Những năm gần đây vùng cửa sông ven biển khu vực huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bờ biển bị xâm thực vào sâu hàng chục mét đến vài trăm mét, đất sụp nham nhở. Giải pháp công trình kè bê tông chắn sóng quá đắt, chi phí làm chừng 15 ki lô mét kè bê tông, mất khoảng 380 tỉ đồng như ngành thủy lợi làm ở Cà Mau.
Vị trí dự kiến của tuyến phà biển từ Cần Giờ (TPHCM) đi Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang).
Đi dọc đường bờ biển Gò Công Đông, tìm kiếm một điển hình nông dân có thể chống chọi được với sóng gió thiên nhiên mà vẫn có thu nhập ổn định từ biển một cách thuận thiên. May thay, chúng tôi tìm được một gia đình như vậy. Một lão nông ở Gò Công Đông đã thành công trong việc trồng cây chống sạt lở và tìm ra con đường canh tác thuận thiên nhiên mang lại thu nhập ổn định.
Căn nhà mới xây khang trang, đẹp mắt của lão nông Nguyễn Văn Đức (71 tuổi) tại Gò Công Đông nằm trên khu đất rộng trên 10 héc ta bao quanh là đất rừng và đất nuôi trồng thủy sản – khu đất ông Đức đã giữ gìn tránh sạt lở suốt nhiều năm qua.
Ông Đức quê gốc ở Ba Tri (Bến Tre) là người đầu tiên khai phá vùng đất này năm 1989, từ khi nơi đây hoang vu vắng bóng người, ven biển là hàng cây xen nhau mắm, đước, bần, dừa nước. Sau một thời gian khai phá, đánh bắt tôm cá, ông cất được căn nhà kiên cố vào đầu năm 1997. Tháng 10-1997, trận bão số 5 (bão Linda) đã tàn phá vùng ven biển Gò Công khiến nhiều cây rừng bị gãy đổ, trốc gốc. Những năm sau đó, gió chướng, triều cường, nước biển dâng tiếp tục gây sạt lở vùng ben biển. Không bó tay trước thiên tai, ông Đức bỏ công sức trồng lại các cây rừng bản địa để giữ đất.
Việc tranh giành đất giữa người và biển rất gian nan. Nhiều cây con trồng xuống lại bị sóng đánh chết nhưng ông Đức không nản chí, kiên trì trồng dặm lại và chống đỡ. Việc này kéo dài suốt bảy năm và tiếp tục giữ cây ổn định ba năm liên tiếp.
Nhờ những nỗ lực vượt khó như vậy, hàng cây rừng ngập mặn trụ vững, phát triển được, đất ven biển được giữ lại và ổn định. Gần như những năm chiến đấu với thiên tai như vậy, thu nhập gia đình rất khó khăn.
Hiện nay, ngoài hơn 10 héc ta đất tự khai thác, ông Đức còn nhận giữ thêm 12 héc ta đất rừng do kiểm lâm giao khoán 50 năm. Ông Đức còn nuôi tôm quảng canh, nuôi cua tự nhiên xen rừng, và xây thêm một căn nhà đúc để nuôi yến. Cách nuôi trồng của ông Đức hoàn toàn tự nhiên, không dùng hóa chất, thuốc nông dược.
Hiện nay, mỗi năm ông Đức có thu nhập trung bình vài trăm triệu đồng từ mô hình đa canh tác: rừng – tôm – cua – hàu – chim yến – cây ăn trái. Trong căn nhà khang trang của ông, tất cả nước mưa từ mái nhà đều được thu gom trong các vật chứa và hồ nước được che chắn cẩn thận. Dù đã lớn tuổi, vợ chồng ông Đức hoàn toàn hài lòng khi nuôi được ba cháu nội ăn học thành đạt. “Thuận thiên dã tồn” là đây!
Theo TheSaigonTimes