Ngày 20-4, hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla công bố giảm sâu giá một loạt sản phẩm tại hai thị trường chủ lực Mỹ và Trung Quốc. Động thái này nhằm đưa công ty vượt khỏi giai đoạn khó khăn đầu năm 2024.
Nguồn: Car News China, Wall Street Journal - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: N.KH.
Không chỉ Tesla, thị trường xe điện toàn cầu cũng cho thấy dấu hiệu chững lại rõ rệt và làm ăn bết bát. Thị trường nguội lạnh khiến doanh số quý 1-2024 của cả hai ông lớn Tesla và BYD giảm rất sâu.
Xe điện hụt hơi
Theo Hãng tin Bloomberg, Tesla quyết định giảm giá dòng Model 3 tại Trung Quốc từ 245.900 NDT (34.630 USD) xuống chỉ còn 231.900 NDT (32.000 USD). Dòng Model Y cao cấp hơn cũng hạ giá từ 263.900 NDT (37.165 USD) xuống còn 249.900 NDT (34.500 USD).
Giá phiên bản rẻ nhất của dòng Model Y tại Mỹ cũng được điều chỉnh về mức 42.990 USD - mốc rẻ nhất trong lịch sử dòng xe điện thể thao đa dạng này. Hai phiên bản cao hơn của Model Y cũng được giảm giá 2.000 USD, trong khi giá dòng Model X cũng về mức thấp chưa từng thấy.
Loạt giảm giá trên kết thúc một tuần đầy dông bão của hãng xe điện lớn nhất thế giới. Hôm 15-4, ông chủ hãng xe Elon Musk tuyên bố cắt giảm 10% nhân sự tập đoàn trên toàn thế giới. Tỉ phú gốc Nam Phi khẳng định động thái này nhằm "tinh giản bộ máy, thúc đẩy sự đổi mới và đưa công ty vào chu kỳ phát triển tiếp theo".
Đến ngày 19-4, Tesla phải ra thông báo thu hồi gần 3.900 xe bán tải Cybertruck vì một lỗi an toàn nghiêm trọng trên chân ga dòng xe này. Toàn bộ số xe sản xuất từ tháng 11-2023, thời điểm mẫu xe này sắp mở bán chính thức, đến tháng 4-2024 đều nằm trong danh sách bị thu hồi.
Bên cạnh đó, doanh số của Tesla trong quý 1-2024 rất bết bát khi hãng này chỉ bán được 386.810 xe - thấp hơn nhiều so với những dự đoán bi quan nhất của thị trường và cũng là lần đầu tiên doanh số của Tesla giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ đầu dịch COVID-19. Cũng trong thời gian này, giá trị cổ phiếu của Tesla đã giảm đến hơn 40%.
Thực tế, những khó khăn Tesla đang đối đầu là câu chuyện chung của toàn bộ nền xe điện thế giới. BYD - đối thủ lớn nhất của Tesla trên thị trường xe điện - ghi nhận doanh thu giảm đến 42% trong quý 1-2024, từ hơn 526.000 xe trong ba tháng cuối năm 2023 xuống còn chỉ khoảng 300.000 xe. Điều này khiến hãng xe Trung Quốc chính thức mất ngôi vị hãng xe điện lớn nhất thế giới về tay Tesla.
Giống như Tesla, BYD cũng phải liên tục giảm sâu giá các sản phẩm của mình từ đầu năm nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh. Giương cao khẩu hiệu "điện rẻ hơn dầu", BYD đang chật vật đương đầu với cuộc chiến giảm giá thành với các đối thủ trong nước.
Một mẫu xe Tesla được trưng bày tại một hội nghị ở Detroit, bang Michigan (Mỹ) ngày 18-4 - Ảnh: REUTERS
Xe hybrid nổi lên
Sự nguội dần của thị trường xe điện thế giới xuất phát từ nhiều yếu tố, nổi bật trong đó là lo ngại của người tiêu dùng về khả năng tài chính cá nhân. Nhìn chung, sự tự tin của người dân vào tình hình kinh tế thế giới vẫn đang ở mức tương đối bi quan.
