Tư thế công khai ủng hộ Nga trên vấn đề Ukraine của Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ đang gây ra sự hoang mang ở Châu Á về vấn đề Đài Loan và có khả năng khiến Trung Quốc trở thành bên hưởng lợi lớn từ sự trở mặt của Mỹ với nhiều hệ quả.
Đài Loan, cuộc diễn tập mới của hải quan Trung Quốc năm 2024: Agencia Nova. DR
--------------------------------------------------
Đài Loan, trong tầm ngắm của Bắc Kinh, có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của sự ngông cuồng của Nhà Trắng. Việc Donald Trump “bỏ rơi” Ukraine, chấp nhận những đòi hỏi của Vladimir Putin, kết hợp với lời đe dọa bỏ mặc Châu Âu trong số phận của mình khi phải đối đầu với Nga, đang khiến Châu Á ngày càng lo ngại rằng ông có thể làm điều tương tự với Trung Quốc của Tập Cận Bình bằng cách nhường lại Đài Loan cho Trung Quốc.
Cảnh những cáo buộc dữ dội chưa từng thấy của Donald Trump, cùng với phó tổng thống JD Vance, đối với vị khách người Ukraine Volodymyr Zelensky, được truyền hình trực tiếp trên các đài truyền hình khắp thế giới vào ngày 28 tháng 2, sẽ mãi được ghi nhớ như một bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển của thế giới. Sự chuyển đổi mà chính quyền Trump mong muốn đã có bước ngoặt đáng kinh ngạc vào ngày 24 tháng 2 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York khi Hoa Kỳ, đứng về phe Nga và Triều Tiên, bỏ phiếu chống lại một nghị quyết được trình lên Đại hội đồng lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Thêm một điều chưa từng thấy: Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã thông qua cùng ngày một nghị quyết kêu gọi “chấm dứt nhanh chóng” cuộc xung đột ở Ukraine mà không lên án Nga, Hoa Kỳ đã trắng trợn bỏ phiếu cùng với Nga và Trung Quốc. Thứ Hai ngày 3 tháng 3, Nhà Trắng tuyên bố đóng băng mọi chuyển giao vũ khí cho Ukraine và vào thứ Tư ngày 5 tháng 3, Giám đốc CIA John Ratcliffe thông báo quyết định của Donald Trump về việc chấm dứt hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực tình báo, một lĩnh vực thiết yếu đối với quân đội Ukraine.
Donald Trump gieo rắc nghi ngờ ở Châu Á có lợi cho Bắc Kinh
Bất luận điều gì xảy ra ở Ukraine, Trung Quốc vẫn là bên hưởng lợi lớn từ những bất ổn do sự liên kết giữa Hoa Kỳ và Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Đối với các đồng minh của Hoa Kỳ, sự xích lại gần nhau này, được mọi người nhất trí coi là phản tự nhiên, hiện đang làm dấy lên nghi ngờ về ý định của chính quyền Hoa Kỳ đối với nền tảng chủ yếu của mối quan hệ với các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ là sự tin cậy.
Bản thân sự nghi ngờ này là một đòn bẩy chính trị mạnh mẽ mà chế độ Trung Quốc đã mơ ước trong nhiều thập kỷ để gây chia rẽ giữa các đồng minh Châu Á này và Hoa Kỳ. Trung Quốc đã tận dụng sự nghi ngờ này, nhưng không mấy thành công, trong các cuộc trao đổi ngoại giao với Nhật Bản sau thông báo bất ngờ vào ngày 29 tháng 2 năm 2020 về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Nhật báo Nikkei Asia của Nhật Bản đã truyền tải rộng rãi những lo ngại này vào ngày 2 tháng 3. Rahman Yaacob viết trên nhật báo này: “Nếu Washington có thể tiến hành một ‘cuộc mặc cả lớn’ với Moscow và bỏ qua lợi ích của Ukraine cũng như của Châu Âu, thì Washington cũng có thể dễ dàng đạt được sự đồng thuận với Bắc Kinh để thúc đẩy lợi ích [của Hoa Kỳ] với hậu quả đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Đài Loan”. “Nếu Trung Quốc đe dọa hoặc chiếm đóng các đảo do Đài Loan quản lý gần đại lục, Trump có thể sẽ dùng đến ‘thỏa thuận hòa bình đổi lãnh thổ’ [liên quan đến Đài Loan] thay vì đến bảo vệ hòn đảo này”, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn độc lập về các vấn đề chính trị, chiến lược và kinh tế quốc tế có trụ sở tại Sydney, Úc, cho biết thêm.
