhiều giá trị di sản nhưng chưa được trân trọng đúng tầm. Những năm qua TP này bị bê tông hóa và bắt đầu ngập nước, kẹt xe, sạt lở.
Đà Lạt đang thiếu quy hoạch bảo tồn di sản xứng tầm để thể hiện được 3 yếu tố cốt lõi là khu di sản của Pháp, khu di sản của người Việt và hai trục cảnh quan suối Cam Ly, hồ Xuân Hương nhìn lên núi Lang Biang.
Trong vài thập niên qua, những nhà đầu tư phát triển Đà Lạt chưa tận dụng được thế mạnh về không gian thiên nhiên và không gian di sản của nơi đây cho các dự án du lịch. Đáng tiếc nhất vẫn là đến nay Đà Lạt chưa có các khu đô thị mới, hiện đại, xứng tầm có thể thu hút cư dân có trình độ và người có thu nhập cao đến sinh sống.
Qua hai đô thị trên và một số đô thị khác, ông nhận thấy vấn đề sai lầm lớn nhất của quy hoạch đô thị Việt Nam giai đoạn này là gì?
Phát triển đô thị tại Việt Nam thời gian qua có nguy cơ chung là thiếu bền vững, bê tông hóa nhiều, xâm hại không gian xanh, mặt nước và di sản, dẫn đến hệ lụy là ngập lụt, kẹt xe, mất bản sắc. Đáng nói là những khu ngập lụt, kẹt xe nặng thường là những khu dự án mới.
Đằng sau hình ảnh nhiều công trình mới mọc lên là nguy cơ thiệt hại cho ngân sách vì nhà đầu tư chỉ làm dự án bán lấy tiền, gánh nặng hạ tầng và môi trường "đẩy" hết cho Nhà nước lo. Bất công này xuất phát từ lòng tham của nhà đầu tư và yếu kém trong quản lý đô thị. Chính quyền không có cơ chế buộc các chủ đầu tư phải có trách nhiệm xử lý tác động môi trường nên cuối cùng phải lấy tiền thuế của dân để giải quyết hậu quả.
Dự án nào ở Việt Nam cũng có đánh giá tác động môi trường nhưng hiệu quả thực hiện không cao. Có dự án chủ đầu tư thu lời cả tỉ đô la nhưng không hề trả phí bồi thường tác hại môi trường trong khi chính quyền phải chi hàng ngàn tỉ đồng để xử lý hậu quả ngập nước, kẹt xe. Ở nước ngoài, khi dự án có gây tác động môi trường như làm kẹt xe, ngập nước thì nhà nước luôn có biện pháp buộc nhà đầu tư đóng góp chi phí để xử lý.
Cần bảo vệ thiên nhiên, môi trường và di sản ở đô thị
Các đô thị ở Việt Nam có cơ hội sửa sai hay không? Sửa từ đâu và bằng cách nào?
Con đường sửa sai là phải quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững kết hợp với việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di sản. Vì một cái cây chặt đi, muốn trồng lại phải mất trăm năm, môi trường ô nhiễm cần hàng chục năm để xử lý, di sản mất đi là mất vĩnh viễn, phục chế cũng chỉ là đồ giả.
Những tiêu chí này phải được đưa vào mục tiêu quy hoạch và chương trình hành động, giúp các đô thị có thu nhập cao và "tăng trưởng thật". GRDP thật phải là giá trị tổng sản phẩm sau khi đã trừ đi chi phí xử lý các tác động tiêu cực về môi trường và kinh tế xã hội.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng bác đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/500 khu trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt), bao gồm dự án khách sạn cao tầng trên đồi Dinh, chứng tỏ lãnh đạo tỉnh đã nhìn ra vấn đề. Tôi hy vọng đây là câu chuyện bắt đầu của một quy trình sửa sai về quy hoạch và thiết kế đô thị để đưa Đà Lạt trở lại con đường phát triển bền vững, gắn với bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn di sản.
Hiện nay, thế giới có xu hướng phát triển kinh tế "xanh", Việt Nam cũng trong hướng đi này. TP.HCM và các đô thị Việt Nam cần lưu ý gì trong quy hoạch để chuyển mình theo xu thế mới này?
Theo tôi, lưu ý lớn nhất cho các đô thị ở Việt Nam là nhấn mạnh việc bảo vệ không gian xanh và việc phải xây dựng hạ tầng trước một bước trong các kế hoạch phát triển đô thị. Nhà nước cần khuyến khích phát triển vật liệu xanh và phát triển công trình xanh trên cơ sở khoa học của các tiêu chí công trình xanh, đặc biệt là phù hợp với hệ thống tiêu chí công trình xanh (LOTUS) của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.
TP.HCM đang làm đồ án điều chỉnh quy hoạch toàn thành phố. Theo ông, những vấn đề TP.HCM phải lưu ý để tránh sai lầm trong phát triển đô thị?
Quy hoạch TP.HCM hiện nay cần tập trung giải quyết vấn đề phát triển bền vững, bảo tồn di sản và liên kết vùng.
Đến 2050, dân số TP.HCM sẽ có trên 20 triệu người, không gian ở cho hơn 10 triệu cư dân mới nên quy hoạch ở vùng đất cao. Diện tích cây xanh của TP.HCM hiện chỉ đạt hơn 0,5m2/người trong khi quy hoạch là 10m2/người. Quy hoạch phải chỉ ra quỹ đất trên 200 triệu m2 phát triển cây xanh để đạt mục tiêu trên. Theo tôi, TP nên tận dụng quỹ đất tiềm năng của hành lang xanh bảo vệ sông, rạch và quỹ đất nông nghiệp đang muốn chuyển thành đất đô thị.
Ngoài ra, TP.HCM phải có quy hoạch bảo tồn di sản bài bản hơn, gấp rút xác định ranh giới khu trung tâm lịch sử và các không gian xung quanh các công trình lịch sử có giá trị khác, kèm theo quy định quản lý bảo tồn các không gian di sản này.
Xa hơn, TP.HCM cần nâng cao mối liên kết hợp tác kinh tế vùng và vị thế trung tâm vùng đô thị TP.HCM trong tương quan cạnh tranh với các vùng đô thị trong khu vực châu Á, phát triển hệ thống kết nối đa trung tâm, kết nối với các khu kinh tế quan trọng và các hạ tầng trọng điểm của các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt là 3 tỉnh thành Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. ■
"Có những vị trí (nhân sự) không nên máy móc áp dụng quy định luân chuyển lãnh đạo theo nhiệm kỳ. Trung ương nên cho phép các nhà quản lý có nguyện vọng ở lại một địa phương nhiều nhiệm kỳ nếu chứng tỏ được khả năng quản lý và triển khai hiệu quả cao.
Nhất là đối với các "tác giả" của những chương trình, dự án trọng điểm về phát triển đô thị và hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài. Ví dụ, Nhà nước nên có cơ chế cho phép một số nhà lãnh đạo trẻ và năng nổ, có năng lực và mong muốn giữ trách nhiệm đầu tàu trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp để hoàn thành đề án thành phố Thủ Đức theo mô hình thành phố trong thành phố".
KTS Ngô Viết Nam Sơn
KHÁNH YÊN - Theo Tuổi Trẻ