Những ngày qua, nắng nóng đặc biệt gay gắt bao trùm khắp cả nước với mức nhiệt 43 rồi đến 44 độ C, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. PV Thanh Niên đã trao đổi với thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, xung quanh tình trạng nắng nóng bất thường này.
Áp thấp nóng bao trùm khắp châu Á
Cảm nhận chung của hầu hết mọi người là chưa bao giờ thấy nắng nóng gay gắt và kéo dài như hiện nay, nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là gì, thưa bà?
Th.S Lê Thị Xuân Lan: Đúng là trong những ngày qua, nhiệt độ ở nhiều nơi đã vượt ngưỡng lịch sử, đặc biệt ở miền Bắc. Còn ở miền Trung hiện tại mới chỉ đầu mùa nhưng nhiệt độ cũng ở mức rất cao, gần chạm mốc lịch sử; trong khi mùa nắng vẫn còn kéo dài đến tận tháng 8. tại miền Nam, nắng nóng kéo dài liên tục 4 tháng nay với thời gian nắng nóng kéo dài từ 10 - 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ban đêm vẫn nóng hầm hập. Ở miền Nam và TP.HCM, nhiệt độ khí tượng phổ biến 37 - 39 độ C, có nơi đến 40 độ C, nhưng nhiệt độ cảm nhận có nơi lên tới 43 - 45 độ C. Cộng thêm độ ẩm tăng nên kèm theo tình trạng oi bức rất khó chịu.
Thông thường hằng năm, thời điểm này cũng đang là mùa nắng và VN cũng chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nóng phía tây. Tuy nhiên, năm nay áp thấp nóng hoạt động mạnh bất thường, đặc biệt hơn.
TP.HCM vẫn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cảm nhận lên tới 44 - 45 độ C - HOÀNG HY
Bà có thể giải thích rõ hơn về sự bất thường, đặc biệt đó như thế nào?
Nó là áp thấp nóng trên lục địa được hình thành ở khu vực Afghanistan và Pakistan, sau đó mở rộng về phía Ấn Độ, Myanmar; hiện tại bao trùm cả phía nam của Trung Quốc và đặc biệt là Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng như VN. Dù là một áp thấp trên lục địa nhưng áp suất không khí lại giống như một cơn bão rất mạnh. Đó là lý do vì sao áp thấp nóng này ảnh hưởng bao trùm gần như khắp châu Á. Hiện nay áp thấp nóng này vẫn còn rất mạnh. Đó là điều đặc biệt của đợt nắng nóng gay gắt hiện tại.
Tại Nam bộ, nhiệt độ tiếp tục tăng cao trong một vài ngày tới trước khi mưa chuyển mùa xuất hiện - NHẬT THỊNH
Còn sự bất thường của khí hậu thì đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới với nhiều hình thái thời tiết khác nhau. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do tác động của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn.
Xem nhanh 12h ngày 30.4: Hai cụ ông tử vong do sốc nhiệt
Cảnh báo mưa giông, sét, mưa đá... ở hai đầu đất nước
Những khối khí áp này sẽ chi phối thời tiết nước ta những ngày tới ra sao, thưa bà?
Các mô hình dự báo quốc tế cho biết, khoảng 7 giờ ngày 1.5, áp cao lạnh từ phía bắc tăng cường xuống phía nam và ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta. Đợt không khí lạnh cuối mùa này có cường độ yếu nên chỉ có thể làm dịu bớt cái nắng nóng ở miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ. Đến khoảng ngày 2.5, khối không khí lạnh này sẽ bị áp thấp nóng "đẩy" lệch ra phía đông.
Nắng nóng bất thường bao trùm khắp châu Á - Tổ chức khí tượng thế giới
Nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến nước bốc hơi nhanh phát triển thành mây đối lưu. Bên cạnh đó, sự tranh chấp giữa hai khối khí nóng và lạnh sẽ sinh ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông, lốc, sét, mưa lớn và cả mưa đá… ở khu vực miền Bắc. Ngoài ra, các tỉnh bắc miền Trung cũng có khả năng chịu ảnh hưởng tương tự nhưng chậm hơn khoảng nửa ngày. Những tỉnh có khả năng cao là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Đối với các tỉnh miền Trung, mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu và còn tiếp tục kéo dài đến tháng 8. Tâm điểm nắng nóng vẫn là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế.