Tờ báo giựt tựa “Lịch sử dạy chúng ta rằng các thỏa thuận ‘đổi đất lấy hòa bình’ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp”. “Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang mặc cả với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine bằng cách buộc nước này từ bỏ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và bác bỏ mong muốn của nước này gia nhập NATO, có vẻ giống một động thái xoa dịu hơn là tìm kiếm một thỏa thuận thông minh”. Rahman Yaacob viết: “Cách Trump xử lý cuộc xung đột này cũng có thể phá hoại sự ổn định về lâu dài của Đài Loan”.
Thật vậy, Bắc Kinh đã lợi dụng sự nghi ngờ này bằng cách gửi đòn tấn công đầu tiên tới Đài Bắc thông qua lời cảnh báo được đưa ra bởi tờ báo tiếng Anh của Hồng Kông là South China Morning Post (SCMP), hiện do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. “Màn pháo hoa tại Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Sáu [ngày 28 tháng 2], nghĩ cho cùng, có thể sẽ đánh thức nhiều người Đài Loan hơn nữa về sự phụ thuộc được đặt không đúng chỗ của họ vào người Mỹ. “Washington sẽ kích bạn hoặc bỏ rơi bạn trong chớp mắt”, nhà báo Alex Lo, người nổi tiếng với những lời chỉ trích gay gắt đối với Hoa Kỳ, viết.
Đối với Bắc Kinh, logic được rút ra từ những tuyên bố của tổng thống Mỹ và phó tổng thống JD Vance ngày càng trở nên rõ ràng đối với thế giới: vì Hoa Kỳ phớt lờ sự thật rằng Nga đã tấn công Ukraine hoặc thậm chí còn cáo buộc Ukraine là nước khởi xướng cuộc tấn công, trên thực tế, họ đã trao toàn quyền cho Trung Quốc để tấn công Đài Loan.
Sau thảm họa Hiệp định Munich năm 1938, liệu lịch sử có lặp lại không?
Tờ báo Nhật Bản cũng như một số cơ quan truyền thông Mỹ đã nhắc lại tiền lệ lịch sử về những thỏa hiệp như vậy: vào tháng 9 năm 1938, các nhà lãnh đạo Đức, Vương quốc Anh và Ý ký Hiệp định Munich, nhằm duy trì hòa bình ở Châu Âu, đã nhường lại Sudetenland, một vùng của Tiệp Khắc, cho Đệ tam Đế chế.
Đổi lại, Hitler hứa sẽ không xâm chiếm lãnh thổ thêm nữa. Thủ tướng Anh khi đó là Neville Chamberlain đã trở về London trong niềm hân hoan, sử dụng câu nói giờ đã trở nên khét tiếng một cách cay đắng: “Tôi đã trở về từ Đức với hòa bình cho thời đại của chúng ta.” Chúng ta đều biết những gì đã xảy ra sau đó: chưa đầy một năm sau, Đức Quốc xã đã xâm lược Ba Lan, sự kiện này sau đó đã châm ngòi Thế chiến thứ II.
Nikkei Asia cho biết thêm: “Bất kỳ chính sách nào ban thưởng cho hành động xâm lược quân sự, chẳng hạn như chính sách ‘lãnh thổ đổi lấy hòa bình’ của Trump, đều phá hoại trật tự quốc tế, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. “Những tuyên bố của Trump cho thấy ông sẽ tránh đối đầu với các đối thủ chiến lược như Nga và Trung Quốc trừ khi các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ bị đe dọa trực tiếp, một viễn cảnh đáng lo ngại đối với các đồng minh truyền thống ở Châu Âu và Viễn Đông cũng như đối với Đài Loan”, Daniel Ten Kate nhận định trong một bài phân tích được hãng tin Bloomberg của Mỹ công bố vào ngày 2 tháng 3, nơi ông là biên tập viên mảng Châu Á.
Ông khẳng định rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Donald Trump “về cơ bản phục vụ cho các lợi ích chiến lược của Tập Cận Bình, bao gồm việc Tập Cận Bình chống đối các liên minh quân sự chính thức, những hạn chế quyền tự do cá nhân [ở Trung Quốc] nhân danh an ninh quốc gia và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Đài Loan và những nơi khác”. Do đó, Trump sẽ cho phép chủ tịch Trung Quốc vơ vét hết trên pham vi thế giới vì “điều này có nghĩa là Tập Cận Bình chỉ cần đợi cho đến khi thời cuộc trở thành bất lợi cho Hoa Kỳ”, Daniel Ten Kate nhấn mạnh thêm. “Khi điều đó xảy ra, bất kỳ ai nắm quyền [ở Washington hay Bắc Kinh] sẽ thấy rằng ‘nền dân chủ mang đặc điểm Trung Quốc’ giờ đây sẽ trở thành chuẩn mực và ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ sẽ cơ bản thay đổi, có lẽ là mãi mãi”, ông kết luận.
Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh đang giữ thái độ gần như im lặng, chứng tỏ họ rất thận trọng về vấn đề này. Ngược lại, một số phương tiện truyền thông Nhà nước có liên hệ với chế độ Tập Cận Bình đã đưa tin rộng rãi về phản ứng của Nga đối với sự kiện này. Đài truyền hình Nhà nước CCTV đã trích dẫn sự hân hoan của Dimitri Medvedev, người đứng thứ hai trong Hội đồng An Ninh của Liên bang Nga, trước “cái tát đau điếng” mà “gã hề nghiện cocaine” nhận được, một sự ám chỉ rõ ràng đến Volodymyr Zelensky. Kênh truyền hình này cũng nhấn mạnh đến những phát biểu cay độc của Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga: “Việc Trump và Vance kiềm chế không tấn công ông ấy (Zelensky) quả thực là một phép mầu.”
Không hề ngẫu nhiên khi các nhà báo phụ trách thời sự của các báo chính thức lại chủ yếu rút ra bài học chính cho các đồng minh của Washington: việc dựa vào Hoa Kỳ chứa đựng những rủi ro đáng kể. “Tình hình hiện tại về cơ bản có liên quan đến sự phán đoán sai lầm của Zelensky vào năm 2019, khi ông nhậm chức”, Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập tờ báo tiếng Anh theo chủ nghĩa dân tộc Global Times, cho biết trong một bài đăng được SCMP dịch sang tiếng Anh. “Zelensky đã thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO, từ bỏ vị thế trung lập giữa Nga và NATO. Sai lầm ban đầu này đã đặt ông vào thế hoàn toàn bị động.” Shen Yi, “một tiếng nói có ảnh hưởng trong giới những người theo chủ nghĩa dân tộc”, như SCMP gọi ông”, cũng đồng quan điểm; “Trong tương lai, ngày càng nhiều quốc gia sẽ hiểu được một số sự thật cơ bản: rằng việc dựa vào Hoa Kỳ có thể gây ra những hậu quả thảm khốc”, giáo sư tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải viết.
Trump cáo buộc Đài Loan đánh cắp công nghệ, Đài Bắc buộc phải đáp trả
Chính quyền Đài Loan đã phải phản ứng công khai trước những tuyên bố đe dọa của Trump nhắm vào Đài Loan. Vào ngày 17 tháng 2, Trump đã lập lại cáo buộc rằng “Đài Loan đã đánh cắp công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ” và một lần nữa đe dọa áp thuế 100% đối với các sản phẩm bán dẫn của Đài Loan. Ba ngày sau, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan (NSC) Ngô Chiêu Nhiếp (吳釗燮) đã bác bỏ những phát biểu này. “Chúng tôi không lấy cắp bất cứ thứ gì của bất kỳ ai”, cựu bộ trưởng ngoại giao nói.
Thông báo vào ngày 4 tháng 3 tại Nhà Trắng của Chủ tịch TSMC Ngụy Triết Gia (魏哲家) về khoản đầu tư bổ sung 100 tỷ đô la và việc xây dựng năm nhà máy lắp ráp chip mới tại Mỹ đã khiến Donald Trump, với nụ cười rạng rỡ, mô tả quyết định này là một “nước cờ cao tay” của “công ty quyền lực nhất thế giới”.” TSMC, nhà sản xuất Đài Loan, gã khổng lồ sản xuất bán dẫn của thế giới, với sản lượng chiếm khoảng 65% sản lượng toàn cầu của những con chip mạnh nhất đã trở nên không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu ngầm của Donald Trump là đạt được hòa bình nhanh chóng ở Ukraine để phá vỡ liên minh giữa Moscow và Bắc Kinh và có thể tập trung sức mạnh ngoại giao và quân sự của Mỹ vào chiến trường Châu Á. Tại Hội nghị An ninh Munich vào giữa tháng 2, Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Ukraine, đã đảm bảo rằng mục tiêu của Washington là “phá vỡ” liên minh của Nga với Trung Quốc và Triều Tiên.
