Sau thời gian dài, khi quay trở lại các con phố thời trang nhận thấy tình trạng mặt bằng trống vẫn chưa có khách thuê, nhiều chủ cửa hàng cũng tiếp tục trả mặt bằng.
Vẫn treo bảng cho thuê mặt bằng
Ghi nhận những ngày giữa tháng 5 của phóng viên Thanh Niên, trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) không khí mua bán ảm đạm, vắng khách mua dù là ngày cuối tuần. Cứ cách vài trăm mét lại có mặt bằng treo biển cho thuê. Thậm chí, nhiều những đoạn có 2 – 3 mặt bằng liên tiếp vẫn đóng cửa. Chưa kể, những biển hiệu lớn được dựng lên với nhiều nội dung như: xả hết cửa hàng, giảm toàn bộ… để thu hút khách mua. Tuy nhiên, tại những nơi xả hàng giá rẻ đó cũng chẳng thấy khách đâu.
Mặt bằng lớn (bên trái) và nhỏ (bên phải) trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 đều chung cảnh "đợi người đến thuê"
Phố thời trang sầm uất nhất TP.HCM vắng chưa từng thấy, chủ 'đếm ngày gồng lỗ'
Qua khảo sát thực tế, đoạn đường Nguyễn Trãi từ Q.1 kéo dài đến Q.5 dài khoảng 5 km, có gần 50 mặt bằng dán bảng cho thuê. Nhiều nhất tập trung vào khoảng 2 km ở phố thời trang, đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến giao lộ Trần Phú – Nguyễn Duy Dương.
Chị N.M (45 tuổi), chủ một cửa hàng thời trang nằm trên đường Nguyễn Trãi (Q.5), cho biết bản thân may mắn vì cửa hàng của chị tận dụng mặt bằng của gia đình nên ít chi phí hơn chỗ khác. Tuy nhiên, thời gian dài vừa qua, vì không có khách mua nên từ sau tết chị không nhập hàng mới. Trong cửa hàng hiện tại chỉ còn vài mẫu quần áo nên chị quyết định giảm giá toàn bộ để bán nhanh nhất có thể.
Dù không tốn tiền mặt bằng nhưng chị vẫn phải tốn tiền thuê nhân viên, điện nước và khâu vận hành. Do đó, chị M định thanh lý hết hàng hóa trong tháng này và sẽ nghỉ bán hẳn rồi treo bảng cho thuê lại mặt bằng. "Tôi thấy nhiều nơi trên đường Nguyễn Trãi treo bảng nửa năm rồi vẫn không có người thuê nên rất lo lắng vì nhiều năm nay chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất từ cửa hàng thời trang này", chị M cho biết.
Nhiều mặt bằng liền kề nhau trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) dán bảng cho thuê
Tại phố thời trang Nguyễn Trãi, bên cạnh một cửa hàng đã dán bảng cho thuê là shop thời trang đang thanh lý để chuẩn bị trả mặt bằng
Anh Ngọc Bảo, môi giới BĐS đang dán bảng cho thuê mặt bằng vào chiều 11.5.
Tương tự ở phố thời trang đường Lê Văn Sỹ (Q.3, Tân Bình) cũng chi chít những bảng rao cho thuê mặt bằng. Tại đây, nhiều mặt bằng rộng, lớn nằm san sát nhau đều trong tình trạng trống, không có khách thuê. Dạo quanh một đoạn từ giao lộ Lê Văn Sỹ - Trần Huy Liệu (Q.3) đến giao lộ Phạm Văn Hai – Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), ước tính có hơn 40 mặt bằng treo bảng cho thuê. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt bằng trống nằm rải rác trên đoạn đường này.
Nhân viên của một cửa hàng thời trang có treo bảng "trả mặt bằng, xả hàng" ở đường Lê Văn Sỹ, cho biết vài năm trở lại thì với các cửa hàng thời trang luôn trong tình trạng ế khách, không còn không khí mua sắm nhộn nhịp như trước. Nhiều người đã chọn cách rời đi và trả mặt bằng rất nhiều. Trong đó, cửa hàng chỗ nhân viên này làm thuê cũng vậy, cuối tháng này nhân viên này cũng nghỉ việc vì chủ cũng trả mặt bằng và đóng cửa vĩnh viễn.
Giá mặt bằng vẫn cao, người thuê không nổi
Anh Lương Thành Phát, chuyên viên môi giới mặt bằng ngành thời trang, nhà hàng các quận trung tâm TP.HCM, cho rằng lý do nhiều người kinh doanh trả mặt bằng vì giá nhà hiện tại còn rất cao so với mức lợi nhuận thu được. Thời điểm trước dịch, vài mặt tiền nhà ở Q.1, 3, 5 có giá thuê trung bình từ 7.000 – 8.000 USD. Đến sau dịch nhiều chủ mặt bằng vẫn giữ giá nên tỉ lệ trả lại tăng cao. Cá nhân anh Phát nhìn nhận giá cho thuê nhà trong thời điểm này đã giảm khoảng 30 – 50% so với sau dịch Covid – 19.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2023 và hiện nay nhiều chủ mặt bằng ở trung tâm đã chấp nhận giảm giá cho thuê, nhất là mặt bằng kinh doanh thời trang. Với mặt bằng trên đường Nguyễn Trãi, anh Phát nói rằng giá nơi đây cũng đã có thay đổi nhiều trong vài năm qua. Với loại mặt bằng chuẩn, mức giá cho thuê tại đây từ 70 – 100 triệu đồng/tháng, diện tích ngang 8 m - dài 16 m, 1 trệt và 3 lầu.
