Biến đổi khí hậu đã gây ra hậu quả khó lường trên khắp toàn cầu.
Bangladesh vốn là nước thường xuyên bị mưa lũ lớn, lượng mưa trung bình trong tháng 4 hàng năm là 134 mm, nhưng năm nay chỉ ở mức 1 mm - thấp hơn 130 lần so với trung bình hàng năm.
Trong khi đó, các nước ở vùng Vịnh vốn rất ít mưa và thường xuyên khô hạn, như Arab Saudi vừa bị mưa lớn tấn công, sau khi mưa lớn, lũ quét tấn công nước Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Oman trung tuần tháng 4 vừa qua. Theo các nhà nghiên cứu, đây là hệ quả của biến đổi khí hậu.
Khu vực châu Á đang nóng lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt sóng nhiệt thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn.
Nhiệt độ ngoài trời đo được ở Lào ngày 30/4 vừa qua lên tới 47oC, mức nhiệt cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong khi Campuchia là 44oC, Thái Lan là 43oC và Việt Nam là 42oC.
Dubai vừa trải qua một trận lũ lụt lịch sử hồi cuối tháng 4 vừa qua (Ảnh: Bloomberg)
Ông Petch Manopawitr - nhà khoa học, cố vấn Bộ Tài nguyên biển Thái Lan - cho rằng: "Mô hình biến đổi khí hậu cho thấy chúng ta đang tăng nhiệt độ trung bình hàng năm. Do hiệu ứng El Nino, nhiệt độ sẽ nóng hơn bình thường. Điều này lý giải cho tình trạng nắng nóng bất thường. Đó cũng là lý do khiến nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực Caribe, Đông Nam Á và một số khu vực ở Nam Á, dễ bị tổn thương nhất trong năm nay".
Trong khi đó, từ giữa tháng 4 vừa qua cho đến nay, nhiều nước Vùng Vịnh vốn hiếm khi mưa lại phải hứng chịu nhiều đợt mưa lớn. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1949, làm 4 người thiệt mạng, trong khi mưa lớn ở Oman làm 21 người thiệt mạng.
Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt do tác động của hiện tượng El Nino cũng ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia Đông Phi như Burundi, Kenya, Somalia, Tanzania và Rwanda khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây ảnh hưởng trên diện rộng.
Bích Thảo - Theo VTV