Năm 2012, ông Tập Cận Bình đề ra khẩu hiệu “Trung Quốc mộng” và định nghĩa nó là “hiện thực hóa phụng hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, biểu hiện cụ thể là đất nước giàu mạnh, dân tộc hùng cường, nhân dân hạnh phúc. Tuy nhiên thời ông Tập cai trị, Trung Quốc ngày nay đầy rẫy những thảm họa khiến nền kinh tế suy thoái nhanh chóng, đời sống người dân khó khăn, có chuyên gia Đài Loan nhận định cái gọi là “Trung Quốc mộng” đã trở thành “Trung Quốc nghèo”.
Cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển bất động sản khiến những tòa nhà dang dở có mặt khắp nơi.
Tờ NYT gần đây đưa tin, báo cáo khảo sát năm 2014 về “Nhận thức giàu – nghèo” của người Trung Quốc cho thấy, vào thời điểm đó 77% người dân Trung Quốc cho rằng họ giàu hơn 5 năm trước; nhưng ngày nay sau 10 năm, tỷ lệ đã giảm xuống còn 39%. Điều này có nghĩa là tài sản của người dân Trung Quốc đang sụt giảm mạnh và 61% số người đang hướng tới bần cùng hóa.
Nhà nghiên cứu Tống Quốc Thành (Song Guocheng) tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan, đồng thời là học giả về các vấn đề Trung Quốc và chiến lược quốc tế, chỉ ra rằng người dân Trung Quốc hiện phải đối mặt với “10 khó khăn”: ăn, mặc, đi học, việc làm, lập gia đình, sinh con, nhà ở, phí chữa bệnh, phí dưỡng già, và phí ma chay”. 10 khó khăn này bao gồm gần như tất cả những khó khăn trong cuộc đời con người từ khi lọt lòng cho đến khi xuống mồ.
Ông cho rằng Trung Quốc đang trong cảnh biến động lịch sử lớn từ “Trung Quốc mộng” sang “Trung Quốc nghèo”. Ông đã dùng 8 từ để mô tả nền kinh tế Trung Quốc ngày nay: “Sâu không thấy đáy, thuốc thang vô dụng”, đồng thời tổng kết 10 hiện tượng đáng lo ngại.
(1) Khoảng cách giàu nghèo cực đoan
Theo thống kê của Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung Quốc có 960 triệu người thu nhập trung bình hàng tháng dưới 2000 RMB (7 triệu đồng), chiếm gần 70% tổng dân số. Đồng thời, 1% dân số Trung Quốc chiếm 90% của cải xã hội, trong khi 99% người nghèo chỉ chiếm 10% của cải xã hội, là vấn đề khoảng cách giàu nghèo đến mức cực đoan. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 200 triệu người ở Trung Quốc hiện đang sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ chênh lệch tài sản tài chính giữa các gia đình giàu nhất và nghèo nhất là 359 lần.
(2) Sự xuất hiện của “núi lửa xã hội”
Theo tờ WSJ, các học giả Trung Quốc và nước ngoài gần đây đã hợp tác thực hiện một cuộc khảo sát mang tên “Núi lửa xã hội” (Social Volcano). Khảo sát cho thấy, nếu trước đây người Trung Quốc thường đổ lỗi cho thiếu khả năng hoặc nỗ lực không đủ của bản thân là nguyên nhân gây ra nghèo đói, thì giờ đây lại đổ lỗi cho cơ hội không bình đẳng và hệ thống kinh tế không công bằng. Ông Tống Quốc Thành gọi đây là “núi lửa xã hội”, là “phẫn nộ xã hội sẵn sàng bùng nổ”: một mặt là biểu hiện không hài lòng với thể chế chính trị thời Tập Cận Bình, mặt khác biểu hiện tuyệt vọng về điều kiện sống cá nhân.
(3) Tự sát trong xã hội
Mới đây, một nữ nhân viên của một “tập đoàn tài chính” Trung Quốc đã tự tử bằng cách nhảy lầu, nguyên nhân được cho là do vỡ nợ vì bất động sản; một trường hợp khác là người phụ nữ tốt nghiệp trường danh tiếng ở Bắc Kinh chết trong căn hộ thuê ở Tây An, cô này là người đứng đầu một số kỳ thi tuyển công chức nhưng luôn bị từ chối khi phỏng vấn. Điều này hàm nghĩa người ta thường có được việc làm bằng cách dựa vào các mối quan hệ, đi cửa sau hoặc đưa hối lộ. Không ít trường hợp người trẻ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài vì “không có mối quan hệ”, lựa chọn cách tự sát xã hội để phản đối.
