Chính sự tàn phá môi trường, những bất bình đẳng xã hội, và khủng hoảng kinh tế tài chính kéo dài như kiểu năm 2008 gây ra ở Mỹ hay ở Nhật Bản từ năm 1990 đến nay, và cả chiến tranh, đã làm dấy lên sự ngờ vực ngày càng lan rộng đối với sự khôn ngoan của chủ nghĩa tư bản hay bất cứ chủ nghĩa nào cổ vũ cho tăng trưởng theo cách hiểu thông thường…
Những câu hỏi về tăng trưởng kinh tế
Hai mươi năm trước, các nhà kinh tế, như Herman Daly, chủ xướng “một nền kinh tế trong trạng thái cân bằng ổn định” (steady-state economy), vì ông cho rằng rất nhiều người đánh đồng “tăng trưởng” với “trưởng thành” “tốt đẹp”, và vì thế tăng trưởng dù cao thế nào cũng không bao giờ có thể coi là đủ.
Cân bằng trong ổn định có thể hiểu là giữ mức sống của con người nói chung ở cùng mặt bằng chứ không cần mỗi ngày phải chạy theo tốc độ tăng trưởng, nhưng đồng thời tăng giá trị mức sống của từng người dân trên thế giới.
Lý thuyết kinh tế nói rằng tăng trưởng phải ở điểm tối ưu, ở đó cái đạt được cao hơn cái mất mát. Nhưng cho đến nay, không ai có thể biết tính nó như thế nào, GNP – tổng sản phẩm quốc nội theo giá thị trường, GNP – PPP (theo sức mua tương đương) đều vô nghĩa trong việc đánh giá điểm tối ưu. Nếu có ba yếu tố sản xuất thì tư bản và lao động sẽ thực hiện những gì có lợi nhất cho họ, nhưng yếu tố thiên nhiên thì không có ai thực sự làm chủ. Chính quyền à?
Tăng năng suất đã từng giải quyết mối lo thiếu thực phẩm để đáp ứng với tình trạng gia tăng dân số và do đó nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng hết tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo không phải là mối lo. Nhưng năng suất có thể nào tăng mãi mà không cần đến tài nguyên vì dù rằng sản xuất trên một đơn vị tài nguyên đạt mức tối đa không thể vượt qua thì tiến bộ khoa học, vẫn có thể cho phép thay tài nguyên này bằng tài nguyên khác, hay tạo ra tài nguyên thay thế như nhà kinh tế nổi tiếng Robert Solow tranh luận?
Thực tế thứ nhất là ai cũng có thể thấy tình trạng suy giảm môi trường sinh thái và sự cạn kiệt dần tài nguyên thiên nhiên hạn chế trên Trái đất mà chưa có sự tiến bộ kỹ thuật nào thay thế.
Thực tế thứ hai là ngay cả khi máy móc và lao động đều tăng năng suất và nền kinh tế cũng vì thế mà tăng, sự thịnh vượng này chỉ nâng cao thời vận của những người giàu nhất thay vì nâng cao con thuyền chở mọi người. Như ta thấy ở Mỹ năm 1989, 1% dân giàu chỉ sở hữu 3% tổng tài sản trong nền kinh tế Mỹ, nhưng năm 2023, tỷ lệ sở hữu của họ tăng lên 24,6%, còn với 10% dân giàu, họ đã tăng sở hữu từ dưới 10% lên 54% vào năm 2023.
Chính sự tàn phá môi trường, những bất bình đẳng xã hội, và khủng hoảng kinh tế tài chính kéo dài như kiểu năm 2008 gây ra ở Mỹ hay ở Nhật Bản từ năm 1990 đến nay, và cả chiến tranh, đã làm dấy lên sự ngờ vực ngày càng lan rộng đối với sự khôn ngoan của chủ nghĩa tư bản hay bất cứ chủ nghĩa nào cổ vũ cho tăng trưởng theo cách hiểu thông thường. Có lẽ sự tăng trưởng kinh tế không ngừng còn độc hại hơn cả thuốc chữa bách bệnh. Có người đã hỏi là tại sao không thể mặc áo ấm mùa đông trong nhà như cựu Tổng thống Carter?
