Trong bài này tôi muốn chỉnh sửa một số ngộ nhận của dân chúng một số nước (trong đó có Việt Nam) về cựu TT Donald Trump, đặc biệt về cái nhìn – và thực hành – của ông đối với các chính sách kinh tế, đối ngoại và nhân quyền. Ta hãy cùng suy diễn từ những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ một và những gì ông muốn làm nếu thắng cử.
1) Donald Trump là một nhà kinh doanh thành công và sẽ đem hiểu biết về kinh doanh của ông để làm tốt cho nước Mỹ và các nước
Nên nhớ: Donald Trump khai phá sản 6 lần và không ngân hàng Mỹ nào chịu cho ông vay sau đó, ngoại trừ ngân hàng Đức Deutsche Bank từng bị cáo buộc rửa tiền cho Nga.
Có phải ngưới Việt chúng ta thường nói “ làm cái không bao giờ thua”? Có phải Trump là một ông chủ sòng bạc hiếm có bị phá sản ở mức kỷ lục? Bạn cũng biết nếu bạn là chủ nợ cho người khai phá sản, bạn có nguy cơ mất trắng? Trong trường hợp ông Trump, đó là những nhà đầu tư, các nhà thầu xây dựng, và là nhân viên không được trả lương. Đành rằng luật pháp cho phép, nhưng thử hỏi bạn sẽ tin một người làm ăn chưa bao giờ bị phá sản hay một người bị phá sản 6 lần?
Năm 1990 ông khai trương sòng bạc Taj Mahal tại Atlantic City, bang New Jersey. Sáu tháng sau, ông không trả nổi số nợ và tháng 7, 1991 phải xin phá sản. Hai sòng bạc khác tại Atlantic City của ông cũng lần lượt khai phá sản năm 1992. Cùng năm đó khách sạn Plaza Hotel tại NY tuyên bố phá sản. Năm 2004 Trump Hotels and Casinos khai phá sản với số nợ lên đến 1,8 tỉ và năm 2009 Trump Entertainment Resorts bị phá sản.
Các nhà kinh doanh có nhiều hạng. Tôi thán phục các nhà kinh doanh Mỹ như Warren Buffet (Berkshire Hathaway), Steve Jobs (Apple) và Bill Gates (Microsoft). Điều gì làm họ vĩ đại? Trong suốt thời gian họ điều hành họ đã thực hành cách làm ăn mà tôi gọi là “làm ăn bền vững”. Chưa một lần công ty của họ phải khai phá sản.
2) Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông giúp các quốc gia châu Á và châu Mỹ thoát sự ràng buộc kinh tế vào Trung Quốc
Nên nhớ: Donald Trump đơn phương hủy Hiệp Ước Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) vừa sau khi lên làm TT năm 2017.
HUTBD là một hiệp ước thương mại giữa 12 quốc gia nằm trong vành đai Thái Bình Dương, gồm các nước châu Á và châu Mỹ. Mục đích của nó là cô lập Trung Quốc về mặt thương mại. Hiệp ước này do chính phủ Obama thương thảo nhiều năm nhằm tạo ra một khối thị trường chung giữa các quốc gia thành viên, với thuế xuất nhập ở mức thấp nhất và thỏa thuận sẽ mua hàng của của nhau. Đáng tiếc là khi sắp được ký kết, TT mới Donald Trump lập tức quyết định rút lui. Lý do? Vì ông muốn đơn phương chống TQ mà không cần bất cứ sự hỗ trợ của bất cứ nước nào khác. Đó là theo chủ thuyết MAGA (Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại) của ông.
Hiệp ước này sẽ vô cùng thuận lợi cho VN về thương mại. Nó còn có điều khoản các nước phải cho phép công đoàn lao động độc lập được thành lập, một trong các đòi hỏi về nhân quyền. Việc rút lui của Trump chỉ làm lợi cho Trung Quốc. Với sự vắng mặt của Mỹ các nước trên đành phải ký các hiệp ước bất lợi với TQ tên gọi Vàng Đai Tơ Lụa Kinh Tế.
3) Trump đánh thuế nhập khẩu vào mặt hàng TQ sẽ làm TQ suy yếu
Nên nhớ: Người đóng tiền thuế nhập khẩu hàng TQ là các hãng nhập khẩu Mỹ, không phải TQ.
