Tình hình "sức khỏe" của các chủ đầu tư bất động sản nói chung vẫn còn rất yếu, dù vậy nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn “sinh - tử” để tồn tại đến nay.
Đang phục hồi?
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho biết, thị trường bất động sản TPHCM đã thoát khỏi vùng đáy khó khăn nhất trong quý I/2023. Từ quý II/2023, thị trường đã bắt đầu từng bước phục hồi và xu thế này sẽ không bị đảo ngược. Vào cuối năm 2023, thị trường bất động sản giảm 0,8%. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã có mức tăng trưởng dương, đạt khoảng 6-7%, cho thấy sự phục hồi rõ rệt.
Thị trường địa ốc TPHCM đang có dấu hiệu phục hồi.
Dẫn chứng cho điều này, ông Châu cho biết, doanh thu kinh doanh bất động sản của TPHCM trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 199.150 tỷ đồng, chiếm hơn 60% doanh thu dịch vụ khác của TPHCM, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường địa ốc TPHCM đang có dấu hiệu phục hồi”, ông Châu nói.
Trong 8 tháng đầu năm nay, TPHCM chỉ có 9 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư mới. Trong số đó, TP. Thủ Đức chiếm đến 6 dự án. Tuy nhiên, quy mô các dự án này rất nhỏ, lớn nhất chỉ đạt 5 ha, tiếp theo là 1 ha, còn lại chỉ vài ngàn m2.
Ngoài ra, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 1.011 căn, trong đó gồm 678 căn hộ chung cư và 44 căn nhà thấp tầng. Đáng chú ý, 100% số căn hộ này đều thuộc phân khúc cao cấp, không có bất kỳ căn hộ nào thuộc phân khúc trung cấp hoặc bình dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho biết, tình hình sức khỏe của chủ đầu tư vẫn còn rất yếu. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn “sinh tử” để tồn tại đến nay. Do đó, ông Châu đề nghị các doanh nghiệp bất động sản nên “liệu cơm gắp mắm”, cân nhắc kỹ lưỡng năng lực đầu tư, tránh dàn trải và bố trí nguồn lực tài chính sao cho phù hợp.
Tiếp tục tháo gỡ
“Thị trường bất động sản tại TPHCM vẫn đang nằm trong vùng tối và xám. Vừa qua thị trường đã đón nhận một số tín hiệu tích cực khi Cục Thuế TPHCM đã giải quyết xong 15.800 hồ sơ tồn đọng của các cá nhân và hộ gia đình. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đang nỗ lực xử lý các hồ sơ phát sinh mới”, ông Châu nói.
Điểm sáng thứ hai, theo ông Châu là Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 115 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, một điểm mới quan trọng là việc sửa đổi quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư không còn bắt buộc phải quy hoạch theo tỷ lệ 1/500. Hiện nay, khoản 3 Điều 68 của Nghị định đã giải quyết vấn đề này.
HoREA đang tiếp tục kiến nghị TPHCM tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án trên địa bàn.
Trước đây, Nghị quyết 98 của Quốc hội hiện chỉ giải quyết việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà ở xã hội tại TPHCM, trong khi các dự án nhà ở thương mại vẫn chưa được hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị định 115 đã sửa đổi toàn diện và áp dụng cho cả nước, phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tin vui thứ ba là số lượng các dự án gặp vướng mắc tại TPHCM ban đầu là hơn 148 dự án nhưng đến nay đã giải quyết được khoảng một phần ba số lượng dự án này ở các cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, đã có những dự án được phép huy động vốn lên đến 50%.
“Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Hiệp hội đang tiếp tục kiến nghị TPHCM tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án trên địa bàn”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho hay, để giảm giá nhà cần phải tăng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Do đó, cần phải giải quyết hơn 148 dự án đang vướng mắc, tồn đọng. Đồng thời, nếu thành công triển khai thành công 1 triệu căn nhà xã hội sẽ kéo giảm giá nhà.
Theo ông Châu, Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép chủ đầu tư mua đất ở làm nhà ở thương mại, trong khi đó nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không nhiều. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Nhà nước sẽ xem xét nới rộng phạm vi để tiếp cận đất đai thuận lợi hơn nhằm tăng nguồn cung nhà ở.
Duy Quang - Theo Tiền Phong