Các chuyên gia dự báo, phân khúc dẫn đầu nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM vào năm 2026 sẽ là dịch vụ ăn uống (F&B), siêu thị, giải trí.
Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ đang dần phục hồi nhờ vào sức mua của người dân. Kéo theo đó, bất động sản thương mại cũng hưởng lợi khi nhu cầu về mặt bằng, không gian mua sắm của các nhãn hàng, doanh nghiệp tăng cao.
Ghi nhận thực tế của PV Dân Việt, nhiều cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại tại TP.HCM đã dần nhộn nhịp trở lại. Làn sóng trả mặt bằng trong các siêu thị, trung tâm thương mại có xu hướng chững lại. Đặc biệt, một số trung tâm tại khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5… luôn nhộn nhịp, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần và dịp lễ.
Trong đó, đối tượng tiềm năng đã phủ kín các trung tâm thương mại chính là các cửa hàng kinh doanh ẩm thực, thức ăn, đồ uống. Dạo quanh các trung tâm thương mại, không khó để nhận diện hàng loạt thương hiệu đồ uống như cà phê, nước ép hoa quả hoặc các chuỗi nhà hàng, lẩu, cơm… Các cửa hàng này luôn tấp nập người ra vào, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp.
Thị trường bán lẻ tại TP.HCM được đánh giá là nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: Gia Linh
Anh Hùng (38 tuổi, quản lý một thương hiệu cà phê) cho biết công ty của mình đã có cửa hàng trong nhiều siêu thị lớn tại TP.HCM. Theo người này, doanh thu tại các cửa hàng trong trung tâm thương mại luôn cao hơn từ 2-3 lần so với cửa hàng bên ngoài. Nguyên nhân là do lượng khách tập trung dồi dào.
"Thời gian tới, công ty tôi có chiến lược sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng tại một số trung tâm thương mại ở quận 7, Bình Tân. Ở những nơi này, chúng tôi không mất quá nhiều chi phí quảng bá mà vẫn thu hút được lượng khách ổn định", anh Hùng cho hay.
Khảo sát mới của Savills trên 600 giao dịch bán lẻ trong năm 2024 tại TP.HCM cho thấy, khách thuê F&B dẫn đầu, chiếm gần một phần ba diện tích thuê mới, tiếp theo là khách thuê thời trang với 24% thị phần và giải trí với 17% thị phần.
Dịch vụ ăn uống, ẩm thực (F&B) dẫn đầu đối tượng khách thuê. Ảnh: Gia Linh
Các chuyên gia Savills đánh giá sự quan tâm từ phía người tiêu dùng đối với các ngành hàng thiết yếu đồng thời là động lực cho các nhãn hàng tiếp tục mở rộng, khiến công suất năm 2024 của mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM tăng 2 điểm %, đạt 93% sau khi các khách thuê lớn như Poseidon, Galaxy Cinema, Muji, Uniqlo và Nitori mở rộng mặt bằng.
Các chuyên gia Savills Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá trong thời gian tới, các phân khúc dẫn đầu nhu cầu thuê vào năm 2025 tại Việt Nam sẽ dịch vụ ăn uống (F&B) và giải trí. Trong đó, ngành hàng F&B sẽ giữ vị trí chủ đạo, giúp thị trường nhộn nhịp, thoát cảnh ảm đạm trong thời gian qua.
Trong khi đó,bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc Kinh doanh tiếp thị Dat Xanh Services cho biết với nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng và sự tăng trưởng của tầng lớp giàu có, TP.HCM tiếp tục thu hút các thương hiệu quốc tế. Đáng chú ý, sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế trong ngành F&B… cũng là yếu tố giúp thị trường ngày càng sôi động.
Theo: danviet.vn