Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên tốc độ đô thị hoá so với thế giới là chưa cao. Bên cạnh những thành tựu đạt được, đô thị hoá tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9 năm 2022, cả nước có 888 đô thị các loại. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 41,5%, tương đương với khoảng 37 triệu dân nước ta sống trong các đô thị. Trong đó, mật độ dân số đô thị tập trung cao ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ước tính mỗi năm các đô thị tại Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân.
Có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của đô thị là một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, đi liền với tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị, tốc độ đô thị hoá, vẫn còn nhiều những thực tế mà các đô thị hiện nay đang phải đối mặt, nhất là những đô thị lớn, tập trung nhiều ở các thành phố lớn.
Những điểm đã đạt được
Tốc độ phát triển của đô thị Việt Nam nhanh so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (Ảnh: Tạp chí Tổ chức Nhà nước)
Sau 35 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm thực hiện điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam, phê duyệt năm 2009, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Số lượng và chất lượng các đô thị ngày càng tăng. Năm 1990, cả nước có 500 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá vào khoảng 17-18% thì đến năm 2022 đã có 888 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá chiếm 41,5%. Định hướng đến năm 2025, nước ta sẽ có khoảng 950-1000 đô thị và đến năm 2030 có khoảng 1000 – 1200 đô thị.
Không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật được chú trọng không chỉ thông qua các văn bản pháp luật, quy định quy hoạch hạ tầng, mà còn thông qua công tác tuyên truyền phổ biến quy tắc, luật pháp về xây dựng.
Diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị hiện đại, khang trang, đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi về quy hoạch đô thị nhằm nâng cao nhận thức và đổi mới đô thị, quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bền vững, xanh, thông minh.
Định hướng về đô thị xanh - bền vững ngày càng được thể hiện rõ qua tính đồng bộ giữa không gian xanh, công trình xanh, vật liệu xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan văn hoá lịch sử, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.
Những vấn đề tồn đọng cần giải quyết
Bên cạnh những điểm đã đạt được sau nhiều năm, ở những đô thị cũ và đô thị mới đều gặp nhiều vấn đề. Trong đó:
Đô thị hoá không đồng đều giữa các vùng miền. Ở các đô thị lớn đang xảy ra tình trạng nhiều chung cư mật độ cư dân cao, trong khi có nhiều dự án chậm triển khai, không người ở. Nhiều khu vực nội thành, nội thị vẫn còn 50-60% diện tích đất nông nghiệp hoặc để trống chưa sử dụng để phát triển đô thị.
Tỷ lệ dịch cư tăng mạnh gây áp lực lớn tới đô thị: giao thông, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được so với mật độ dân số (Ảnh: Sở Xây dựng)
Tỷ lệ dịch cư tăng mạnh từ nông thôn lên thành thị, gây áp lực lên các đô thị: thiếu nhà ở, nhà ở không đảm bảo an toàn, thiếu không gian sinh hoạt, không gian công cộng…
Hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn… Ở các đô thị lớn, hạ tầng xã hội còn thiếu, nhất là các trường học các cấp phổ thông.
Nhà tập thể đang là “điểm nóng” cần giải quyết trong vấn đề phát triển đô thị (Ảnh: CafeF)
Công trình xuống cấp, đặc biệt những khu nhà tập thể, chung cư cũ thiếu an toàn. Hà Nội và Hồ Chí Minh là nơi chiếm số lượng khu chung cư, chung cư cũ, khu vực đô thị cần cải tạo nhiều nhất. Tuy nhiên việc cải tạo lại các chung cư cũ mới hoàn thành 1,14% đối với nhà chung cư cũ tại Hà Nội và 1% tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thiếu không gian công cộng cho người dân tại đô thị. Đây là không gian thiết yếu, quan trọng bậc nhất trong đời sống xã hội và cảnh quan đô thị nhưng ngày càng khan hiếm theo tiến trình đô thị hóa. Tại Hà Nội, trung bình mỗi người dân được hưởng chưa đến 1m2 không gian công cộng, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn xây dựng của nước ta (7m2/người) và chuẩn của thế giới (theo WHO) là 9m2/người.
