Một vị đại sứ cũng khẳng định các khoản đầu tư của NVIDIA là vô cùng đặc biệt.
Ngày 5/12, ông Jensen Huang nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đã và ký kết thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) (VRDC) của tập đoàn này Việt Nam. Ngoài sự kiện trên, NVIDIA cũng công bố mua lại cổ phần của VinBrain từ Vingroup.
Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là NVIDIA đã đầu tư tổng cộng bao nhiêu tiền vào Việt Nam khi không có một con số cụ thể nào được đưa ra. Theo chia sẻ của ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Francisco (Mỹ) thì đây là thỏa thuận NDA (Non-Disclosure Agreement) nên các bên liên quan không thể và không được phép tiết lộ thông tin có tính bảo mật này.
Ông Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ rằng các khoản đầu tư của các công ty công nghệ thế hệ mới giờ đây có hình thức, tính chất và bản chất khác hẳn so với các loại hình đầu tư "kiểu cũ". Ông lấy ví dụ Samsung đầu tư rất lớn (hàng chục tỷ USD) vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động và các thiết bị cầm tay, điện tử khác.
Chaebol Hàn Quốc này tạo ra rất nhiều công an việc làm, nhưng lương của người lao động lại rất thấp (khoảng 90% rơi vào khung 10 triệu đồng - 15 triệu đồng). Nhiều công ty khác đầu tư vào Việt Nam cũng tương tự như vậy, chủ yếu là sử dụng lao động địa phương dồi dào, giá rẻ.
"Nếu ta không đầu tư hoặc thu hút đầu tư vào những mảng tạo giá trị gia tăng cao như thiết kế thì đầu tư hoặc làm việc trong mảng sản xuất, kể cả chíp bán dẫn, thì lương của kỹ sư hay người lao động cũng vẫn rất thấp. Nói một cách 'hình ảnh', ngay cả sản xuất chip cũng chả khác mấy so với sản xuất TV hay điện thoại Khác chăng là sản phẩm siêu nhỏ. Cần nhớ thêm, lao động trong lĩnh vực sản xuất là người bản địa và trả lương theo mặt bằng bản địa. Chính vì lý do đó, dù đã bắt đầu tiến hành đầu tư sản xuất tại Việt Nam hàng tỷ USD, nhưng NVIDIA cũng chả hào hứng gì, vì không làm chỗ này thì hoàn toàn có thể bưng nhà máy hoặc đặt hàng sản xuất tại các nơi khác trên thế giới", ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI của NVIDIA tại Việt Nam thì lại khác hẳn. Đối với các công ty công nghệ, tài sản, nguồn lực lớn nhất được đánh giá bởi nguồn nhân lực (bên cạnh các yếu tố quan trọng khác). Trong mỗi công ty, công nghệ, bộ phận đầu não, đắt giá nhất là bộ phận nghiên cứu và phát triển.
Tính về giá trị thị trường (NVIDIA hiện có giá khoảng 3.500 tỷ USD) và số nhân viên 29.000 người. Công ty là công ty có số tài sản/đầu người lao động là cao nhất và hiệu quả nhất thế giới, khoảng 120 triệu USD/1 người.
"Nếu tính như vậy, tại Việt Nam, sau khi thiết lập, VRDC (Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI Việt Nam) có khoảng 130 nhân viên NVIDIA. Nếu tính theo số tài sản trên đầu người, thì NVIDIA đang "đầu tư" vào Việt Nam khoảng 15 tỷ USD", ông Tuấn nhận định.
Cùng với việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chắc chắn các nguồn lực, tầm quan trọng, giá trị tài sản vô hình và hữu hình của NVIDIA tại Việt Nam sẽ còn tăng lên nhiều lần nữa. Quan trọng nhất, NVIDIA không "đi một mình" mà sẽ có hàng loạt các công ty công nghệ tiếp khác đồng hành cùng NVIDIA xây dựng hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
Trọng Hiếu - Theo Nhịp sống thị trường