Nếu dự báo về một tương lai hạn hán thành hiện thực thì một đồng bằng châu thổ được coi là vựa lúa, vựa tôm cá, vựa cây trái như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ phải ứng phó ra sao?
Tháng 12, mới chớm mùa khô 2016-2017, khi ô tô chở đoàn công tác của Tia Sáng đi gần cù lao Minh bên dòng Cổ Chiên và Hàm Luông, đâu đâu cũng thấy xanh rào rạt những vạt dừa dưới nắng chói chang. “Chúng ta đang ở khu vực có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre đấy”, TS. Lê Đăng Doanh phóng cái nhìn theo tán dừa ven sông, nói. Trước đó mấy hôm, trong buổi làm việc với Tia Sáng, ông Phan Văn Mãi, khi đó còn là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, đã trao đổi, cây dừa có một vị trí đặc biệt bởi không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn đất mà còn có vai trò lớn trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững với rất nhiều sản phẩm tiềm năng… Mới oằn mình vượt qua đợt hạn hán khốc liệt mùa khô 2015-2016, “cơn khát nước ngọt nặng nề nhất trong 100 năm qua ở ĐBSCL 1, dừa lại buộc phải liên tục thích nghi, như người dân xứ này.
Không ai sinh ra để chống chọi với hạn mặn. Nhưng trong quá trình tồn tại của mình, cả cây trái và con người ĐBSCL từng phải nếm trải vô số đợt hạn mặn lớn nhỏ. Dẫu được mệnh danh là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt nhưng vào mùa khô, các nguồn nước mặt ở ĐBSCL vẫn không đủ sức ngăn được con nước mặn lừ lừ từ biển vào nên đành buông tay nhìn dòng nước dần bị mặn hóa lan rộng ngược theo các nhánh sông len lỏi vào đất liền. Trong một chế độ thủy văn tiêu chuẩn thông thường thì xâm nhập mặn do hạn hán (drought- induced salinity intrusion SI) có thể đi vào sâu tới 60km, nếu tính từ cửa Hàm Luông, còn ở các nhánh Cổ Chiên, Cung Hầu và Định An là 40km. Năm 2016, do hạn hán khốc liệt và các đập thủy điện thượng nguồn giữ nước, nước mặn đã xâm nhập vào sâu trong đất liền tới 93 km, vượt qua các mức kỷ lục từng được ghi nhận trước đây 2.
Hạn hán, thiên tai và nhân tai khiến câu chuyện về vùng đất đai trù phú và màu mỡ, cứ ngỡ chỉ toàn có thuận lợi cho phát triển, trở nên rối bời. Đâu đâu cũng là những câu hỏi “làm gì để nước về”?, “làm sao để cứu lúa”?, “làm gì để hạn chế thiệt hại do hạn hán”?… Chỉ mấy năm sau đợt hạn mặn tưởng chừng là kỷ lục trăm năm ấy thì một cột mốc khác đã được dựng lên: trong mùa khô 2019–2020, ĐBSCL lại phải chứng kiến một mùa hạn hán còn khủng khiếp hơn. Dòng sông trở mặn tới 110 km sâu trong đất liền và ở nhiều vị trí độ mặn của nước còn vượt qua cơn bĩ cực 2015–2016. Điều đáng lo ngại hơn là nước mặn đã “đánh úp” con người khi âm thầm len lỏi qua cửa sông sớm hơn trung bình hằng năm từ 2,5 đến 3,5 tháng và tồn tại lâu hơn tới 30 ngày2.
Giờ đây, một mùa hạn mặn lại đến trong phập phồng lo âu, bởi nó không chỉ đến sớm hơn mà tình trạng xâm nhập mặn cũng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 3.
Liệu trong tương lai, vùng đất này còn là chốn nương náu ngọt lành và giữ được cả hệ sinh thái như nó vốn có?