(4) Bi kịch của người tóc bạc
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc hiện nay lên tới 290 triệu người. Ước tính vào khoảng năm 2035, dân số cao tuổi sẽ vượt quá 400 triệu người và sẽ đạt 500 triệu người vào năm 2050. Với thực trạng suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc rất khó cải thiện, vấn đề chăm sóc người già đã trở thành một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Ông Tống Quốc Thành tin rằng hệ thống phúc lợi của Trung Quốc méo mó và quá bất công, ông gọi là “hệ thống hưởng thụ của người giàu”, tức là một hệ thống trong đó người giàu hưởng thụ mọi thứ chỉ để lại cho người nghèo “cơm thừa canh cặn”. Hệ thống phúc lợi các nước phương Tây luôn chú ý hướng về người nghèo; nhưng ở Trung Quốc thì các phúc lợi xã hội luôn ưu đãi cao nhất đối với cán bộ ĐCSTQ và những người giàu có, còn người nghèo, đặc biệt là đa số người già ở nông thôn chỉ được hưởng phần còn sót lại. Nhiều người già có cuộc sống khốn khổ không có ai chăm sóc.
(5) Sự xuất hiện của các nhà thu mua cửa tiệm phá sản
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Bắc Kinh, trong nửa đầu năm nay, tổng lợi nhuận của ngành công nghiệp ăn uống Bắc Kinh là 180 triệu RMB, giảm mạnh 88,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ suất lợi nhuận thấp tới 0,37%. Có nghĩa là ngành dịch vụ ăn uống phải đối mặt với mức lợi nhuận rất mỏng.
Tính đến ngày 21/12/2023, số công ty cung cấp dịch vụ ăn uống Trung Quốc rút giấy phép vượt 1,265 triệu, cao hơn gấp đôi so với năm 2022, lập kỷ lục mới kể từ năm 2020 về việc các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động. Trong nửa đầu năm 2024, tổng số đơn hủy và thu hồi của các công ty liên quan đến dịch vụ ăn uống lên tới 1,056 triệu, Quý 1/2024 có gần 460.000 nhà hàng đã đóng cửa, tăng 232% so với 140.000 cùng kỳ năm ngoái. Nhiều cửa hàng mới mở được chỉ trong vòng 1 – 2 tháng đã phải đóng cửa, thậm chí có trường hợp cửa hàng mới phải đóng cửa chỉ trong vòng vài ngày sau khi khai trương.
Trong bối cảnh suy thoái, một ngành nghề đặc biệt “thu gom tàn tích hàng quán” đã xuất hiện ở Trung Quốc, chuyên thu thập đồ dùng nhà bếp, bộ đồ ăn… còn sót lại từ các cửa hàng/nhà hàng đã đóng cửa, sau đó tái sử dụng hoặc bán lại. Một người trong ngành ở Quảng Châu cho biết, ngành dịch vụ ăn uống ở Quảng Châu kể từ tháng 3 năm nay đã có làn sóng đóng cửa tiệm, dự kiến mỗi tháng người này thu mua thiết bị được từ 40 – 50 nhà hàng/cửa hàng, 70% trong số đó là các nhà hàng lẩu, tiếp theo là các quán trà sữa.
(6) Cạnh tranh triệt hạ nhau
Do các yếu tố của nền kinh tế Trung Quốc như dư thừa công suất trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu… khiến hàng tồn kho ngày càng trở thành vấn đề, làm các công ty Trung Quốc chìm vào cuộc chiến cạnh tranh hạ giá sản phẩm xuống thấp một cách bất chấp.
Lấy ví dụ ngành thép, số liệu thống kê vào tháng 7/2024 cho thấy lợi nhuận của các công ty thép chủ chốt trên cả nước đã giảm 88% hàng năm và 90% hàng tháng, khiến họ gần như không có lãi, chỉ có 1% doanh nghiệp còn có không gian để thu lợi nhuận nhỏ.
