Hơn 40 lần gặp nhau đó đem đến kết quả là hai ông đã "đưa ra những chỉ đạo chiến lược đảm bảo mối quan hệ này phát triển lành mạnh, ổn định và suôn sẻ", theo bản tin trên.
Đỉnh cao quan hệ song phương
Quả thật, quan hệ Trung - Nga đã liên tục phát triển vững chãi, tạm tính trong 10 năm qua, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền tối cao ở Trung Quốc.
Hạ tuần tháng 10-2023, khi tiếp ông Putin nhân diễn đàn "Một vành đai, một con đường" ở Bắc Kinh, ông Tập đếm số lần gặp gỡ: "42 lần gặp trong 10 năm qua đã phát triển một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và tình hữu nghị sâu sắc" (AFP 18-10-2023).
Xét số lượng, như vậy là nhiều hơn gấp đôi so với số lần ông Tập gặp hai thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Narendra Modi gộp lại (19 lần), hay với ba tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump, và Joe Biden (17 lần), tính đến tháng 3-2023, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) kỹ lưỡng đếm.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tỏ ra không quên quá khứ khi nhắc rằng quan hệ song phương đã "ngày càng phát triển mạnh mẽ bất chấp thăng trầm".
Những thăng trầm đó là gì? Sau khi tuyên cáo thành lập vào tháng 10-1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập tức thiết lập quan hệ với Liên Xô. Nửa đầu những năm 1950, hai bên gắn bó dựa trên Hiệp ước Hữu nghị, liên minh và tương trợ Trung - Xô, thể hiện rõ nhất qua chiến tranh Triều Tiên.
Nhưng mối quan hệ bắt đầu căng thẳng vào giữa những năm 1950 - rạn nứt ý thức hệ xuất hiện sau khi ông Nikita Khrushchev nắm quyền lãnh đạo Liên Xô.
Căng thẳng leo thang sau đó khiến hai nước rơi vào trạng thái thù địch công khai, thậm chí đụng độ quân sự vào năm 1969. Rạn nứt nghiêm trọng đến mức lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông qua năm 1972 đã tìm cách bình thường hóa quan hệ với Mỹ để cân bằng với Liên Xô.
Tới thời ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại ít mang tính ý thức hệ hơn, giảm căng thẳng với Liên Xô, dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Trung - Xô 1989.
Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, một lãnh đạo Liên Xô là ông Mikhail Gorbachev đến thăm Bắc Kinh, gặp gỡ ông Đặng Tiểu Bình, chính thức nối lại quan hệ bình thường. Lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đáp lại bằng chuyến thăm Matxcơva năm 1991. Đến năm 1996, hai bên đã nâng cấp lên "quan hệ đối tác phối hợp chiến lược".
Tới năm 2000, ông Putin lên làm tổng thống Nga và ký kết Hiệp ước Láng giềng hữu nghị và hợp tác hữu nghị với Trung Quốc vào năm 2001. Cùng năm đó, Nga cùng Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan trở thành thành viên sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối an ninh và quân sự.
Dọn đường cho tương lai
Giở lại mấy chục năm đó mới có thể hiểu tại sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc nhở: "Mối quan hệ Trung - Nga ngày nay khó có được và hai bên cần trân trọng và nuôi dưỡng nó". Trong góc nhìn đó, quả thật ông Putin đã đóng góp rất nhiều cho việc gầy đắp lại và nuôi dưỡng mối quan hệ này trong 23 năm qua, tức 30% của quá trình quan hệ song phương 75 năm.
Sau hiệp ước năm 2001, đến năm 2009, lãnh đạo hai nước ra tiếp tuyên bố Hồ Cẩm Đào - Dmitry Medvedev (lúc này thế chỗ ông Putin một nhiệm kỳ) khẳng định hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai nước.
Nga nhắc lại rằng Đài Loan và Tây Tạng là không thể tách rời với Trung Quốc, đồng thời ủng hộ sự phát triển hòa bình trong quan hệ giữa đại lục và Đài Loan và sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc. Đổi lại, phía Trung Quốc bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Nga trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở vùng Kavkaz.
Cuộc gặp 2024 vừa rồi đã diễn ra chính trên những nền tảng như vậy, dù trong một bối cảnh mới hoàn toàn khác, khi quan hệ Nga - phương Tây và Trung - Mỹ chưa bao giờ xuống thấp như vậy trong khoảng 20 năm qua.
Không ngạc nhiên khi trong lần gặp này, ông Tập đã giới thiệu một khuôn khổ quan trọng: 5 nguyên tắc làm việc giữa hai nước, mà ông coi là cơ sở để các cường quốc có thể hợp tác với nhau.
Trong đó, quan trọng nhất có lẽ là nguyên tắc đầu tiên: "thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và cam kết vững chắc trong việc hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của cả hai bên"; và nguyên tắc thứ năm: "phát triển một mô hình mới cho phép các cường quốc láng giềng phát triển quan hệ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng".
Khi đề cập nguyên tắc thứ năm, ông Tập nhấn mạnh: "Thế giới ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý Chiến tranh lạnh. Những tham vọng đảm bảo quyền bá chủ đơn phương, đối đầu theo khối và chính trị cường quyền tạo thành mối đe dọa trực tiếp tới hòa bình, an ninh của tất cả các nước trên thế giới".
Ai cũng hiểu đối tượng ông phiền trách chính là Mỹ. Trước mối đe dọa đó, theo ông Tập, hai nước Trung - Nga sẽ xây dựng "quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược trong thời kỳ mới", "hậu thuẫn lẫn nhau", và "hành động trên tinh thần không liên kết với bất kỳ khối nào, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào".
Ông Putin nhất trí với những nguyên tắc đó, tuy ông nhấn mạnh hơn vấn đề kinh tế và thương mại. Trong năm 2023, thương mại song phương đã tăng thêm 1/4, đạt cột mốc mới là 240 tỉ USD, và dựa trên thanh toán bằng tiền tệ của hai nước:
"Hiện tại, đồng rúp và nhân dân tệ chiếm hơn 90% giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc, và tỉ lệ vẫn ngày càng tăng. Xu hướng này biểu thị rằng thương mại và đầu tư chung của chúng ta được bảo vệ an toàn khỏi ảnh hưởng của các nước thứ ba và những diễn biến bất lợi trên thị trường tiền tệ toàn cầu".
Tất nhiên, những tuyên bố "không liên kết" là cần kiểm chứng. Trên thực tế, ngoài SCO thành lập năm 2001, Nga và Trung Quốc còn là đầu tàu của khối BRICS, thành lập năm 2010 và vừa mở rộng gần đây, bao gồm các nước thành viên khác là Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, và UAE, như một đối trọng của G7.
Sự thăng tiến của các thực thể mới do Nga và Trung Quốc mở đầu này, thiết nghĩ tùy thuộc vào điều mà hai ông vừa bàn bạc: "tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng". Quan hệ giữa hai cường quốc rất cần tôn trọng và bình đẳng đã đành, nhưng liệu điều này có được áp dụng trong quan hệ giữa một nước lớn và một nước nhỏ không?
DANH ĐỨC - Theo Tuổi Trẻ