"Nền kinh tế Trung Quốc giống như một mớ hỗn độn" - Business Insider đánh giá trong bài viết đăng tải ngày 29/2.
Một dự án của tập đoàn bất động sản Evergrande tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Doanh nghiệp này đã phá sản với khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD (Ảnh: Getty)
Số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc sáng nay (29/2) cho thấy quy mô GDP nước này năm 2023 đạt trên 126 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 17.525 tỷ USD), tăng 5,2% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế này kể từ năm 1990, không tính đến thời kỳ đại dịch COVID-19.
Cũng theo báo cáo trên, tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2023 giảm 1,48% và và tỷ lệ thất nghiệp bình quân cả nước ở mức 5,2%. Thị trường tài chính đang chứng kiến sự rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản suy yếu, nợ chính quyền địa phương gây lo ngại.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn không hoàn toàn sụp đổ và một số lĩnh vực vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Rory Green, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại GlobalData.TS Lombard, chi tiêu cho du lịch và các dịch vụ khác vẫn khả quan, nhưng thị trường bất động sản lại là điểm yếu lớn. Các nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản AllianceBernstein nhận định rằng, mặc dù có nhiều tin tức tiêu cực từ ngành bất động sản, các phần khác của nền kinh tế vẫn khá kiên cường.
Giám đốc đầu tư về cổ phiếu Trung Quốc John Lin từ AllianceBernstein nói rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là "nền kinh tế hai tốc độ", với ngành công nghiệp bất động sản đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi một số công ty trong lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất công nghiệp vẫn hoạt động tốt.
Theo Business Insider, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bắc Kinh đã nhận thức rằng cần phải chuyển đổi mô hình kinh tế, từ vị thế "công xưởng sản xuất" giá rẻ của thế giới sang mô hình sản xuất có giá trị cao hơn.
Một số nguyên nhân khiến các công ty chuyển dịch chuỗi hoạt động khỏi Trung Quốc bao gồm các biện pháp đối đầu thương mại được Mỹ ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, mức lương tăng và mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty.
Trung Quốc đang tập trung vào các ngành công nghiệp tập trung vào bền vững như xe điện, pin lithium-ion, và tấm pin năng lượng mặt trời để thúc đẩy nền kinh tế. Những ngành công nghiệp mới này dự kiến sẽ thay thế ba trụ cột "cũ" của nền kinh tế Trung Quốc là nội thất, may mặc và đồ gia dụng.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới về xe điện và cũng là nhà sản xuất hàng đầu, với xe điện sản xuất tại Trung Quốc được xuất khẩu đến châu Âu và các nơi khác, và có khả năng sẽ tiến vào thị trường Mỹ. Nước này cũng dẫn đầu về sản xuất pin lithium sắt phosphate (LFP), với hai công ty hàng đầu là BYD và CATL chiếm khoảng một nửa thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, thị trường năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng đang thu hút đầu tư mạnh mẽ. Hãng tư vấn và nghiên cứu hàng hóa Wood Mackenzie dự đoán Trung Quốc sẽ thống trị 80% công suất sản xuất năng lượng mặt trời toàn cầu cho đến năm 2026.
Các ngành công nghiệp khác như xuất khẩu xe buýt và xe nâng trong lĩnh vực sản xuất nặng của Trung Quốc cũng đang hoạt động tốt - theo ông John Lin.
Trong tháng 12/2023, Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận công nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận trong ngành đường sắt, vận tải biển và hàng không vũ trụ đã tăng 20%, theo dữ liệu chính thức.
Lĩnh vực dịch vụ là một trụ cột khác mà Bắc Kinh đang cố gắng phát triển. Mặc dù tình hình kinh tế không chắc chắn đã ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng, nhưng du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa, đã tăng mạnh sau nhiều năm Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do đại dịch.
Trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài một tuần vào tháng 2 năm nay, du khách Trung Quốc đã thực hiện 474 triệu chuyến du lịch nội địa, chi tiêu tổng cộng 633 tỷ nhân dân tệ (khoảng 88 tỷ USD) cho các dịch vụ từ khách sạn cho tới tham quan và ăn uống, vượt qua mức trước đại dịch.
Dù các tính toán của Reuters cho rằng mức chi tiêu bình quân của người Trung Quốc cho mỗi chuyến đi đã giảm 10% so với năm 2019, song các nhà kinh tế của Nomura đánh giá mức chi tiêu trong mùa nghỉ lễ năm nay là đáng lạc quan.
"Câu hỏi đặt ra là liệu chỉ số này có đủ để ngăn chặn sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán hay không và liệu Trung Quốc có cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thị trường hay không", một ghi chú của Nomura nêu ra hôm 19/2.
Các nhà kinh tế tại Nomura cũng cho rằng Trung Quốc vẫn cần thời gian để phát triển các ngành công nghiệp mới thay thế cho lĩnh vực bất động sản suy yếu.
Mặc dù những lĩnh vực mới và các ngành liên quan đã đóng góp 11% vào GDP của Trung Quốc trong năm 2023, nhưng sự suy giảm của thị trường bất động sản vẫn có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.
Chuyên gia Rory Green nói: "Chúng tôi dự đoán tiêu dùng năm 2024 sẽ tiếp tục giảm tốc do tác động tiêu cực về thu nhập, niềm tin và tài sản đã tạo sức ép lên các gia đình,..." Ông dự đoán doanh số bán lẻ sẽ giảm 4% đến 5% trong năm nay so với một năm trước.
Nhà kinh tế trưởng Louise Loo từ Oxford Economics nhận định rằng, "ảnh hưởng tích cực từ sự tăng trưởng nhanh chóng trong các ngành công nghiệp mới khó có thể bù đắp được sự khác biệt, ít nhất là trong hai năm tới".
"Chúng tôi coi đây thực sự là một sự chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống phụ thuộc vào đòn bẩy sang một mô hình giống với phần còn lại của các nền kinh tế Đông Á ngày nay", ông John Lin nêu, dẫn chứng với trường hợp các nền kinh tế của Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc - đều trải qua quá trình chuyển đổi "đau đớn" từ nền kinh tế sản xuất cấp thấp sang cấp cao hơn.
Cặp 'rồng biển' Trung Quốc dài 135 mét, nặng 4.350 tấn sắp làm điều chưa nước nào làm được dưới đáy biển
PV. (Đời sống Pháp luật)