Phong trào “hậu tăng trưởng” và “giảm tốc độ”
Do đó, ngày nay nổi lên một phong trào “hậu tăng trưởng” và “giảm tốc độ” trên các tạp chí, trên podcast, và tại nhiều hội nghị. Có thể thấy qua một số cuốn sách được xuất bản trong vài năm gần đây như “Hậu tăng trưởng: Cuộc sống sau chủ nghĩa tư bản” của Tim Jackson; “Cuộc sống sau thời tăng trưởng” của Kate Soper; “Bảo vệ sự giảm tăng” (In defense of Degrowth) của Giorgos Kallis; “Khám phá sự giảm tăng” của Vincent Liegey và Anitra Nelson; “Ít có nghĩa là nhiều: Sự suy thoái sẽ cứu thế giới” của Jason Hickel.
“Giảm tăng” là thuật ngữ đang phổ biến rộng vì sách vở viết về giảm tăng đang gia tăng.
Năm 1972, nhà lý thuyết người Pháp André Gorz trong quyển sách “Giới hạn của tăng trưởng” (Limit to Growth) đưa ra từ “giảm tăng/giảm tốc độ tăng” và đặt câu hỏi là liệu “không tăng trưởng – hay thậm chí giảm” trong sản xuất vật chất có cần thiết cho “sự cân bằng của Trái đất” hay không? Tất nhiên chủ trương này đi ngược lại “sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa”. Cùng năm đó, một nhóm nhà khoa học đã ra báo cáo cảnh báo rằng sự gia tăng dân số và hoạt động kinh tế cuối cùng sẽ vượt xa khả năng chịu tải của hành tinh. “Những giới hạn của tăng trưởng” ban đầu vấp phải sự hoài nghi và thậm chí bị chế giễu.
Hiện nay có hiện tượng giới trẻ ở Trung Quốc cổ vũ cho khẩu hiệu, nằm dài giang tay duỗi chân thư giãn (躺平 thảng bình), từ chối áp lực xã hội làm việc quá sức để chạy theo đồng tiền. Thanh niên ở nhiều nước phương Tây có thể cũng có thái độ nằm dài tương tự, không con, để tiền đi du lịch, vui chơi thay vì ki cóp để dành tiền mua nhà. Nhưng có lẽ không phải là sự chuyển hướng tư tưởng, là chánh niệm, tìm về hạnh phúc tĩnh lặng của tâm hồn như các nhà thiền học. Liệu có thể đó là chính sách mang tính quốc gia?
Mới đây, năm 2020, quyển sách “Chậm lại: Tuyên ngôn về giảm tăng” (Slow Down: The Degrowth Manifesto) của nhà Mác xít Nhật Bản Kohei Saito, đã trở thành hiện tượng ở Nhật Bản, sách bán chạy hơn nửa triệu cuốn. Brian Bergstrom đã dịch ra tiếng Anh.
Theo cách nhìn phi chính thống của Saito, có hai Marx, nhưng chỉ một trong hai Marx có thể đúng thôi. Marx đầu tiên và được biết đến nhiều hơn – trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và “Tư bản: Tập I” – tập trung vào tăng trưởng. Marx tin rằng chủ nghĩa tư bản, bất chấp xu hướng bóc lột của nó, sẽ “mang lại những đổi mới thông qua cạnh tranh nhằm nâng cao năng suất”, Saito giải thích. Marx đầu tiên đã truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa xã hội cam kết phát triển công nghiệp, dựa trên logic rằng “sự gia tăng năng suất sẽ tạo điều kiện cho mọi người trong xã hội tương lai được hưởng một lối sống tự do, giàu có”.
Tuy vậy trong những năm cuối đời của Marx, theo Saito, có điều gì đó đã thay đổi. Giữa “Tư bản: Tập I” cho đến khi qua đời, Marx “đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về khoa học tự nhiên”. Năm 1868 là một bước ngoặt. Marx trở nên say mê nghiên cứu về bản chất và các hình thức tổ chức cộng đồng.
Ông ấy đọc Justus von Liebig, người đã mô tả việc canh tác một vụ, làm đất nhanh chóng là một “hệ thống cướp bóc” – cướp (sự màu mỡ của) đất. Marx đã tìm hiểu về các công xã nông nghiệp ở Nga và tin rằng chúng có thể phát triển thành chủ nghĩa xã hội mà không cần thông qua chủ nghĩa tư bản. Ông cũng đọc về “các nền kinh tế ổn định, có tính chu kỳ” của các dân tộc bản địa ở châu Mỹ, Ấn Độ và Algeria, và dường như đã thoát khỏi chủ nghĩa trọng Âu, lấy châu Âu làm trung tâm.
