+ Trong nhiều thập niên, Mỹ từng tin rằng Trung Quốc sẽ đổi thay. Từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, từ Thâm Quyến đến Vành đai con đường, Trung Quốc đã trỗi dậy, nhưng không thay đổi. Và chính lúc nước Mỹ tưởng như đã chai lì với nghịch lý đó, Donald Trump bước vào, không mang theo một học thuyết, nhưng mang theo chiến lược của một người Mỹ đã từng mất tất cả vào tay toàn cầu hóa.
+ Ông là biểu hiện của một nước Mỹ hậu công nghiệp, nơi những thị trấn sản xuất thép ở Ohio chỉ còn tồn tại trong hồi ức. Những người tiền nhiệm của ông như Clinton, Bush, Obama là những người tin vào toàn cầu hóa như một tôn giáo. Còn Trump hành xử như thể toàn cầu hóa là một vụ lừa đảo quy mô lớn.
+ Trump không tin vào các giá trị phổ quát. Trong mắt ông, WTO là một hiệp hội mà trong đó Trung Quốc với bàn tay vô hình của nhà nước được hưởng lợi nhiều hơn cả Mỹ. NATO là một câu lạc bộ mà Mỹ trả tiền để bảo vệ người khác. Và toàn bộ trật tự quốc tế hậu 1945, trong logic của ông, là một hợp đồng tồi mà nước Mỹ phải ký vì mặc cảm lãnh đạo thế giới.
+ Và khi ông quay lại Nhà Trắng đầu năm 2025, ông không trở về như một chính khách phục thù, mà như một CEO đến để thanh lý tài sản, đàm phán lại hợp đồng, cắt bỏ những đối tác không trung thực.
+ Ngày 9.4, Trump ký sắc lệnh áp mức thuế 104% lên hàng hóa Trung Quốc một con số vượt xa mọi kịch bản. Ông không cần che đậy ý định không thể để Trung Quốc cười vào mặt nước Mỹ. Bắc Kinh vốn đã quá quen với những cảnh báo mềm mỏng từ Washington thì nay trở tay không kịp. Chỉ kịp gọi đó là “bắt nạt”. Nhưng họ biết, đây không phải một nước đi tức thời đây là một trận tuyến mới.
+ Trump ở nhiệm kỳ hai, không còn gì để mất. Ông không cần tái tranh cử. Không cần làm đẹp lòng báo chí. Không cần duy trì hình ảnh lãnh đạo thế giới tự do. Và chính điều đó khiến ông trở thành tổng thống duy nhất có thể làm điều mà lẽ ra nước Mỹ phải làm từ rất lâu, định nghĩa lại mối quan hệ với Trung Quốc.
+ Thế giới đã từng nhầm lẫn rằng Trung Quốc hội nhập là để mở cửa. Nhưng Trung Quốc gia nhập WTO không phải để cải cách, mà để học luật chơi và viết lại luật chơi. Khi Huawei vươn lên, khi TikTok trở thành nền tảng toàn cầu, khi dữ liệu người Mỹ bị thu thập, Washington mới bắt đầu hiểu rằng thế kỷ 21 không chỉ là cạnh tranh công nghệ mà là cạnh tranh giữa hai mô hình nhà nước kiểm soát và thị trường tự do.
+ 125% không chỉ là thuế. Đó là một dấu chấm hết. Kết thúc cho ảo tưởng về “đồng thuận Bắc Kinh”. Kết thúc cho niềm tin rằng các thể chế quốc tế đủ mạnh để điều chỉnh một Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, kiểm soát công nghệ và tiền tệ bằng bàn tay tập quyền.
+ Cùng ngày, Trump miễn thuế 90 ngày cho hơn 75 quốc gia trong đó có những nước từng được Trung Quốc đầu tư mạnh như Ethiopia, Pakistan, Indonesia… Cử chỉ ấy không đơn thuần là thương mại. Nó là một lời đề nghị tái lập lại liên minh, nhưng với điều kiện thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc.
+ Trung Quốc lập tức phản công lên hàng hóa Mỹ, tuyên bố “chiến đấu đến cùng”. Nhưng chính họ cũng hiểu đây không còn là ván cờ thuế quan, mà là trận địa vị thế. Trung Quốc không sợ thuế, họ sợ sự dịch chuyển của niềm tin khi các tập đoàn đa quốc gia nhìn lại và hỏi có nên đặt tương lai trong tay một hệ thống không tuân thủ luật chơi?
+ Trump hiểu điều đó. Và ông dùng thuế như một công cụ làm lộ bản chất. Khi các quốc gia phải chọn ở lại trong chuỗi cung ứng Trung Quốc hay bước ra theo Mỹ, thế giới bỗng trở nên đơn giản nhưng cũng khắc nghiệt hơn.
+ Trump là người đầu tiên biến mâu thuẫn Mỹ – Trung từ âm thầm thành công khai, từ “thị trường thị phần” thành “trật tự mô hình”. Người ta có thể không thích ông, nhưng khó phủ nhận nếu thế kỷ 21 là một cuộc cạnh tranh sinh tồn giữa hai mô hình, thì Trump là người đầu tiên nhìn thấy điều đó và hành động như thể chỉ còn một cơ hội cuối cùng. Ông hiểu rõ điểm yếu của toàn cầu hóa, và dám làm điều không ai dám làm, nói với Trung Quốc rằng đã đến lúc dừng lại.
Tác giả: CU LÀNG CÁT