Tôi không phải là kinh tế gia nhưng cũng lấy làm lạ khi Trump nhấn mạnh rằng, với hàng rào thuế quan của ông, ông đã “thu cả đống tiền từ Trung Quốc”? Ông không biết rằng chính các nhà nhập khẩu Mỹ mới là đối tượng phải đóng thuế nhập khẩu do ông thổi lên? Hậu quả là gì? Để giữ mức lời của họ, họ sẽ nâng giá bán ra cho người tiêu thụ Mỹ, và do đó góp phần gây thêm lạm phát. Hàng rào thuế quan của Trump cũng sẽ nhắm vào hàng hóa của Việt Nam và làm nó đắt lên.
Hơn nữa việc thực thi chính sách này cũng bị nhiều lỗ hổng. Nhằm vượt qua hàng rào thuế quan chống hàng “làm từ TQ”, TQ đã phân bổ sản xuất của họ sang các nước Đông Nam Á (trong đó có VN) và đặc biệt là Mễ tây cơ. Ngược lại sự phong tỏa kinh tế TQ bởi chính quyền Biden có hiệu quả hơn vì cùng làm với các đồng minh. Ví dụ điển hình là việc cấm xuất khẩu các chip tối tân nhất để không cho chúng lọt vào tay quân đội TQ.
4) Trong nhiệm kỳ đầu Trump làm cho nền kinh tế Mỹ phồn thịnh
Nên nhớ: Trump đã bất lực trước nạn dịch covid khiến hơn 1 triệu người Mỹ (trong đó có nhiều người Mỹ gốc Việt) chết, làm sản xuất đình trệ, nạn thất nghiệp lên cao, để lại một nền kinh tế tồi tệ cho chính phủ sau.
Mặc những cảnh báo của các cơ quan y tế Mỹ và thế giới, khi covid bắt đầu bùng phát Trump đã tuyên bố, “Nó nhẹ thôi, chỉ vài tháng sẽ biến mất và số thương vong sẽ không quá 20,000 người.” Chính vì ông không tin vào thuốc tiêm chủng, không tin vào sự giãn cách nên số người chết lên đến hơn 1 triệu. Cuối cùng ông cũng hành động nhưng đã trễ.
Nhiệm kỳ của Biden phải tập trung giải quyểt các vấn đề y tế và kinh tế do Trump để lại khi đối phó yếu kém với nạn dịch, và phải mất thời gian để giải quyết. Dưới Biden kinh tế đang trên đà phục hồi; công ăn việc làm tăng cao,tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp trở lại (Trump 2%, Biden 2.9%), thị trường chứng khoán đạt mức kỷ lục (DOW Trump 30,000, DOW Biden 42,000), tăng trưởngt GDP trung bình hồi phục (Trump 2.3% Biden 2.2%). Hiện nay Mỹ là nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới. Xem dữ liệu của BBC dưới đây.
Một trong các vấn đề kinh tế Trump để lại cho Biden là nạn lạm phát ảnh hưởng trầm trọng đến tầng lớp trung lưu. Trước covid nó ở mức 2%. Sau covid lạm phát bùng lên đến hơn 9%. Lý do nào? Để trả lời xác thực ta cần xem xét sự thay đổi về cung (sản xuất) và cầu (tiêu thụ). Khi cung thấp hơn cầu thì nhà sản xuất hay nhà buôn trung gian sẽ lợi dụng để tăng giá, gây ra lạm phát. Trong thời gian covid thì tất nhiên là cung thiếu hụt vì các cơ sở sản xuất đóng cửa hàng loạt. Nhưng còn cầu? Tôi nhớ lúc đó không cần đi làm chính phủ cũng cho mỗi người một số tiền khá lớn để mua nhu yếu phẩm (thức ăn, thuốc, tiền nhà.) Do đó cầu, tức sức tiêu thụ, không hề giảm. Cầu hơn cung dẫn đến lạm phát. Sau covid dần dần cung bắt kịp cầu nhưng các nhà sản xuất lớn vẫn “quen thói độc quyền” không chịu hạ giá. Gần đây nhất người tiêu thụ tẩy chay một số mặt hàng khiến cho các công ty như Mac Donald, Target, Walmart bắt đầu hạ giá.
5) Donald Trump là một TT mạnh mẽ, cứng rắn với các nước độc tài, cộng sản châu Á
Nên nhớ: Năm 2019, Trump đàm phán thằng với Kim Jon Un (Bắc Hàn) tại Hà Nội và ra về tay không.