Saito viết: “Marx cuối cùng khẳng định rằng chính trạng thái ổn định của nền kinh tế công xã đã cho phép nó không chỉ chống lại sự thống trị của thực dân mà còn nắm giữ trong đó khả năng lật đổ quyền lực của chủ nghĩa tư bản và đạt được chủ nghĩa cộng sản”. “Rõ ràng có một sự thay đổi lớn ở đây”. Marx thứ hai này thừa nhận những giới hạn của chủ nghĩa tư bản và sự hữu hạn của tự nhiên.
Saito cho rằng thật là ngu khi tin rằng các nước tiên tiến phương Tây ở miền Bắc bán cầu đã và có thể giải quyết được vấn đề môi trường bằng những tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Saito cho rằng những gì (các nước phát triển) Bắc bán cầu thực sự đã làm là đẩy “các sản phẩm phụ mang tính tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế như khai thác tài nguyên, xử lý chất thải và những thứ tương tự sang miền Nam bán cầu”.
Saito cho rằng không thể ngăn chặn hiện tượng Trái đất nóng lên gây chết người nếu không có sự thay đổi căn bản hơn. Ông viết: “Ngay cả khi mọi quốc gia đều tuân thủ (Thỏa thuận Paris), nhiệt độ toàn cầu vẫn có thể “dẫn đến thiệt hại thảm khốc, đặc biệt là ở miền Nam bán cầu”. Lối thoát duy nhất là từ bỏ hoàn toàn mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Giải pháp thay thế tư bản của Saito tập trung vào việc sắp xếp lại lao động. Ít mở rộng hơn có nghĩa là công việc ít tập trung hơn. Rút ngắn thời gian làm việc và thử làm những công việc khác – chẳng hạn như chăm sóc người già và trẻ em – để phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Cuộc sống của nhiều người Nhật Bản và những người khác ở Bắc bán cầu – quá bận rộn, quá dư thừa về vật chất và không thể đảm bảo được về mặt sinh thái. Saito lập luận rằng tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn bằng cách cắt giảm công việc và tiêu dùng, đồng thời dành nhiều thời gian hơn cho việc giải trí, gia đình và ngủ.
Làm việc ít hơn. Trong quá trình đó, làm quen với hàng xóm của bạn và tập thể dục. Nhân những hành động này lên theo khu phố và thành phố, sau đó xếp chúng theo cấp độ ngành và tiểu bang. Đánh thuế người giàu. Cung cấp thu nhập cơ bản cho tất cả mọi người.
Saito bị phê phán về việc áp dụng thái độ này với các nước còn đang nghèo và ông ta đồng ý rằng các nước tiên tiến cần dừng lại tăng trưởng, nhưng các nước nghèo có thể tiếp tục. Nhưng điều này không hợp lý vì các nước nghèo đang phát triển, không bị thống trị bởi tư bản mang tính thực dân nước ngoài, cũng có thể phá hoại môi trường, vì chạy theo đồng tiền không khác gì các nước phát triển.
Nhà kinh tế Ying Chen đã bàn về việc tìm kiếm phương sách hợp lý với các nước ở Nam bán cầu, để đề phòng cái mà Luiz Inácio Lula da Silva lên án là “chủ nghĩa thực dân xanh”. Giảm tăng như nhà nhân chủng học Jackson Hickel quan niệm không phải làm cho “nền kinh tế nhỏ đi” mà đó là một nền kinh tế có năng lực cao giảm bớt các hoạt động sản xuất ít cần thiết hơn, và chuyển năng lực dự phòng sang hướng phục vụ cho các mục đích cần thiết như xanh hóa địa cầu.
Tất nhiên, hiện nay quan điểm chủ đạo vẫn là những gì được nhà kinh tế Daniel Susskind viết trong quyển sách “Tăng tưởng: Lịch sử và xem xét lại” (Growth: A History and a Reckoning) xuất bản năm 2024 cho rằng phát triển là những gì rất mới, chỉ xảy ra từ cách mạng công nghiệp và chính ông ta phê phán lại quan điểm giảm tăng. Ông ta viết rằng câu nói cửa miệng của các nhà chính trị là “tăng, tăng và tăng”, vì tăng trưởng đã đưa hàng triệu người ra khỏi nghèo đói, bệnh tật…, và đã phải trả giá cao về bất bình đẳng, phá hoại môi trường và thay đổi khí hậu, nhưng với biện pháp và chính sách đúng đắn thì Nhà nước có thể khuyến khích, tưởng thưởng việc mở rộng tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và hướng chi tiêu đó vào hướng đổi mới nhằm bảo vệ môi trường và tạo việc làm, thay vì chỉ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tạo ra độc quyền.
