Trong khi tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm tại một số đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng bắt đầu tái diễn. Với 95% nguồn nước thô đang khai thác trực tiếp từ 2 dòng sông này, việc đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân TP.HCM đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Tái diễn ô nhiễm nguồn nước
Gần 1 tháng qua được coi là khoảng thời gian kinh hoàng đối với những hộ dân sống tại khu vực cuối kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Hoàng Sa, Trường Sa, đoạn qua các phường 3 và 5 (Q.Tân Bình). Giữa cái nắng nóng khắc nghiệt nhất của mùa khô, hàng chục tấn rác thải nổi lềnh bềnh kín cả gần 100 m trên dòng kênh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Phía khu vực cửa xả cống hộp gần đường Út Tịch, rác thải xen lẫn lục bình theo thủy triều dồn về ứ đọng, lấp kín miệng cửa xả.
Thực tế, tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn không phải điều gì quá kinh ngạc với người dân thành phố. Ngay khu vực trung tâm, rạch Bến Nghé (thuộc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, một trong những dòng kênh lớn nhất của TP.HCM) đoạn chảy qua Q.1, Q.4 cũng thường xuyên trong tình trạng nước đen kịt, nổi lềnh bềnh bèo quện vào rác, xộc lên mùi hôi bất kể mùa khô hay mùa mưa. Càng ra ngoài vùng ven, tình trạng ô nhiễm nước càng trầm trọng. Như rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng phía Q.Tân Bình ngập ngụa rác từ thùng xốp, bọc ni lông đến xác động vật, thủy tinh vỡ… nằm tầng tầng lớp lớp trên mặt kênh, dày đến nỗi có thể đứng và đi lại dễ dàng.
Rác ngập trên dòng kênh đẹp nhất TP.HCM xuất hiện cùng thời điểm kênh Rạch Mọi chảy ra sông Đồng Nai được phản ánh nước đen ngòm, nhiều bọt và có mùi hôi nồng, khiến người dân TP không khỏi lo lắng. Bởi sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là nguồn cung cấp tới 95% lượng nước thô khai thác phục vụ sinh hoạt cho toàn bộ thành phố.
Nhiều tuyến kênh rạch ngập rác càng làm dấy lên lo ngại về chất lượng nước của các con sông trên địa bàn TP.HCM - Hà Mai
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT TP.HCM xác nhận chất lượng nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm. Bởi hệ thống cấp nước của thành phố được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn (tại xã Hòa Phú, H.Củ Chi - chiếm khoảng 25% tổng công suất - và tại kênh N47 thuộc nhánh nhỏ của kênh Đông lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng - chiếm khoảng 8,5% tổng công suất) và sông Đồng Nai tại chân cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 60,5% tổng công suất).
Hai dòng sông này đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và được điều tiết bởi 2 hồ chứa phía thượng nguồn. Đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía nam. Ước tính, phía thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có tới gần 50 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông nên nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.
Suốt ngày đêm khẩn trương dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Thực tế hiện nay, nguồn nước từ hệ thống sông Đồng Nai đang có dấu hiệu ô nhiễm nếu so với quy chuẩn của Bộ TN-MT. Cụ thể, hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng khoảng hơn 10 lần ở cả sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; hàm lượng ammoniac đặc biệt tại sông Sài Gòn vượt ngưỡng 3 - 5 lần; ô nhiễm hữu cơ theo chỉ tiêu DO không đạt quy chuẩn 2 - 3 lần…
Chưa kể, giải pháp khai thác nước thô hiện nay đang gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp nhưng khi đến với người sử dụng qua hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, một số chỉ tiêu chất lượng nước lại chưa đảm bảo như hàm lượng chất khử trùng chlorine...
Nước ngầm giảm, lo nước sông nhiễm mặn
Để ứng phó tình trạng nước mặt bị ô nhiễm, thời gian qua TP.HCM đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất. Việc này nhằm giảm khai thác nước ngầm cũng như sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến cuối năm 2023, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố giảm còn 251.089 m3/ngày đêm.
Theo lộ trình sẽ tiếp tục giảm khai thác nước ngầm, đến giai đoạn 2024 - 2025 giảm còn 100.000 m3/ngày đêm. Đây là chủ trương đúng đắn và đang được triển khai hiệu quả nhằm làm chậm lại quá trình sụt lún mặt đất ở TP.HCM. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy nguồn tài nguyên nước phục vụ cho các vấn đề kinh tế-xã hội của TP.HCM ngày càng bị hạn chế.
Trong khi đó, dù xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân TP.HCM nhưng vẫn là nguy cơ tiềm ẩn. Cụ thể, đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch được xem là bất thường khi hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đạt và duy trì ở mức cao trên BĐ 3 trong 2 ngày liên tiếp. Trong những ngày tiếp theo, đỉnh triều cao trên mức BĐ 2. Tại TP.HCM, rủi ro thiên tai do triều cường cao đạt cấp độ 2, có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp ven sông, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương, đặc biệt ở Cần Giờ và Nhà Bè.
Triều cường cao mang theo độ mặn từ biển lấn sâu vào các kênh rạch. Tính tới ngày 13.3, bản đồ đo mặn trên sông Sài Gòn cho thấy tại trạm Nhà Bè mặn lên tới 16,4‰, còn tại trạm Thủ Thiêm lên tới 7,8‰ và Lái Thiêu (Bình Dương) là 1,4‰. Dù vậy, đại diện Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết "xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của thành phố".
Theo các chuyên gia, dù hiện tại nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố vẫn đảm bảo nhưng với xu hướng mặn ngày càng xâm nhập sâu thì trong tương lai TP.HCM sẽ đối mặt với vấn đề nguồn cung cấp nước. Nguy cơ nước sinh hoạt bị nhiễm mặn như ở Bến Tre và Tiền Giang là một minh chứng điển hình mà ngay từ bây giờ thành phố phải tính toán ứng phó trước.
Theo các nghiên cứu, 97% nước trên bề mặt trái đất là nước mặn và chỉ 3% nước ngọt con người có thể sử dụng. Tốc độ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nước tăng cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3% lượng nước ngọt đó. Dự báo đến năm 2050 sẽ có tới 3,9 tỉ người trên thế giới không có nước sạch để sử dụng. Điều này có nghĩa là cứ 5 người trên thế giới thì có tới 2 người phải đối diện nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
TP.HCM đảm bảo 100% hộ dân có nước sạch
Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết: TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước đảm bảo nước sạch đến với 100% hộ dân. Tuy nhiên, việc cung ứng nước sạch ở TP.HCM đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vào mùa khô. Bên cạnh chất lượng nước thô có xu hướng ô nhiễm đòi hỏi áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến thì trữ lượng nước cũng có nguy cơ không đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, lượng mưa rất thấp, lượng nước về các hồ đầu nguồn ít. Sawaco phải phối hợp với các hồ đầu nguồn làm sao khai thác tối ưu được lượng nước đó. "Tới giờ phút này, chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng nước theo đúng quy định do Bộ Y tế ban hành. Trữ lượng cũng đảm bảo 24/7, không giảm sản lượng. Tuy vậy, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn tiến nhanh, mạnh. Hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến hết tháng 6 năm nay. Vì thế, phải vừa duy trì hiện tại, vừa tính toán cho tương lai để đến lúc đó vẫn phải đảm bảo đủ nước phân phối đều", ông Thạch thông tin thêm.
Hà Mai - Chí Nhân - Theo Thanh Niên