Với miền Nam, trong những ngày tới cũng xuất hiện thời tiết cực đoan và mưa giông. Tuy nhiên khu vực này hoàn toàn không chịu ảnh hưởng từ áp cao lạnh phía bắc.
Ngược lại ngoài áp thấp nóng phía tây, Nam bộ còn chịu ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới tây Thái Bình Dương. Áp cao này vắt ngang qua VN, đang thu hẹp dần và rút về phía đông, giảm sức ảnh hưởng đến Nam bộ. Việc này tạo điều kiện cho rãnh thấp xích đạo từ phía nam đi lên. Rãnh thấp này sẽ mang theo mây ẩm và gió tây nam tầm thấp. Chúng ta lưu ý gió tây nam là tín hiệu mang mùa mưa tới, và khi đạt cường độ mạnh liên tục thành gió mùa tây nam đồng nghĩa với sự bắt đầu của mùa mưa.
Ngày 29.4, gió tây nam đã xuất hiện ở Phú Quốc và Côn Đảo. Nắng nóng sẽ kéo dài trong một vài ngày tới. Đến thứ năm và thứ sáu tuần này (ngày 2 - 3.5), gió tây nam xuất hiện nhiều và mạnh hơn, mang theo những cơn mưa giông chuyển mùa đến với Nam bộ. Tuy nhiên, do đây là giai đoạn chuyển mùa nên các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá… rất phổ biến. Đây là những hiện tượng thời tiết rất nguy hiểm, người dân nên chú ý phòng tránh.
Người dân có thể phòng tránh nắng nóng và hiện tượng thời tiết cực đoan ra sao?
Đối với con người, nắng nóng gay gắt và đi kèm theo đó là tia cực tím rất mạnh. Điều này sẽ dẫn đến các bệnh liên quan đến việc mất nước, đột quỵ, bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và bệnh về da. Để phòng tránh, nếu có thể, không nên ở ngoài trời nắng quá lâu, ra ngoài nắng vào giờ cao điểm; uống nhiều nước để làm mát cơ thể… Đối với những hiện tượng thời tiết cực đoan, người dân cần chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường của thời tiết, chủ động tìm nơi an toàn để phòng tránh.
Trong khoảng 10 ngày nữa, Nam bộ sẽ xuất hiện nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan do vào giai đoạn chuyển mùa. Tại thời điểm này, người dân có thể chủ động gia cố nhà cửa để phòng tránh giông, lốc. Ở các đô thị lớn, cơ quan chức năng có thể chủ động vệ sinh cây xanh, cắt tỉa cành, nhánh để tránh các sự cố đáng tiếc trong mùa mưa bão sắp tới. Ngành điện lực có thể chủ động kiểm tra đường dây, trụ điện gia cố thêm cho an toàn.
Lưu ý, mùa nắng nóng cũng là mùa mà trẻ em rất dễ bị đuối nước, đặc biệt là trẻ em nông thôn thường có thói quen đi tắm sông, suối, ao, hồ…
Ngày 27.4, nhiệt độ cao nhất ngày ghi nhận được ở nước ta là 43,2 độ C ở Tương Dương (Nghệ An). Ngày 28.4, nhiệt độ cao nhất ngày lên đến 44 độ C ở TP.Đông Hà (Quảng Trị). Ngày 29.4, nhiệt độ cao nhất lúc 13 giờ là 42,4 độ C cũng tại TP.Đông Hà. Như vậy, đã 3 ngày liên tiếp nắng nóng hơn 40 độ C xuất hiện khắp nơi trên cả nước. Còn tại Nam bộ, nắng nóng gay gắt kéo dài suốt 4 tháng liền và có nơi cũng đã xuất hiện mốc nhiệt độ vượt 40 độ C.
Chí Nhân - Theo Thanh Niên