Nhìn từ câu chuyện Nhật Bản…
Mới đây, trong chuyến đi chơi ở Nhật Bản 10 ngày, điều lý thú tôi có thể nhận thấy là hiện nay Nhật Bản có đời sống rất rẻ so với các nước phát triển cao khác (vì tỷ giá giảm), nhưng cực kỳ sạch sẽ (vì khó tìm thấy rác trên đường, trên xe buýt hay tàu lửa công cộng), và con người rất dễ thương, sẵn sàng giúp đỡ du khách. Lúc tham dự một ngày lễ có rất nhiều người trên đường phố, tôi cũng không thấy rác, kể cả thùng rác; nghe nói mỗi người phải làm chủ rác trong túi mình.
Nhìn về mặt kinh tế, thì hơn 20 năm nay, kể từ cuộc khủng hoảng năm 1995 đến nay, tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Nhật Bản chỉ khoảng 0,7%, tức là giậm chân tại chỗ. Nếu mà tính chiều hướng, kinh tế Nhật Bản có thể đã đi vào hướng âm. Hiện nay, GDP đầu người tính theo giá thị trường ở Nhật Bản khoảng 33.000 đô la Mỹ một năm, đứng hàng 34 thế giới. Dù vẫn là nước giàu có, tương đương với các nước EU, nhưng đã thấp hơn Hàn Quốc.
Vậy người Nhật Bản có thấy mình hạnh phúc không? Nếu họ chấp nhận không tăng trưởng để tập trung vào lo cho hạnh phúc của người dân, có lẽ họ sẽ hạnh phúc? Và có lẽ quan trọng hơn nữa, chính người dân dù đủ ăn đủ ở, tâm tư có bình thản để tìm thấy hạnh phúc ở chính những gì họ có không?
Thực tế là hiện nay (năm 2024) chỉ có khoảng 57% người Nhật Bản được phỏng vấn trong Global Happiness 2024 cho là mình hạnh phúc, thuộc tỷ lệ thấp nhất trong các nước có thu nhập cao. Và chỉ số hạnh phúc ngày càng giảm này, đã tụt dốc từ cao điểm 70% vào năm 2011, dù người Nhật làm việc ít giờ hơn trước nhiều, giảm 25% so với những năm 60 và hiện nay tương đương với Mỹ. Người Hàn Quốc cũng thế, đứng gần chung hạng thấp nhất với người Nhật Bản. Phải chăng vì người Nhật, người Hàn vẫn phải làm việc quá sức mình? Hay vì tâm lý đã quá quen với khẩu hiệu tăng trưởng bắt kịp hay vượt thế giới để đấm ngực thay vì hạnh phúc của con người (xóa đói giảm nghèo thật ra cũng vì hạnh phúc của con người).
Phải chăng con người nói chung, đã quá quen với với nền giáo dục và văn minh ca ngợi tăng trưởng? Và như thế, của cải vật chất ngày càng nhiều, càng tiện nghi, càng “sành điệu” thì càng thúc đẩy ham muốn của từng cá nhân và toàn xã hội tăng sở hữu, và chỉ thấy hạnh phúc, dù chỉ trong chốc lát, khi được sử dụng. Vòng luẩn quẩn này sẽ không có điểm dừng khi vẫn còn tài nguyên trên Trái đất này, bất kể hậu quả (kể cả gây chiến tranh để bán vũ khí tối tân), vì luôn luôn người hưởng lợi cuối cùng chỉ là người giàu.
Hiện nay có hiện tượng giới trẻ ở Trung Quốc cổ vũ cho khẩu hiệu, nằm dài giang tay duỗi chân thư giãn (躺平 thảng bình), từ chối áp lực xã hội làm việc quá sức để chạy theo đồng tiền. Thanh niên ở nhiều nước phương Tây có thể cũng có thái độ nằm dài tương tự, không con, để tiền đi du lịch, vui chơi thay vì ki cóp để dành tiền mua nhà như thế hệ bố mẹ trước đây. Mà thái độ này cũng có thể vì giá nhà cao và lãi suất đi vay cũng cao nên tâm lý hy sinh bóp bụng ky cóp trở nên bất hợp lý. Nhưng có lẽ đây không phải là sự chuyển hướng tư tưởng, là chánh niệm, tìm về hạnh phúc tĩnh lặng của tâm hồn như các nhà thiền học. Liệu có thể đó là chính sách mang tính quốc gia?
Vũ Quang Việt (ghi chép từ các bài điểm sách) - Theo TheSaigonTimes