Mặt bằng lãi suất huy động chỉ đang tăng nhẹ, nhưng ẩn chứa đằng sau có thể là chuyển biến lớn của thị trường. Các chuyên gia kỳ vọng lãi suất sẽ ổn định vào dịp cuối năm dù hệ thống đối diện với sức ép thanh khoản, chi phí vốn của nhà băng và cả sức ép tìm nguồn đầu ra cho tín dụng.
Áp lực thanh khoản, sức ép chi phí
Thị trường tài chính gần đây có thêm tín hiệu mới, khi có thêm nhiều ngân hàng cập nhật biểu lãi suất huy động, nhìn chung tăng từ 0,1-0,7%/năm tùy từng kỳ hạn, trong đó kỳ hạn trên 6 tháng tăng nhẹ khoảng 0,2%/năm. Lãi suất gửi tiền trực tuyến, cũng như có nhiều khuyến mãi được cộng thêm trong dịp cuối năm.
Như vậy, trong tháng 11, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh nhiều hơn so với tháng trước, vốn chững lại khi chỉ có vài ngân hàng tăng nhẹ từ 0,1-0,2%. Một diễn biến khác là sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất huy động của nhóm nhà băng theo quy mô. Đặc biệt lãi suất huy động của nhóm ngân hàng big 4 vẫn giữ ở mức mặt bằng thấp hơn đáng kể so với phần còn lại của thị trường.
Hầu hết các chuyên gia lý giải về việc lãi suất huy động tăng gắn liền với câu chuyện sức ép thanh khoản vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tín dụng tăng lên cao theo yếu tố mùa vụ. Mặt khác, thanh khoản hệ thống cũng chịu ảnh hưởng khi tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với tín dụng kể từ đầu năm đến nay, cũng như áp lực từ nợ xấu.
Không chỉ ở trên thị trường huy động tiền gửi từ dân cư, thị trường liên ngân hàng cũng có diễn biến mới, khi mặt bằng lãi suất được đẩy lên nhanh trong thời gian qua, dưới sức ép đáng kể từ câu chuyện tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, từ giữa tháng 10, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng 3,5%/năm lên mức trung bình 6%/năm dưới áp lực tỷ giá và thanh khoản thị trường thắt chặt hơn, theo báo cáo cập nhật của đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings. Trong quí 3 vừa qua tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của toàn ngành duy trì ổn định, nhưng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn ngành vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy sức ép ngắn hạn đối với thanh khoản các nhà băng nói chung.
Thêm nữa, áp lực dường như chủ yếu nằm ở các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, khi chi phí vốn tăng lên để duy trì tiền gửi và tăng cường vay liên ngân hàng ngắn hạn. “Lãi suất liên ngân hàng nếu tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới sẽ làm tăng rủi ro thanh khoản đối với các ngân hàng nhỏ và vừa”, báo cáo của VIS Ratings đánh giá.
Một lo ngại khác đằng sau câu chuyện lãi suất huy động tăng là mặt bằng lãi suất cho vay vào dịp cuối năm. Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trong bối cảnh áp lực nâng mặt bằng lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ nhích tăng dần theo. “Lãi suất cho vay tăng là mối quan ngại cuối năm đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng đang có nhu cầu vay vốn gia tăng, phản ánh sự phục hồi kinh tế dù chưa được toàn bộ”, ông Bình đánh giá.
Kỳ vọng sự ổn định
Dù còn nhiều sức ép nhưng thị trường hiện vẫn có những điểm tích cực, từ đó dẫn tới kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định vào dịp cuối năm, trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao.
Kỳ vọng này đến từ việc nhịp điều chỉnh lãi suất huy động lần này ở các ngân hàng hiện vẫn chưa cao, cho dù mặt bằng lãi suất vẫn duy trì xu hướng tăng.
Từ góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank, đánh giá các ngân hàng hiện không thiếu vốn. Dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, song mặt bằng chung vẫn đang nằm ở mức rất thấp nên thanh khoản ngân hàng vẫn ổn định.
“Hiện ngành ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản. Mức độ thanh khoản hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay và khoảng 14 - 15% trong năm 2025”, ông Nam nói trong một diễn đàn hồi giữa tháng 11 mới đây.
Bên cạnh đó, theo đại diện HDBank, ngoài nguồn vốn nội địa, các nhà băng còn có thể tiếp cận nguồn vốn quốc tế nhiều hơn khi mặt bằng lãi suất vay đồng đô la Mỹ giảm khi Fed giảm lãi suất. Từ đó giúp các ngân hàng có thêm chi phí vốn thấp hơn.
Tương tự, ở thị trường cho vay, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường kinh doanh UEH, đánh giá một số ngân hàng thương mại có thể sẽ chủ động tăng lãi suất cho vay ở một số phân khúc khách hàng để đảm bảo thanh khoản vào cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao vì nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu.
Hiện nay, kịch bản của lãi suất còn phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tỷ giá, với điểm thuận lợi là lạm phát trong nước được đánh giá là đã nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát là sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Điều này còn chờ đợi chính quyền mới của ông Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau.
Hiện tại, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) đang chững lại sau khi vượt 107 điểm và về vùng điểm thiết lập hồi tháng cuối tháng 9. Áp lực tỷ giá vì thế hiện cũng đang chững lại, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng giao dịch ở mức trần biên độ cho phép, trong khi tỷ giá thị trường tự do đi ngang trong biên độ hẹp.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước hiện phát những tín hiệu sẽ kiểm soát thanh khoản hệ thống ở mức hợp lý để duy trì sự cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, kết hợp với việc sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp nếu cần thiết. Cùng với nguồn cung từ kiều hối, tỷ giá được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cân bằng như thời điểm hiện tại và có thể giảm nhẹ trong trường hợp chỉ số DXY hạ nhiệt.
Trong cuộc họp tháng 12 tới, dự định của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, từ đó hỗ trợ cho tỷ giá. Vì vậy, đa phần các kịch bản gần đây đặt ra kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, dù có nhích tăng nhẹ.
Theo ông Bình, nhu cầu vay vốn có thể kéo dài từ nay đến cuối năm, nhưng sang năm khi bắt đầu chu kỳ mới thì kỳ vọng sự ổn định trở lại. “Chúng ta hi vọng lãi suất, kể cả lãi suất huy động chững lại. Tuy nhiên, chỉ có thể kỳ vọng ổn định thôi vì không có gì là chắc chắn vì diễn biến thị trường hiện nay đang thay đổi rất nhanh”, ông Bình nói.
Dũng Nguyễn - Theo TheSaigonTimes