Hạn hán, từ quá khứ tới tương lai
Dường như trong tâm thức của con người, hạn hán thường gắn liền với thiệt hại. Ác nghiệt nhất là, người ta khó có thể phát hiện ra hạn hán bắt đầu xuất hiện từ bao giờ. Thông thường, “khi người ta thấy có hạn hán thì nghĩa là nó đã tác động thật sự đến môi trường xung quanh rồi”, GS. Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng và Thủy văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) từng giải thích. Trước khi người ta phát hiện ra hạn hán tác động đến sản xuất và sinh hoạt (hạn kinh tế xã hội) thì ngoài tự nhiên, mực nước sông hồ đã bị hạ thấp (hạn thủy văn). Tình trạng này lần lượt lại là hệ quả của những quá trình trước đó, sự mất cân bằng giữa lượng nước tích lũy trong đất và nhu cầu nước của cây trồng (hạn nông nghiệp) và hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm (hạn khí tượng).
Hạn hán, dù diễn ra ở ĐBSCL hay bất cứ vùng đất nào ở Việt Nam, đều đáng lo ngại, bởi nó là sự thiếu hụt lượng mưa so với trung bình ở một vùng đất trong một chu trình thời gian. Trong quá khứ, hạn hán đủ sức làm đau đầu các triều đại. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, dưới thời Lê sơ, hạn hán xảy ra khoảng 22 lần, nhiều nhất vào đời Lê Thánh Tông (12 lần). Có những năm, hạn hán xảy ra liên tiếp và tương đối nghiêm trọng khiến người dân điêu đứng. Dẫu diễn ra từ nhiều thế kỷ trước nhưng nếu đặt hạn hán thuở đó vào bối cảnh ngày nay của ĐBSCL, người ta thấy chẳng khác nhau là mấy “hạn hán tháng sáu diễn ra cùng lúc với sâu hại lúa”, “nước chứa chỉ được vài bữa, không giữ được lâu, nắng chưa mấy ngày đã cạn khô cả” 4…
Bởi về cơ bản, ĐBSCL thuộc vùng Nam Bộ, nơi mà trong vòng 35 năm trở lại đây (1980-2014), hạn hán chủ yếu liên quan đến hiện tượng El Nino – một hiện tượng khí hậu toàn cầu chỉ sự nóng lên của bề mặt đại dương, hay nhiệt độ bề mặt nước biển (SST), trên mức trung bình ở vùng trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương nhiệt đới5. Đặc trưng của hạn trong quãng thời gian này cho thấy “Hạn có thể xuất hiện bất cứ tháng nào trong năm, không nhất thiết chỉ vào mùa khô. Nhưng nếu hạn xuất hiện vào mùa khô thì mức độ khốc liệt rõ rệt hơn, nặng nề hơn. Nếu nó xảy ra vào mùa mưa thì có thể không nhận thấy được ngay tác động nhưng hậu quả có thể để lại cho mùa khô tiếp theo”, GS. Phan Văn Tân nhận xét.
Những điều đã biết trong quá khứ và những điều đang diễn ra ở hiện tại khiến người ta mong muốn hiểu về tương lai gần và xa ở ĐBSCL, nơi dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây với đóng góp tới 56% sản lượng lúa gạo, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam6. Vậy có xuất hiện hạn hán trong nhiều thập niên tới ở ĐBSCL không? Ngoài tinh thần “sống chung với lũ” thì người dân ở đây có phải bổ sung cho hành trang của mình “sống chung với hạn mặn” không? Thật khó nhìn về một tương lai xa và đưa ra được một dự báo nào đó tương đối chính xác bởi luôn tồn tại sự bất định trong dự đoán. “Hạn hán đã qua liên quan nhiều đến lượng mưa và nhiệt độ, hạn (drought) khác với khô hạn (aridity), ví dụ như vùng khô hạn vốn đã ít mưa nhưng vùng ít mưa hay nhiều mưa mà cứ hụt mưa đi thì được gọi là hạn. Hạn trong quá khứ đã xảy ra như vậy rồi còn trong tương lai thì chưa biết như thế nào cả. Muốn biết về tương lai thì người ta dựa vào các kịch bản”, GS. Phan Văn Tân nói. Các kịch bản này được xây dựng trên những giả định có lý mà khi nhìn vào đó, người ta vẫn dự tính được những khả năng có thể xảy ra trong tương lai. “Nhìn chung trong tương lai, hạn có thể sẽ trở nên nặng nề nhất ở vùng Nam Bộ cùng đồng bằng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ”, ông chia sẻ.
