Nằm trong số những công trình giao thông trọng điểm được thành phố quyết tâm sớm đầu tư trong năm 2025 có hai công trình là cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4. Đây là chủ trương đẩy nhanh việc thực hiện đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030 theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố mà Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội đã đặt ra.
Phối cảnh công trình cầu Cần Giờ.
Hai dự án này đều đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Sở Giao thông vận tải thành phố đang cùng các địa phương rà soát chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm khởi công công trình vào năm 2025.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT, trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 2.826 tỷ đồng (chiếm 50% vốn đầu tư), phần còn lại do nhà đầu tư huy động. Điểm độc đáo của cây cầu này là có thể nâng, hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m, vừa giúp tàu thuyền dễ dàng qua lại, vừa tạo cảnh quan trên dòng sông. Cầu Thủ Thiêm 4 có kiểu dáng nhịp chính thông thuyền giống cầu Jacques Chaban ở thành phố cảng Bordeaux (Pháp).
Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết: Việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát-đường Lưu Trọng Lư-đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát-Nguyễn Văn Linh, Khu công nghiệp Tân Thuận,... Bên cạnh đó, việc đầu tư công trình còn tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thúc đẩy và phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm; tạo động lực thúc đẩy phát triển khu đô thị mới phía nam thành phố, góp phần phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được thành phố xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian xây dựng từ 2025-2028.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm, ước tính nhu cầu vốn đầu tư 86 dự án giao thông giai đoạn 2024-2030 của thành phố là 272.316 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố dự kiến khoảng 198.697 tỷ đồng (chiếm 73%). Giai đoạn 2024-2025, nhu cầu vốn dự kiến khoảng 25.046 tỷ đồng. Việc thành phố xác định danh mục các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm chính là để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án theo quy định (công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; hỗ trợ xây dựng công trình...); qua đó, làm cơ sở kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án bảo đảm phát huy hiệu quả, công khai, minh bạch. Đồng thời, việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan còn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm mục tiêu, phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư.
Theo đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng, thành phố sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông kết nối đường bộ tới cảng để phục vụ hoạt động khai thác và các ngành dịch vụ kinh tế sau cảng. Do đó, dự án được chờ đợi nhất là cầu Cần Giờ, được thành phố đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.
Cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km (trong đó, phần cầu dài gần 3 km, phần đường dẫn dài hơn 4,3 km), quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), vận tốc 60 km/giờ. Cầu được xây dựng theo dạng dây văng, thiết kế như hình cây đước. Cầu Cần Giờ sẽ có tĩnh không thông thuyền 55m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành), cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, hai cây cầu này, khi hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh, điểm nhấn mới về cảnh quan đô thị với thiết kế độc đáo mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, giúp thúc đẩy phát triển khu đô thị mới phía nam thành phố và huyện đảo Cần Giờ.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi, để đẩy nhanh tiến độ hai công trình huyết mạch này, Ủy ban nhân dân thành phố đã trình Ban cán sự đảng thành phố xem xét cho chủ trương về việc vận dụng Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các thủ tục có liên quan. Cụ thể như, điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung thành phố; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; quy trình thực hiện; nguồn vốn và phương thức đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án đầu tư; công tác thu hồi đất; bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư...
BÀI VÀ ẢNH: VÕ LÊ - Theo Báo Nhân Dân