Kiểm tra công trường tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành 600km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600km.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiều 13-7, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và lãnh đạo TP.HCM cùng một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Phải hoàn thành 600km đường cao tốc
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm: dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.
Đến nay công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Tuy nhiên Bộ Giao thông vận tải cho biết tiến độ các dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do vừa qua thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đến nay cơ bản xong các quy hoạch và đã làm được các tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cố gắng trong nhiệm kỳ này hoàn thành 600km đường cao tốc giai đoạn 1 và chuẩn bị 600km còn lại của giai đoạn 2.
Sở dĩ có được kết quả như vậy ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự nỗ lực của các địa phương là rất lớn trong công tác quy hoạch, xác định các hướng tuyến với tinh thần "thẳng nhất có thể".
Theo Thủ tướng, đây là hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, bây giờ chỉ còn việc là phân kỳ, huy động nguồn lực đầu tư, góp phần thực hiện đột phá về hạ tầng chiến lược, thực hiện 3.000km đường cao tốc tới hết năm 2025 và 5.000km đường cao tốc đến năm 2030.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Đông Nam Bộ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân đã hiến đất, hiến nhà, hiến nơi ăn ở, nơi làm ăn sinh sống, nơi sinh kế của mình để nhường đất, vườn tược, nơi canh tác cho dự án đi qua.
Trong hai ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra thực tế tại các công trường thi công đường cao tốc ở miền Tây và thăm hỏi, động viên các công nhân thi công các dự án này - Ảnh: TRUNG PHẠM
Những khó khăn đã được giải quyết
Thủ tướng nhận định "công việc cho tới giờ này tương đối suôn sẻ. Những khó khăn đã được giải quyết", thể hiện qua tám vấn đề.
Thứ nhất, vấn đề "vốn ở đâu" thì đã huy động cả trung ương và địa phương, cả ngắn hạn và dài hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác đã làm.
Thứ hai là quy hoạch, đã xây dựng được các dự án theo hướng tuyến thuận lợi nhất, phù hợp nhất có thể, tạo ra không gian phát triển kinh tế mới, khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới, nông thôn mới.
Thứ ba là tiến hành một cách có lộ trình, trước hết tập trung 600km đang làm và chuẩn bị cho 600km giai đoạn 2.
Thứ tư là giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 (600km) cơ bản đã xong.
Thứ năm là vừa qua khó khăn về nguyên vật liệu cũng đã tháo gỡ được.
"Lúc đầu khó là do cơ chế, chính sách, luật pháp bó chúng ta. Mỏ nguyên vật liệu thông thường mà xây dựng thủ tục như mỏ vàng, mỏ sắt bó hết cả. Nhưng chúng ta kiên trì đề xuất cơ chế, chính sách với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.
Cho đến giờ này qua làm việc hai ngày, đến hôm nay vẫn còn một số việc phải tháo gỡ tiếp nhưng cơ bản đã tháo gỡ tích cực. Tôi đã bốn lần vào tháo gỡ vấn đề này, hai lần cử phó thủ tướng vào. Tổng cộng sáu lần vào cùng các đồng chí tháo gỡ, mà chủ yếu là cơ chế chính sách", Thủ tướng nói.
Kế đến là những nơi nào có nguyên vật liệu, đã làm tốt rồi thì thúc đẩy tiến độ. Đến giờ này về mặt cơ lý, liên quan đến mặn, chua của cát biển đã xử lý được.
Thứ sáu là các nhà thầu thi công được lựa chọn là nhà thầu có kinh nghiệm, đồng thời hình thành các ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải và thuộc các tỉnh, thành được trung ương giao.
Thủ tướng kiểm tra các dự án đường cao tốc đang triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long trước buổi làm việc - Ảnh: TRUNG PHẠM
"Thứ bảy là chúng ta ngày càng trưởng thành lên, bản thân chúng tôi cũng trưởng thành lên, các bộ ngành trưởng thành lên, các tỉnh cũng trưởng thành lên. Và thứ tám là sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương là rất nhịp nhàng.
Lần đầu tiên làm công trình lớn, toàn diện như thế tại Đồng bằng sông Cửu Long, khó là bình thường nhưng đã tập trung làm, phối hợp nhịp nhàng. Tám việc đã làm như trên tôi cho là rất đáng trân trọng, rất đáng tự hào và thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao", Thủ tướng nhấn mạnh.
3 yêu cầu trong phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho biết trưa nay ông ngồi nghĩ mãi phát triển đất nước như thế nào? Một là phải có cán bộ giỏi, có tâm, có đức, có trí tuệ, có hoài bão, có ước mơ, có trách nhiệm và tất nhiên là có sản phẩm.
Thứ hai quản trị đất nước là phải thông minh, bằng số hóa. Thứ ba phát triển kinh tế - xã hội, môi trường thì phải hài hòa, hợp lý, nhanh, bền vững, xanh, sạch, đẹp.
"Tôi rất mong qua chỉ đạo lần này chúng ta thống nhất tinh thần chung phát triển đất nước, phát triển vùng. Trong nỗ lực đó thì quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương đều có cả.
Chúng ta phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững như ba vấn đề tôi nêu trên", Thủ tướng nhấn mạnh.
CHÍ QUỐC - Theo Tuổi Trẻ