Các kịch bản mà nhóm nghiên cứu của GS. Phan Văn Tân xây dựng cho ta thấy những bức tranh toàn cảnh dự tính về hạn hán với sự phân bố theo không gian và thời gian của các đặc trưng hạn như độ kéo dài các đợt hạn, cường độ, độ khắc nghiệt, khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai đợt hạn…, ở giai đoạn giữa và cuối thế kỷ. Trong đó, sự mở rộng không gian của hạn hán được dự tính sẽ gia tăng trong mùa khô và những tháng chuyển tiếp giữa mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trên khắp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL, có thể tăng lên ít nhất từ 1,5 đến 2o C còn lượng mưa có thể giảm xuống 10–20%, thậm chí 30%.
Khi soi chiếu vào các kịch bản này, người ta có thể phần nào mường tượng về độ khốc liệt của hạn khi thấy ở ĐBSCL, lượng mưa hằng tháng không những bị giảm về mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng ba năm sau) mà còn bị giảm ngay trong mùa mưa (từ tháng tư đến tháng 10). Sự kết hợp của nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm làm thâm hụt nước ở lớp đất phía trên, dẫn đến gia tăng độ khắc nghiệt và cường độ hạn, đặc biệt là những tháng cuối của mùa khô và những tháng đầu mùa mưa. Với các dự tính tương lai xa, lượng mưa ở ĐBSCL (và Đông Nam Bộ) giảm tới 30 đến 40% ở mùa khô và đầu mùa mưa. Điều này ngụ ý là hạn hán trong tương lai có thể còn trở nên khắc nghiệt hơn do việc hụt nước tiềm năng7. “Hạn hán mang tính dai dẳng, vì vậy không nhìn thấy được ngay tác động của nó trong một lúc hay một vài năm. Nếu hạn diễn ra trong mùa khô thì dễ nhận biết do tính khốc liệt lớn hơn và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn cho môi trường và hoạt động kinh tế xã hội nhưng hạn diễn ra trong mùa mưa có thể dẫn đến thiếu nước ở thời kỳ sau đó, ví dụ như thiếu nguồn nước bổ cập (the groundwater recharge), dẫn đến làm khô hạn cho mùa sau. Đấy là hệ quả của hạn hán”, GS. Phan Văn Tân giải thích.
Có lẽ, khí hậu cực đoan chực chờ ở tương lai là điều khiến người ta cảm thấy choáng váng. Độ dài tính theo tháng của một đợt hạn có thể tăng lên từ sáu đến tám tháng ở ĐBSCL (và Đông Nam Bộ) còn độ khốc liệt tăng tới 60%.
Những thay đổi về đặc điểm của hạn chỉ dấu mức độ rủi ro của hạn có thể sẽ gia tăng trong tương lai, ngay tại vựa lúa Việt Nam.
Thế bập bênh của nước
Tương lai nhuốm màu âu lo của ĐBSCL, nếu nhìn vào các kịch bản khí hậu, buộc chúng ta phải đi tìm các giải pháp, trong đó có việc đi tìm nguồn nước bền vững cho cả đồng bằng châu thổ này. Lẽ nào vùng đất với chín nhánh sông Cửu Long thuộc về dòng Mê Kông xếp hạng 8 về lưu lượng nước trên thế giới lại thiếu nước? Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở hiện tại và quá khứ cho thấy, nước sẽ là vấn đề sống còn của ĐBSCL, nơi dành 64% diện tích làm nông nghiệp và trong tổng diện tích làm nông này, lớn nhất là trồng lúa (80%)8.