Các không gian cho trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật ít. Ở các chung cư, nhà cao tầng ít có không gian sinh hoạt công cộng, nếu có diện tích ít và phức tạp trong khâu quản lý, sử dụng.
Không gian cây xanh tại các khu đô thị lớn ngày càng hạn hẹp (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)
Thiếu không gian xanh, tăng bê tông hóa gây tác động xấu đến chất lượng môi trường sống như tăng nhiệt độ không khí tại các khu vực đô thị lớn, gia tăng chất thải và vấn đề chôn lấp, xử lý chất thải xây dựng, giảm khối lượng nước ngầm do mất bề mặt thấm tự nhiên. Số lượng cây xanh tại các đô thị chiếm tỉ lệ ít.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, theo quy hoạch công viên cây xanh toàn thành phố là gần 11.500ha nhưng thực tế chưa đến một nửa. Tại Hà Nội, tỉ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô chưa đến 2m2/người, trong khi tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc đề ra là 39m2/người.
Ô nhiễm môi trường chủ yếu là ô nhiễm không khí, tiếng ồn do giao thông vận tải, các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chất thải rắn sinh hoạt, bùn thải do nạo vét hệ thống thoát nước, chất thải rắn công nghiệp, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế, chất thải điện tử.
Nhiều nhà ở, khu chung cư, chung cư mini không đảm bảo tiêu chí an toàn về phòng cháy chữa cháy (Ảnh: VnExpress)
Thiếu tính an toàn trong không gian sống. Các chung cư, nhà ở cũ tại đô thị đang gặp phải các vấn đề như không đảm bảo kết cấu công trình, thiếu các tiêu chuẩn an toàn trong dự án như hệ thống điện không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo phương án thoát hiểm trong trường hợp gặp nạn, hoả hoạn.
Nhà ở cho người yếu thế chưa nhiều, không đảm bảo an toàn. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, các vấn đề về nhà ở an toàn cho người lao động, những người yếu thế ngày càng lộ rõ.
Ứng dụng công nghệ trong các công trình, nhà ở thông minh còn bộc lộ thiếu sót, thiếu an toàn trong khâu bảo mật thông tin người dùng.
Ngoài ra, các vấn đề trong nguồn vốn, thủ tục để phát triển đô thị vẫn còn nhiều bất cập.
Để phát triển đô thị một cách bền vững, các đô thị không chỉ cần mở rộng, cải tạo và điều chỉnh những vấn đề tồn đọng mà còn phải chuyển hoá từ bên trong, thay đổi để phù hợp hơn dưới nhiều hình thức mới, nội dung mới.
Thấu hiểu điều đó, Chương trình LIXIL ALP 2023 - 2024 do LIXIL Việt Nam tổ chức tạo môi trường cho các công ty kiến trúc, thiết kế tìm kiếm giải pháp góp phần “thay đổi diện mạo đô thị” và nâng cao chất lượng không gian sống đô thị thông qua 5 đề tài nghiên cứu: “Tái sinh đô thị bền vững: Phát triển thích ứng di sản công nghiệp” (Công ty PVCHB); “Đánh thức nơi chốn trong thành phố” (Think Playgrounds); “Chuyển hóa bãi chôn lấp thành công viên xanh” (TA Landscape Architecture); “Đổi mới nhà phố - Mini Building” (VUUV Architecture & Interior Design); “Khu đô thị C-Town” (TAT Architects Studio). Chương trình diễn ra từ tháng 07/2023 và tháng 11 tới đây sẽ diễn ra Hội thảo cuối kỳ công bố các đề tài nghiên cứu chính thức, đồng thời tổ chức Triển lãm LIXIL ALP Pavilion 2023 - 2024 giới thiệu các giải pháp góp phần hồi sinh và “trẻ hóa” đô thị hiện đại.
Theo KienViet