Hầu hết quận, huyện trên địa bàn TPHCM bị tình trạng chồng chéo giữa quy hoạch mới và cũ, dẫn đến nhiều dự án “treo” hàng chục năm chưa được thực hiện. Tình trạng này khiến người dân chịu thiệt thòi.
Quy hoạch hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) còn nhiều bất cập.
Quy hoạch chồng chéo, lạc hậu
Huyện Bình Chánh rộng 25.255ha, bằng 12% diện tích tự nhiên của TPHCM. Huyện có 15 xã và 1 thị trấn, dân số hơn 846.000 người. Theo Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam, bên cạnh những lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, đất đai, giao thông và sông rạch, huyện đang phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học hàng năm trên 30.000 người, trên 150.000 công nhân sinh sống trên địa bàn. Điều này khiến hạ tầng, nhà ở, khu lưu trú chưa đáp ứng kịp thời, dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý nhà, đất. Trong khi đó, đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch xây dựng nông thôn mới chồng chéo nhau. Tỷ lệ sử dụng đất chưa hợp lý, đất nông nghiệp chiếm hơn 58% đất tự nhiên đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Trần Văn Nam cho biết, TPHCM đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Kỳ vọng việc lập đồ án quy hoạch xây dựng huyện Bình Chánh sẽ khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong các đồ án quy hoạch hiện nay, hạn chế những sai phạm về nhà đất và đáp ứng phát triển giai đoạn tới.
Tương tự, quận Bình Tân được thành lập hơn 20 năm, trên cơ sở tách ra từ một phần của huyện Bình Chánh (cũ). Theo quy định, kỳ rà soát điều chỉnh đối với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 là 5 năm/lần. Giai đoạn 2015-2022, quận lập, thẩm định và trình duyệt điều chỉnh đối với 8 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, có 2 đồ án (Tây Bình Trị Đông và ngã ba An Lạc) đã kéo dài thời gian lập nhiệm vụ; 1 đồ án chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Có đồ án bị công ty tư vấn kéo dài thời gian lập, không đảm bảo tiến độ theo quy định. Ngay cả đối với các dự án đã được UBND quận Bình Tân quy hoạch chi tiết 1/2000 trong giai đoạn 2015-2022 thì đến nay vẫn còn 4/8 dự án chưa triển khai thực hiện, (gồm dự án Thịnh Phát, dự án 561 An Dương Vương, dự án Phú Tân, dự án 17,7ha). Theo lãnh đạo quận Bình Tân, việc chậm trễ lập và triển khai quy hoạch là nguyên nhân dẫn đến quận chậm phát triển.
Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM Hoàng Minh Trí cho rằng, hiện TPHCM có 3 quy hoạch không giống nhau, không phục vụ cho nhau, thực tế đang “chỏi” nhau. Đó là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung và quy hoạch kinh tế - xã hội. Đơn cử, đối với khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất chỉ cho biết diện tích, chi tiết cũng chỉ đến mét vuông sàn chứ không thể xác định trong một khu dân cư có bao nhiêu khu vực phục vụ công cộng, từ đó không thể dự toán được.
Tăng cường giám sát
TPHCM đang ráo riết thực hiện 2 quy hoạch là quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch chung. Theo TS Võ Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, nếu muốn làm quy hoạch chung thì phải làm nghiên cứu kinh tế - xã hội trước, còn trong quy hoạch kinh tế - xã hội lại phải có định hướng không gian. Vì vậy, 2 quy hoạch này trùng nhau. TS Võ Kim Cương nêu ý kiến, thành phố trực thuộc trung ương thì chỉ cần một quy hoạch chung là đủ. Giảm bớt một quy hoạch, tức giảm kinh phí cho nhà nước cũng như giảm thời gian triển khai.
Quy hoạch hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Bình Chánh còn nhiều bất cập
Để khắc phục những bất cập về quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, TPHCM đang có nguồn thông tin lớn nhưng không đồng bộ, quản lý nhiều cấp và sử dụng chưa hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch chung, quản lý và định hướng quy hoạch. TPHCM sẽ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở các cấp độ quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp tỉnh, để sau khi các loại quy hoạch được lập và phê duyệt thì có thể tích hợp thành dữ liệu chung (big data) ở cấp độ quốc gia, cấp vùng, nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch. Cùng với đó, kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, các quy chuẩn quy hoạch mới, có quy định đặc thù cho TPHCM.
“Để thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, TPHCM sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị để kịp thời đề xuất xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn. Song song đó, tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đối với việc triển khai các chính sách của quy hoạch đô thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch đô thị…”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường thông tin.
Về đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, đến nay UBND TPHCM đã phê duyệt gần phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 với khoảng 600 đồ án, tổng diện tích khoảng 88.262,81ha. Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Trương Trung Kiên cho biết, về công tác tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị lập quy hoạch triển khai theo hướng đổi mới, đặc biệt lưu ý đến công tác tích hợp các yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết vùng, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nhà đầu tư…
QUỐC HÙNG - Theo Sài Gòn Giải Phóng