Đợt nắng hạn diễn ra vào những ngày này trên Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang… đang khiến những hộ nông dân khốn đốn. Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mối lo của họ là thiếu nước cho đồng ruộng, hoa trái đang chờ mùa thu hoạch mới trong khi nước ở trên sông đang bị xâm nhập mặn, một tình trạng phổ biến ở hầu hết mọi nhánh sông. Thậm chí, ở một tỉnh không giáp biển như Hậu Giang cũng phải chứng kiến cảnh nước mặn theo thủy triều biển Tây đã vào tận huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh, có nơi nồng độ mặn đã tăng lên ở mức 9,5%9. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xâm nhập mặn lắm. Thứ nhất là nước từ thượng nguồn về chậm, không đủ lực để đẩy nước mặn ra; thứ hai là chúng ta đã làm thay đổi rất nhiều điều kiện mặt đất ở ĐBSCL rồi”, một nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, trao đổi với Tia Sáng vào năm 2023.
Giờ đây, ai cũng hiểu rằng công cuộc tìm nước cho ĐBSCL không phải là vấn đề của tương lai mà đã là sự thúc bách của hiện tại. Điều này lại càng thách thức hơn gấp bội khi việc phân định nguyên nhân – hệ quả trong một hiện trạng liên quan đến nước ở vùng đất này như hạn mặn không phải là việc dễ dàng. “Một sự cố nào đó xảy ra ở ĐBSCL đã bao gồm cả nhân tai và thiên tai rồi, đơn cử như với xâm nhập mặn, thiên tai là điều kiện nước thay đổi nhưng lại có nhân tai vì nước bị đập ở dòng chính thượng nguồn ngăn lại, vì chúng ta khai thác cát…”, nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ nói. Địa hình núi cao ở khu vực phía trên của dòng Mê Kông đem lại tiềm năng rất lớn cho phát triển thủy điện. Cho đến nay, 126 đập được xây dựng ở thượng nguồn làm thay đổi đáng kể các chế độ thủy văn cả đồng bằng, thậm chí tái định hình chế độ thủy văn của ĐBSCL bởi tổng dung tích của chúng chạm tới con số hơn 80 km3 10.
Đập thủy điện có thể hỗ trợ nông nghiệp thông qua xả nước vào mùa khô. Nhưng vấn đề phức tạp ở chỗ, nếu đập thủy điện thượng nguồn xả nước theo kiểu xả tích lũy (the cumulative discharge) cũng không cứu được hạn mặn một cách triệt để. Trong hai đợt hạn mặn lịch sử, ngay cả khi lưu lượng nước của dòng sông cao hơn trung bình nhiều năm thì ĐBSCL vẫn phải căng mình chịu hạn. Đó là “nghịch lý thủy điện” (hydrological paradox) do có sự thay đổi địa mạo của dòng sông, sự xuất hiện của các vết rạch ở lòng sông. Tại sao có sự thay đổi này? Nguyên nhân là do các đập khổng lồ ở thượng nguồn đã giữ lại trầm tích trong lòng nó. Năm 2020, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã phát hiện ra, lượng trầm tích về ĐBSCL đã giảm 74%, trong đó 40% là do các đập thượng nguồn. Sức nóng này lại càng được gia nhiệt thêm khi tình trạng khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương thuộc ĐBSCL trở nên phổ biến, riêng năm 2018 trên sông Tiền Giang, đoạn từ Tân Châu đến Mỹ Thuận và kênh Vàm Nao, sản lượng này tăng tới 56%. Việc khai thác cát không được kiểm soát như vậy đã tạo ra những vết rạch ở đáy sông và làm hạ thấp dòng chảy, do đó thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn theo mùa ở ĐBSCL diễn ra nhanh hơn 11.