Ngoại trưởng Marco Rubio không hề giấu giếm sự thật rằng chính quyền mới của Trump có ý định dành ưu tiên cho Trung Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz, người từ lâu ủng hộ việc trang bị vũ khí cho Đài Loan và cứng rắn hơn với Tập Cận Bình, đã nêu quan điểm trong một bài xã luận trên tờ The Economist trước cuộc bầu cử tháng 11: “Trung Quốc đã hưởng lợi từ chính sách mù mờ của Hoa Kỳ đối với nước này. Washington đang sa lầy vào các cuộc chiến tranh ở Châu Âu và Trung Đông khiến thách thức từ Trung Quốc bị lờ đi.”
Người đứng thứ 3 tương lai của Lầu Năm Góc củng cố sự mơ hồ về Đài Loan
Chiến lược gia Elbridge Colby, được Donald Trump bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao phụ trách chính sách quốc phòng, đã coi nhu cầu tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc là một sự tất yếu kể từ khi cuốn sách nổi tiếng The Strategy of Denial: American Defense in an Age of Great Power Conflict (2021, Nhà xuất bản Đại học Yale) được xuất bản cách đây bốn năm.
Nhưng vào thứ Tư, ngày 5 tháng 3, cũng chính Colby, trong phiên điều trần ở Thượng Viện về việc phê chuẩn đề cử ông, đã bồi thêm vào sự mơ hồ hiện tại một sự mơ hồ mới liên quan đến ý định của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, tuyên bố rằng nước này phải tăng gấp ba ngân sách quân sự để đạt 10% GDP. “Tôi luôn nói rằng Đài Loan rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Nhưng […] đó không phải là một lợi ích sống còn,” ông nói. “Lợi ích cơ bản của chúng tôi là phủ nhận quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc”, ông phát biểu trong bài phát biểu đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với những tuyên bố trước đây của ông.
Colby cho rằng sự thay đổi này là do “sự suy giảm nghiêm trọng trong cán cân quân sự” với Trung Quốc. “Việc mất Đài Loan sẽ là một thảm họa đối với lợi ích của Mỹ”, ông giải thích, nhưng cán cân quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xấu đi rất nhiều đến mức một cuộc xung đột Trung-Mỹ có nguy cơ hủy hoại quân đội Mỹ. Bày tỏ mối lo ngại rằng Hoa Kỳ chưa chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc, ông nói thêm: “Điều quan trọng đối với chúng ta là tập trung lực lượng của mình vào việc bảo vệ Đài Loan một cách hiệu quả và hợp lý, đồng thời cung cấp cho họ phương tiện để thực hiện điều đó, và đối với Đài Loan cũng như đối với Nhật Bản, họ phải làm nhiều hơn nữa.”
“Có nguy cơ thực sự xảy ra một cuộc chiến tranh lớn và chúng ta không thể để thua một cuộc chiến như vậy”, ông nói thêm. “Tôi cảm nhận những thực tế này từ trong xương tủy của mình. Tôi rất hy vọng rằng chúng ta có thể vượt qua những năm tới một cách hòa bình, mạnh mẽ, để chúng ta và các liên minh của chúng ta có nền tảng vững chắc và lâu dài hơn”, ông phát biểu với những nhận xét mơ hồ có thể làm gia tăng thêm sự nghi ngờ ở Đông Á về lập trường mới của Mỹ.
Vào thứ Tư, ngày 5 tháng 3, dường như là để đáp trả thông báo của Donald Trump về việc tăng thêm 10% thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến mức 20%, Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ sẵn sàng tiến hành “bất kỳ loại” chiến tranh nào. “Nếu Hoa Kỳ muốn chiến tranh, dù là chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hay bất kỳ loại chiến tranh nào khác, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng”, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố trên X (Twitter cũ), với những từ ngữ với mức độ dữ dội chưa từng có kể từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức.
Phá vỡ liên minh Trung-Nga: một điều viển vông
François Godement, một nhà Hán học nổi tiếng tại Viện Montaigne, lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Le Point rằng Elbridge Colby, đã từng phụ trách chiến lược trong chính quyền Trump đầu tiên (2017-2021), thường xuyên biện hộ cho việc xem cuộc xung đột Ukraine như là đã được giải quyết và để người Châu Âu tự xoay xở.
“Từ hai năm nay, ông ấy đã vận động để Mỹ rút khỏi Châu Âu”, François Godement giải thích. “Có thể sẽ hợp lý hơn nếu giải quyết một số xung đột trước khi đối đầu với Trung Quốc”, François Godement giải thích. “Việc hạ thấp cuộc xung đột với Nga và hỗ trợ Israel một cách tuyệt đối nhằm loại bỏ Hamas ở Gaza có thể là bước mở đầu cho việc xoay trục sang Trung Quốc. Nhưng thực tế thì đây chỉ là hư cấu chính trị.”