Phố thời trang Lê Văn Sỹ cũng trong tình trạng trả mặt bằng kéo dài trong nhiều năm
"Cụ thể hơn, một mặt bằng có vị trí khá đẹp nằm ở đường Nguyễn Trãi (Q.5) có diện tích ngang 9 m – dài 20 m hiện đang rao giá cho thuê là 110 triệu đồng/tháng dù trước dịch Covid-19 giá thuê của nó là 7.000 USD/tháng (khoảng 170 triệu đồng). Tuy giá mặt bằng này đã giảm nhiều, có thể thương lượng nhưng đã nhiều tháng qua vẫn chưa có người hỏi thuê", anh Phát chia sẻ.
Còn ở phố thời trang đường Lê Văn Sỹ, anh Phát cho biết giá đã giảm sâu vào khoảng 30 – 40% so với thời điểm sau dịch Covid-19. Nguyên nhân chính do con đường này không còn là ưu tiên của người mua sắm thời trang. Cho nên nhiều cửa hàng thời trang vì thế cũng "ra đi" nhiều hơn. Mức giá cho thuê mặt bằng ở đường này dao động từ 15 – 50 triệu đồng/tháng.
Anh Phát cũng nói thêm, nhu cầu tìm và ký gửi cho thuê mặt bằng ở chỗ anh hiện nay rất nhiều, không thiếu người có nhu cầu tìm thuê mặt bằng. Sở dĩ có tình trạng trên là giữa người thuê và người cho thuê vẫn chưa "có tiếng nói chung" bởi giá trị của mặt bằng đang cao hơn so với lợi nhuận của người kinh doanh.
Có rất nhiều mặt bằng đang bỏ trống, chờ người đến thuê
Theo ghi nhận trong khoảng 2 km đường Lê Văn Sỹ có gần 50 mặt bằng đang treo bảng cho thuê
Một chuyên gia về mua bán, sang nhượng mặt bằng spa, thẩm mỹ viện, cho biết từ sau dịch Covid – 19 ngành này lại hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Nhiều cơ sở chọn thuê các mặt bằng tại các con đường lớn như: 3 Tháng 2, Tô Hiến Thành, Nguyễn Tri Phương (Q.10), Trần Hưng Đạo, Ký Con (Q.1)… và từ đó giá mặt bằng cũng tăng theo. Tuy nhiên, từ tháng 7.2023 đến đầu tháng 3 năm nay ngành spa, thẩm mỹ nói chung giảm sút trầm trọng làm công việc môi giới của anh trở nên ảm đạm. Anh ước lượng tỉ lệ giảm khoảng 80% nhu cầu thuê mặt bằng trong ngày này.
Theo anh này, với ngành này, mức thuê mặt bằng được chia làm 2 loại cao cấp và tầm trung. Với loại mặt bằng cao cấp giá cho thuê rơi vào khoảng từ 300 – 500 triệu đồng/tháng (loại mặt bằng ngang 8 m, dài 20, 5 tầng trở lên), tầm trung vào khoảng 40 – 150 triệu đồng/tháng (ngang 4 m, dài 20 m và 2 tầng).
"Có vài chủ mặt bằng đã chủ động giảm 20% so với thị trường. Số chủ khác vẫn cứ neo giá trong suốt nhiều năm mà không giảm. Chưa kể, nhiều chủ mặt bằng thường yêu cầu người thuê đặt cọc 6 tháng tiền nhà. Nếu giá thuê khoảng 100 triệu đồng/tháng thì người thuê phải cọc 600 triệu đồng, một con số quá lớn khiến nhiều người không kham nổi trong thời điểm này. Chưa kể những mặt bằng thuê giá cao hơn thì tiền cọc sẽ cao như thế nào nữa", anh chia sẻ.
Anh Kim Bảo Huy, môi giới của một công ty trụ sở ở Q.1, TP.HCM, cũng nhìn nhận tình hình cho thuê mặt bằng hiện nay đang trong giai đoạn "dễ thở" hơn so với thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều mặt bằng vẫn còn bỏ ngỏ không có người thuê vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân chính theo anh là giá mặt bằng vẫn rất cao khiến người thuê nhà dù muốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được trong thời điểm này. "Bởi chủ nhà không muốn giảm giá mặt bằng khu trung tâm vì tâm lý của chủ nhà một khi giảm giá mặt bằng xuống thấp đồng nghĩa với việc giá trị tài sản là căn nhà cũng bị giảm đi. Đó là một trong những lý do chính mà các chủ nhà không muốn giảm tiền thuê mặt bằng ở các tuyến đường trung tâm", anh Huy nói.
Cũng theo anh Huy, mặt bằng kinh doanh về thời trang, nhà hàng, quán nhậu, làm đẹp… đang là thách thức lớn trong vấn đề thuê mặt bằng bởi vì ảnh hưởng nhiều từ xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Phạm Hữu - Phan Diệp - Theo Thanh Niên