Sự thay đổi địa mạo của dòng sông theo cách như vậy là điều khủng khiếp. Thông thường, khi đáy lòng sông thấp hơn sẽ làm sạt lở hai bên bờ nhiều hơn nhưng “sạt lở chỉ là bề nổi thôi, những hố sâu (deep pool) dưới lòng sông còn nguy hiểm hơn”, nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ nói. Những hố sâu nhân tạo làm cả hệ thống sông mất đi tính cân bằng, thậm chí làm biến dạng dòng chảy một cách đột ngột. Dòng chảy không còn vận hành theo quy luật như nó vốn có nữa. Nguy hiểm ở chỗ, ĐBSCL là đồng bằng trẻ nên nếu chỉ tạo ra thay đổi ít thôi thì cũng đủ làm thay đổi cả đồng bằng.
Để phát triển kinh tế, nhiều điều kiện tự nhiên của ĐBSCL đã được tận dụng triệt để. Ví dụ ở bên bờ các con sông trước đây thường tồn tại những vùng hoang hóa, bãi sình, đầm lầy tự nhiên có thể nhận nước và giữ nước vào mùa lũ để mùa khô “nhả” nước ra từ từ nên cũng trở thành yếu tố giúp các dòng sông không bị mặn. Nhiều năm trở lại đây, mình đã chuyển đổi các nơi này thành những vùng canh tác lúa, nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ cho biết, và hệ quả là những vùng này không còn đủ khả năng trữ được nước lại nữa, đành nhìn dòng nước ngọt quý báu đổ thẳng ra biển. Mất đi kho lẫm tự nhiên nên về mùa khô, ĐBSCL không còn nước trữ ngăn mặn nữa. “Mặn đã đi sâu vào dòng sông, nó làm thay đổi tính chất của nước, thay đổi đặc tính của phù sa, và như vậy sẽ dẫn đến việc làm thay đổi đáng kể những vùng đất nhạy cảm như cù lao hay cồn”, anh nói.
Nỗi buồn không của riêng ai, đó là câu chuyện chung của rất nhiều đồng bằng châu thổ trên thế giới khi những hoạt động của con người đã kích hoạt hoặc gia tăng sự thay đổi về môi trường, khiến các đồng bằng phải chịu cảnh thiếu trầm tích, xói mòn lòng sông/bờ sông, xâm nhập mặn…12. Và khi không còn trông chờ vào những giọt “nước trời” (mưa) hay nước tự nhiên khác (nước sông hồ) thì người ta buộc phải tìm cách khác. Lọc nước biển là giải pháp sẵn có nhưng đắt đỏ nên ở đâu người ta cũng chọn nước ngầm, một giải pháp “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”.
Ở ĐBSCL, việc khai thác nước ngầm diễn ra đã mấy thập niên. Dù Luật Tài nguyên nước 1998 quy định, phải có giấy phép thì các giếng công nghiệp và cơ sở cung cấp nước ngầm mới được phép khai thác nhưng việc thực hiện quy định này lại thuộc về chính quyền địa phương, nơi thiếu năng lực cần thiết để quản lý hiệu quả. Kết quả là tồn tại một số lượng lớn giếng chưa được quản lý, trong đó phần lớn các giếng quy mô nhỏ của người dân địa phương. Năm 2010, một cuộc điều tra tại ĐBSCL phát hiện có hơn 553.000 giếng với lượng nước khai thác ước tính hơn 1,9 triệu m3/ngày, song chỉ có hơn 930 giếng có giấy phép 13. Đã vậy, nhu cầu nước lại còn gia tăng theo thời gian – theo con số ước tính của các nhà khoa học Việt Nam, Hà Lan và Mỹ, sau 25 năm khai thác nước ngầm, tổng lượng nước bị lấy khỏi các tầng ngậm nước ở ĐBSCL đã cao gấp 25 lần so với năm 1990 14.
