Phó thị trưởng TP Rotterdam chia sẻ Hà Lan và TP.HCM đều đang nỗ lực chống ngập đô thị, hai bên có thể cùng hợp tác và học hỏi lẫn nhau.
Phó thị trưởng Vincent Karremans của TP Rotterdam (Hà Lan) nghe thuyết minh về quy hoạch ở khu đô thị Sala, TP Thủ Đức sáng 6-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"TP.HCM là một thành phố lớn, chúng tôi không có những thành phố lớn cỡ này ở Hà Lan. Bằng một cách nào đó, mọi hoạt động ở TP.HCM đều đang rất hài hòa, với tất cả xe gắn máy và các phương tiện giao thông, cùng tất cả mọi người đang sinh sống và làm việc tại đây. Mọi thứ đều rất xinh đẹp và sôi động", Phó thị trưởng Vincent Karremans của TP Rotterdam (Hà Lan) chia sẻ về ấn tượng của ông khi lần đầu đến TP.HCM.
Sáng 6-6, ông Karremans có chuyến thăm khu đô thị Sala và thực địa dự án quản lý rủi ro ngập lụt cùng ở TP Thủ Đức.
Ông Karremans cùng đoàn doanh nghiệp Hà Lan có chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM từ ngày 5 đến 7-6. Đây là chuyến thăm đầu tiên của chính quyền TP Rotterdam, sau khi TP.HCM và TP Rotterdam vào tháng 7-2023 ký biên bản ghi nhớ (MoU).
Biên bản ghi nhớ này tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước và phát triển cảng giữa hai thành phố.
Phó thị trưởng TP Rotterdam cho hay hợp tác giữa Rotterdam với TP.HCM là rất quan trọng, trong bối cảnh mọi nơi trên thế giới đều đang phải ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông cho biết Hà Lan có thể học hỏi nhiều từ các dự án ở TP.HCM, vì các dự án này có quy mô rất lớn.
"Chúng ta cùng chia sẻ vấn đề này, và chúng ta có thể học hỏi từ nhau rất nhiều. Chúng tôi ở đây để chia sẻ những gì chúng tôi đã học được, và cũng ở đây để học hỏi từ người Việt Nam", ông Karremans nói.
Ông Karremans chia sẻ Rotterdam trong nhiều thế kỷ phải ứng phó với các vấn đề về nước, khi thành phố này có 85% diện tích dưới mực nước biển.
Mỗi khi có mưa lớn, nước phải được bơm ra. Rotterdam cũng phải đầu tư rất nhiều vào công tác gia cố bờ biển để chống ngập.
"Chúng tôi chi hàng tỉ USD mỗi năm cho việc gia cố bờ biển. Điều này rất quan trọng, nếu không Rotterdam sẽ bị ngập và cả nước Hà Lan cũng sẽ ngập.
Vì vậy, chúng tôi cần đảm bảo rằng tất cả các khoản đầu tư đang thực hiện đều phải đúng lúc và đúng chỗ, để chúng mang lại được giá trị cao, cả về mặt thời gian và khả năng thích ứng", ông Karremans cho biết.
Bên cạnh đó, để sống chung và thích nghi với nước, các khu dân cư tại Rotterdam có các cơ sở hạ tầng quản lý nước, như quảng trường nước hay sân trường học với sắc xanh của nước và xanh của cây cỏ.
Cả hai hạ tầng này vừa giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa là một cách thích nghi với ngập lụt và mưa lớn.
Chung tay để thành phố thêm xanh
Đề cập đến quy hoạch đô thị của TP Thủ Đức, phó thị trưởng TP Rotterdam nhận định việc phát triển nhà ở nhanh chóng là rất cần thiết, vì nhu cầu hiện nay là rất lớn. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu với khí hậu phải được quan tâm trong kế hoạch phát triển đô thị.
Hiến kế để thành phố thêm xanh, ông Karremans chia sẻ người dân TP.HCM cũng có thể đóng góp vào công tác này, bằng cách trồng nhiều cây trong vườn, trồng cây tại ban công... Đây là hành động rất thiết thực, và Hà Lan cũng đang thực hiện theo cách tiếp cận này.
Ông Karremans cùng đoàn làm việc tại công viên khu đô thị Sala - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phó thị trưởng TP Rotterdam thực địa dự án quản lý rủi ro ngập lụt tại TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM Daniel Stork (trái) cho biết Hà Lan có các quỹ đầu tư quốc tế và các quỹ quản lý khí hậu sẵn sàng hợp tác với đầu tư công và tư nhân của Việt Nam cho các vấn đề liên quan - Ảnh: QUANG ĐỊNH
NGHI VŨ - QUANG ĐỊNH - Theo Tuổi Trẻ