Hay như ngành năng lượng mặt trời, 4 sản phẩm chủ lực từ thượng nguồn đến hạ nguồn bao gồm vật liệu silicon, tấm silicon, tấm pin và mô-đun đã giảm giáso với đầu năm 2024 lần lượt 40%, 48%, 36% và 15%, lập mức thấp kỷ lục. Một số công ty thậm chí còn tụt xuống dưới đường chi phí và rơi vào tình trạng thua lỗ.
(7) Doanh nghiệp hàng đầu trên bờ vực sụp đổ
Một trong những công ty ô tô hàng đầu Trung Quốc là Evergrande New Energy trong nửa đầu năm 2024 lỗ 20,257 tỷ RMB, tăng 194,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ nửa đầu năm 2024 chỉ bán ra được có 40 xe.
Ngoài ra, sự suy giảm của bất động sản Trung Quốc đang ở trạng thái “không thấy đáy”. Tất cả 10 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc đều nợ nần hoặc phá sản. Ngay cả công ty Vanke, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc và thậm chí cả thế giới, cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng vỡ nợ.
(8) Sự sụp đổ của tầng lớp trung lưu
Ngành công nghiệp đàn piano tượng trưng cho tình trạng kinh tế xã hội của tầng lớp trung lưu cũng chứng kiến doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Trong năm qua, 7000 cửa hàng bán đàn piano ở Trung Quốc đã đóng cửa. Hai ông lớn dẫn đầu ngành piano là Hailun Piano và Zhuhai Piano đều thua lỗ trong nửa đầu năm nay. Tại nơi được mệnh danh “Quê hương đàn piano Trung Quốc” là thị trấn Lạc Xả thành phố Hồ Châu tỉnh Chiết Giang, một số lượng lớn nhà sản xuất đàn piano đã phá sản. Điều này phản ánh sụp đổ của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
(9) Sinh viên đại học tốt nghiệp bị bỏ rơi
Khi ông Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ “lực lượng sản xuất mới” và tập trung nguồn lực quốc gia vào công nghệ cao, khiến “thế hệ có trình độ học vấn cao” [hiện nay] vốn đã “lỡ chuyến” thời kỳ thịnh vượng kinh tế ban đầu, thì bây giờ lại không thích ứng được với các ngành công nghiệp mới nổi, họ đã bị xã hội bỏ rơi một cách nghiêm trọng. Những “đứa trẻ bị bỏ rơi” này có bằng đại học nhưng không tìm được việc làm buộc phải chấp nhận những công việc lương thấp, thậm chí nhiều người phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài hạn.
Theo thống kê, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục 11,79 triệu trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị từ 16 – 24 tuổi ở Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng lên 17,1%, mức cao nhất năm nay. Con số này chưa bao gồm học sinh và hàng triệu thanh niên thất nghiệp ở nông thôn.
(10) Nợ cao và tài chính cạn kiệt
Tính đến năm 2022, nợ của chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc là 114 nghìn tỷ RMB; nợ của các doanh nghiệp phi tài chính nhà nước là 220 nghìn tỷ RMB; nợ của hệ thống tài chính là 56 nghìn tỷ RMB, tổng cộng là 390 nghìn tỷ RMB – con số này gấp 3 lần GDP của Trung Quốc. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc không còn có thể bắt kịp lỗ hổng tài chính của chính phủ.
Tuy nhiên, bất chấp suy thoái kinh tế và tình trạng nghèo đói của người dân, ĐCSTQ vẫn chi mạnh tay để thúc đẩy nhiều kế hoạch nhằm nâng cao uy tín quốc gia, như: rải tiền tệ quy mô lớn, Starlink, xây dựng hệ thống Kênh đào Lớn (Đại Vận Hà), chiến dịch nhân đạo y tế “Chiếc thuyền hòa bình” cho nước ngoài… Người dân Trung Quốc có thể ăn uống khổ cực sống qua ngày để chính quyền giữ “vị thế quốc tế” của Trung Quốc. Ông Tống Quốc Thành thẳng thắn nói rằng “Trung Quốc mộng” của Tập Cận Bình không phải là giấc mơ để người dân Trung Quốc xoay chuyển cuộc sống mà là “Đế quốc mộng” của cá nhân ông Tập.
Thái Tư Vân, Vision Times