Nước ngầm chảy từ những nồi Thạch Sanh vô hạn? Câu trả lời là không. Bởi việc khai thác quá mức sẽ làm cạn kiệt nguồn nước được tích lũy trong lịch sử tạo thành. Hệ thống tầng ngậm nước đa lớp của vùng đất này được hình thành từ hàng triệu năm trước đây, trong đó tầng ngậm nước Miocene ở độ sâu nhất, khoảng 275−550 m dưới mặt đất15. Nếu nhìn vào thực tế người dân phải khoan sâu khoảng 200m16 còn các đơn vị khai thác chuyên nghiệp như Công ty Cổ phần CTN – CTĐT Hậu Giang có 20 giếng khoan ở độ sâu từ 160 – 350 m, Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau có 63 giếng, độ sâu từ 180 – 240m17, có thể thấy các mũi khoan đã chạm đến tầng ngậm nước Pliocene. Do đó, đã xuất hiện xu hướng suy giảm nước ngầm ở các tầng ngậm nước Pliocene và Miocene (0,3 đến 0,55 m/năm)15. Dẫu lịch sử khẩn hoang ở ĐBSCL mới bắt đầu từ thế kỷ 17 và được mở rộng khai thác từ sau Đổi mới nhưng trong vòng mấy chục năm, chúng ta đã chạm đến kho dự trữ vô giá ấy, trong khi nguồn bổ cập hằng năm lại không đáng kể.
Dĩ nhiên, hệ quả đầu tiên của khai thác nước ngầm quá mức mà ai cũng nghĩ tới là lún đất và nước biển dâng. Song đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại nằm ở bản chất nội tại của vùng đất này. Các giai đoạn tiến và thoái của biển trong Kỷ Đệ tứ đã tạo ra nhiều chu kỳ xâm nhập nước mặn và nước ngọt xen kẽ ở ĐBSCL cũng như các đồng bằng ven biển trên thế giới, do đó để lại dấu tích này trong các tầng ngậm nước15. “Trong lịch sử gần đây thì biển đã tiến và thoái nhiều lần (hay vỏ Trái đất bị hạ hoặc nâng tương đối), dẫn tới khu vực ngày nay là đất liền thì trong vài triệu năm trước bị chìm dưới đáy biển, khi đó, các lớp trầm tích được lắng đọng và sẽ chứa một lượng nước biển, tạo thành tầng chứa nước mặn; ngược lại, khi biển thoái (hoặc vỏ Trái đất nâng lên) thì từ biển lại dần thành đồng bằng ven biển, các lớp trầm tích được lắng đọng trên các đồng bằng này sẽ chứa nước ngọt. Như vậy theo thời gian, nếu quá trình nâng hạ hay biển tiến biển thoái diễn ra nhiều lần và xen kẽ nhau thì có thể có các tầng chứa nước mặn và ngọt xếp chồng lên nhau ở một khu vực nhất định”, GS. Trần Thanh Hải, ĐH Mỏ Địa chất, giải thích về mặt nguyên tắc. “Nếu không có các tác động địa chất hoặc nhân sinh phá hủy thì các tầng này khá kín và không có khả năng liên thông nhau. Nhưng nếu có tác động thì chúng có thể liên thông qua các đới dập vỡ hoặc các lỗ khoan xuyên qua chúng thì có thể xảy ra hiện tượng xâm nhập nước qua các tầng”.
Do đó, hệ quả là giờ ở ĐBSCL, “cứ mỗi m3 nước ngọt được khai thác từ các tầng ngậm nước thì có 13 m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước lợ ngầm”, theo nhận xét của PGS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)17.
Chuẩn bị gì cho tương lai?
Câu chuyện về nước ở ĐBSCL cho thấy tương lai của vùng đất Chín rồng sẽ phụ thuộc vào nước hay nói cách khác, nước sẽ tái định hình tương lai của đồng bằng theo cách của mình. Trong những điều kiện khí hậu và điều kiện nước đã được định hình theo cách đầy bất trắc như vậy, người nông dân phải làm gì để thích ứng?