Hẳn là Moscow có thể mong đợi từ sự xích lại bề ngoài với Washington một sự nới rộng khả năng hoạt động để tác động đến Bắc Kinh, nhưng hy vọng phá hủy liên minh của họ là một giấc mơ viển vông và cực kỳ ngây thơ vì thực tế là Trung Quốc và Nga đều có chung lòng căm thù sâu sắc đối với Phương Tây và có những tham vọng địa chiến lược lâu dài. Vào thứ Hai, ngày 24 tháng 2, Vladimir Putin đã gọi điện cho Tập Cận Bình. Hai nhà độc tài, những người hiểu rất rõ về nhau, đã thông báo về một sự hợp tác “không giới hạn” Trung-Nga vào ngày 4 tháng 2, ba tuần trước khi bắt đầu “chiến dịch đặc biệt” của Nga ở Ukraine, sẽ gặp lại nhau vào ngày 9 tháng 5 tại Moscow để kỷ niệm 80 năm “Ngày Chiến thắng”, ngày mà đối với Nga, đánh dấu sự đầu hàng của Đức Quốc xã.
“Putin đã báo cáo về những diễn biến mới nhất trong quan hệ Nga-Mỹ”, theo một thông cáo của văn phòng chủ tịch Trung Quốc. “Trung Quốc và Nga là những nước láng giềng tốt không thể xa nhau”, thông cáo nói thêm. Như thể muốn nhấn mạnh, Vladimir Putin đã nói thêm ít lâu sau đó: “Sự phát triển quan hệ với Trung Quốc là sự lựa chọn chiến lược của Nga, là một phần của một viễn cảnh dài hạn. Đây hoàn toàn không phải là biện pháp tạm thời và sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ biến cố tạm thời hoặc yếu tố bên ngoài nào.”
Bắc Kinh phục kích để đổi mới quan hệ với Châu Âu
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang lợi dụng điều này để kích động và hưởng lợi từ sự bất mãn của Châu Âu đối với Hoa Kỳ. Theo François Danjou, nhà Hán học và nhà phân tích của trang mạng Questions Chine, “Ngày nay, với phản ứng cơ hội đáng chú ý, tuy nhiên lại nhuốm màu ác ý rõ ràng, Bắc Kinh tìm cách lợi dụng sự bàng hoàng của người Châu Âu vốn cùng bị hố trước sự trở mặt của D. Trump.” Vì vậy, sau một thời gian Châu Âu tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là người đứng đầu chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong ĐCSTQ, “cảm nhận được sự rối loạn của Châu Âu” theo cách “Kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta”, “rõ ràng đã đi vào quỹ đạo xích lại gần nhau một cách thân thiện”.
“Các bạn châu Âu thân mến, chúng ta là đối tác chứ không phải đối thủ. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc-EU, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Châu Âu để tăng cường giao lưu chiến lược và hợp tác cùng có lợi”, nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nhân dịp Hội nghị Munich, François Danjou, người coi đây là sự chuyển hướng về “quyền lực mềm” có lợi cho Trung Quốc nhấn mạnh. Sau khi cơn sốc và sự bàng hoàng do lập trường mới của Mỹ gây ra đã qua đi, Liên Minh Châu Âu và Vương quốc Anh đang vào thế trận để vượt qua những chia rẽ nội bộ nhằm cùng nhau cung cấp cho Ukraine những phương tiện để tránh bị sụp đổ, đồng thời cố gắng thuyết phục Donald Trump nối lại các cuộc đàm phán với tổng thống Ukraine.
Đối với Châu Á, điều cấp thiết là phải cùng nhau chuẩn bị để ứng phó với khả năng Mỹ “bỏ rơi”. Nhưng nhiệm vụ này phức tạp hơn nhiều so với Châu Âu, xét đến sự tồn tại dai dẳng của những mối bất hòa, chủ yếu là do lịch sử, giữa các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài việc vượt qua cú sốc kinh tế mà mức thuế quan mà Donald Trump công bố sẽ gây ra cho Châu Á, việc tìm ra một chính sách chung giữa các quốc gia này sẽ là một quá trình chậm chạp và đầy rủi ro, không có gì đảm bảo thành công. Một điểm yếu cố hữu của Châu Á mà Trung Quốc sẽ không bỏ qua để cố gắng áp đặt quyền lãnh đạo của mình ở đó và đẩy Hoa Kỳ ra ngoài.
Pierre-Antoine Donnet