“Ví dụ, ở thị trường thứ cấp căn hộ tại Royal City hoặc Time City, có khoảng 200 căn đang bán nhưng chỉ cần lượng mua 100 căn. 100 căn này tương đương khoảng 6 tỷ/căn. Đổ ra khoảng 600 tỷ với 1 dự án, vài dự án như vậy thì số tiền bỏ ra của giới đầu tư, đầu cơ chỉ tầm vài nghìn tỷ để mua một lượng hàng đang bán nhưng đã đẩy giá bất động sản Hà Nội thiết lập mặt bằng giá mới rất cao”, ông Dũng nói.
Chủ tịch Thiên Khôi cho rằng, sau khi đẩy giá hàng thứ cấp lên cao, lượng hàng sơ cấp được tung ra thị trường với mức giá mới. Ở góc độ đó nhìn thấy sự cân bằng về vật giá giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp.
“Về khối lượng giao dịch sơ cấp, tôi đánh giá không thực sự nhiều so với thứ cấp. Và đến giai đoạn này, giao dịch đã chậm lại. Mặc dù hàng sơ cấp cũng chỉ có một số chủ đầu tư ra hàng với số lượng không nhiều. Như tại TP.HCM, số lượng hàng rất ít ỏi. Mỗi lần ra hàng gần như hết sạch, Hà Nội cũng đang có một số lượng nhất định, đang trông cậy vào thông tin quy hoạch”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng lưu ý thêm, những yếu tố phát triển thị trường cũng do yếu tố tâm lý khá nhiều, đặc biệt yếu tố về quy hoạch. “Chúng ta phải để ý rằng, nguồn tiền về đầu tư công, triển khai, quy hoạch các dự án không thể thúc đẩy giá bất động sản lên cao nhanh được. Như vậy, đồng nghĩa với việc những kỳ vọng về thị trường bất động sản Hà Nội đang ở ngưỡng cao. Mức tăng giá bất động sản ở Hà Nội trong năm qua đối với tôi là tương đối bất ngờ”, ông Dũng chia sẻ.