Thật khó để trả lời bởi chưa cần nghĩ đến đâu xa, vài năm trở lại đây, câu hỏi tưởng chừng đơn giản “trồng cây gì, nuôi con gì”? đã được lặp đi lặp lại trong nhiều hội thảo lớn nhỏ, cấp địa phương đến cấp vùng và quốc gia. Dẫu ở các hội thảo này, có vô số khơi gợi “hãy biết thích ứng”, “tăng cường sức chống chịu”, “tận dụng nước mặn”… nhưng dường như vẫn chung chung với họ. Dẫu không phải là những người nông dân chậm đổi mới, như ông Hoa Sĩ Hiền (Tân Châu, An Giang) từng lai tạo giống lúa chịu mặn năm phần ngàn, ông Năm Nhã (Long Xuyên, An Giang) làm các thiết bị sấy lúa, sản xuất gạo sữa, ông Nghiêm Đại Thuận (Càng Long, Trà Vinh) – máy xe chỉ dừa, ông Lê Phước Lộc (Cái Bè, Tiền Giang)- dụng cụ cắt tỉa cành, bao trái cây, ông Lê Văn Trung (Thạch Lợi, Vĩnh Long) – tạo giống rau củ, ông Lê Tân Kỳ (Nhơn Thạnh, Bến Tre) – máy gọt vỏ dừa tươi…, nhưng các thách thức chưa từng có khiến nhiều kinh nghiệm tích lũy không còn hữu ích nữa.
Bởi dù đã có một số mô hình sinh kế được áp dụng ở ĐBSCL, từ mô hình lúa vụ ba đến mô hình luân canh tôm lúa, nhưng theo thời gian đã bộc lộ điểm yếu. Đợt hạn hán kỷ lục 2015-2016 cho thấy hệ thống ba vụ/năm không những làm cho hệ thống thủy lợi bị quá tải mà còn đẩy nông dân tới ‘điểm nóng’ phải đối chọi với tấn công của xâm mặn hằng năm 18. Trong khi đó, mô hình tôm lúa thiếu bền vững về môi trường, làm giảm quần thể thủy sinh, tăng độ mặn của đất, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho nông dân vì khả năng lây lan bệnh của tôm, tỷ lệ sống sót trung bình thấp hơn 2,2%/ha… Trong 10 năm gần đây, người nông dân áp dụng mô hình tôm lúa đều thất bát thu nhập do ảnh hưởng của các sự kiện thời tiết cực đoan 19.
Mặt khác, sự phân hóa trong tiếp cận nguồn nước đã bắt đầu xuất hiện: càng sống gần khu vực ven biển, người dân càng phải sử dụng nước ngầm nhiều hơn và các hộ nghèo ở ven biển sẽ chịu nhiều nguy cơ rủi ro do giới hạn nguồn nước ngầm tại chỗ (bị nhiễm mặn, cạn kiệt nước ngầm) 20.
Vậy những giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề? “Thực ra các giải pháp công trình chỉ có thể giải quyết được một số điểm nóng chứ không thể giải quyết được cho toàn bộ đồng bằng”, nhà khoa học ở ĐH Cần Thơ nói. “Nếu không làm tốt công tác quản lý đồng bằng cũng như kết hợp với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông thì tình trạng sạt lở, lún mặt đất, đáy sông, xâm nhập mặn, suy thoái đất do khai thác quá mức và lũ lụt sẽ vẫn tiếp tục. Từ năm 2012 đến giờ, 12 năm không có lũ về nhưng nếu có thì lũ sẽ cực lớn. Vì vậy nếu nói về rủi ro với ĐBSCL thì cực kỳ rủi ro”.
Thật khó có thể đảo ngược được vấn đề hiện tại và tương lai của nước ở ĐBSCL nhưng các chính sách phát triển được thiết kế một cách cẩn trọng và dựa trên bằng chứng khoa học sẽ là điểm tựa để cả đồng bằng này trụ vững
Thanh Nhàn - Theo Tia Sáng