Giữa bối cảnh này, thị trường Mỹ nổi lên một loại xe "tuy cũ mà mới": xe lai (xe hybrid). Đây là loại xe sở hữu hai bộ truyền động: động cơ xăng và động cơ điện. Tùy vào mỗi dòng xe mà cách phối hợp hoạt động của hai loại động cơ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, loại xe này hầu như luôn mang đến lựa chọn cân bằng: thân thiện môi trường hơn xe xăng và rẻ hơn xe điện.
Thực tế, xe hybrid đã có mặt ở thị trường Mỹ hơn 20 năm với đại diện tiêu biểu là dòng Toyota Prius. Trong suốt hai thập niên, thị phần cho dòng xe này dù tăng chậm rãi nhưng vẫn ở mức không đáng kể. Thậm chí những năm gần đây, xe hybrid còn bị "bỏ xó" trước sự xuất hiện của "cơn bão" xe điện.
Tuy nhiên, một số hãng vẫn kiên trì trong việc hoàn thiện công nghệ cho dòng xe này. 5 năm qua, số mẫu xe hybrid được bày bán ở Mỹ tăng 40%, đạt mốc khoảng 70 mẫu xe vào năm 2024. Mẫu mã của xe hybrid cũng đa dạng hơn, phủ rộng mọi hình thức thân xe như SUV, bán tải, xe jeep, thậm chí xe thể thao. Nhiều hãng, điển hình như Toyota, còn đầu tư đến mức cho ra song song phiên bản chạy xăng và hybrid cho hầu hết các dòng xe của mình.
Lãnh đạo mảng xe xăng và xe hybrid của Hãng Ford Andrew Flick nhận định: "Xe hybrid giờ đây có rất ít điểm yếu so với phiên bản chạy xăng của cùng dòng xe. Ví dụ điển hình là mẫu bán tải hybrid F-150 có động cơ còn mạnh mẽ hơn hầu hết phiên bản chạy xăng cùng dòng".
Nhờ đó, sự tin tưởng của người tiêu dùng với xe hybrid ngày một tăng. Trái với sự hụt hơi của xe điện, doanh số xe hybrid ở Mỹ trong hai tháng đầu năm 2024 tăng đến 50%, theo Wall Street Journal. Trung bình thời gian lưu kho của mỗi chiếc hybrid là 25 ngày, bằng một phần ba thời gian trung bình của xe điện và một nửa so với xe xăng.
Sức hút mới buộc các hãng xe lớn từng ngó lơ loại xe này bắt đầu ra mắt các sản phẩm hybrid tại thị trường Mỹ, trong đó có General Motors, Nissan, Volkswagen... Riêng hãng Ford đã tuyên bố sẽ tăng gấp bốn lần doanh số xe hybrid trong bốn năm tới và thừa nhận đang chật vật đáp ứng nhu cầu thị trường cho dòng bán tải hybrid nhỏ gọn Maverick.
Không chỉ xe xăng, xe điện giờ đây còn phải đối đầu với xe hybrid. Nếu không có chính sách phù hợp, nhiều khả năng các hãng xe điện sẽ phải chấp nhận tiếp tục mất đáng kể thị phần. Khi đó, doanh nghiệp thuần sản xuất xe điện như Tesla sẽ là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Dòng xe hybrid cắm sạc
Sự xuất hiện của dòng xe hybrid cắm sạc (plug-in hybrid - PHEV) góp phần tăng đáng kể sự quan tâm với loại xe này. Khác với xe hybrid truyền thống với động cơ điện lấy năng lượng từ động cơ xăng, pin của PHEV được sạc trực tiếp từ các trụ sạc bên ngoài giống xe điện.
Điều này khiến mỗi chiếc PHEV có thể chạy khoảng 30 - 65km hoàn toàn dựa vào động cơ điện và không tốn giọt xăng nào trong mỗi lần sạc. Khoảng cách này là đủ cho hầu hết nhu cầu di chuyển nội thành cơ bản.
NGỌC ĐỨC - Tuổi Trẻ