Tôi không thể hiểu luận cứ này từ đâu ra. Tôi chỉ thấy ông cứng rắn với các đồng minh truyền thống của mình, và mềm nhũn hoặc bất lực với các nhà độc tài.
Năm 2019 TT Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jon Un gặp nhau tại Hà Nội để đàm phán về việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn . Chỉ hai ngày sau Kim bỏ về nước còn Trump trở về Mỹ tay trắng. Vì sao thân chinh tổng thống một cường quốc như Mỹ lại chịu ngồi xuống đàm phán với lãnh đạo một nước nhược tiểu? Nên nhớ TT Nixon chỉ đi Trung Quốc sau khi ngoại trưởng Kissinger đã đạt được thỏa thuận với Đặng Tiểu Bình.
Hơn nữa, trong khi đàm phán với Bắc Hàn, thay vì Trump gây áp lực bằng cách biểu dương sự đoàn kết với các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản thì ông đơn phương ra lệnh tạm dừng tập trận chung. Ông cũng không hứa sẽ can thiệp vũ trang nếu Đài Loan bị TQ tấn công. Khi Biden lên ông ta đã xiết chặt liên minh với các nước dân chủ châu Á và cam kết bảo vệ Đài Loan và Phi Luật Tân.
6) Donald Trump là một TT mạnh mẽ, cứng rắn với Nga
Nên nhớ: Ngân hàng Deutchbank của Đức là ngân hàng duy nhất chịu cho Trump vay sau khi khai phá sản qua nhiều lần, và là nơi nổi tiếng rửa tiền của các đại gia Nga
Đối với Putin, Trump dường như có một ưu ái đặc biệt. Họ bảo là do khi làm ăn bên Nga, ông đã vướng một số vấn đề “nhậy cảm” và là con tin của Putin. Tôi không tin có điều đó. Nhưng điều có thật là sau những lần khai phá sản như nói trên, duy nhất chỉ còn ngân hàng Đức Deutchbank chịu cho ông vay. Ngân hàng đó lại nổi tiếng là nơi “rửa tiền’ cho các đại gia Nga, trong đó chắc có Putin. Về mặt ý thức hệ, theo tôi, quan điểm “Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” của Trump có nhiều điểm tương đồng với tham vọng Nước Nga Vĩ Đại Trở Lại của Putin. Điểm chung của họ là gì? Là câu trả lời “vĩ đại cho người da trắng” cho câu hỏi “vĩ đại cho ai?”
Đối với NATO và Ukraine, trong khi tranh cử lần này, Trump tuyên bố sẽ mặc kệ Nga “muốn làm gì thì làm,” nếu NATO không đóng góp thêm cho chi tiêu quốc phòng. Một tuyên bố nhất định không phải từ một nhà lãnh đạo của Thế giới Tự do. Đòi hỏi của Trump không phải là không có cơ sở nhưng có thể được đàm phán ngầm giữa các đồng minh, không cần tuyên bố công khai làm lợi cho kẻ thù Nga.
Hơn nữa nó nhắm lợi gần và không nghĩ đến hại xa. Nếu bắt buộc nước Đức phải gia tăng chi tiêu quân sự thì một ngày gần nước Đức sẽ hủy hiệp ước giải trừ quân bị sau khi thất trận trong thế chiến thứ II, sẽ tái vũ trang và trở thành một mối đe dọa cho toàn châu Âu như dưới thời Hitler. Gần đây nhất, mặc dù các nước châu Âu đã viện trợ cho Ukraine nhiều hơn cả Mỹ, Trump vẫn lớn tiếng đe dọa họ.
Về cuộc chiến Ukraine – Nga trong khi tranh cử Trump tuyên bố ông sẽ chấm dứt cuộc chiến trong vòng một ngày. Được hỏi bằng cách nào thì ông không trả lời. Nhưng theo lời ứng cử viên PTT Vance thì Trump chủ trương để Nga làm chủ những vùng đất đã chiếm và Ucraina phải không được tham gia NATO. Không khác gì hiệp ước Paris 1973 giữa Mỹ và Bắc Việt cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam và đưa đến sự sụp đổ của VNCH.
7) Trump sẽ giúp làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu
Không những tại Mỹ mà tại Việt Nam và khắp thế giới, thiên tai (giông bão, lũ lụt, cháy rừng, nhiệt độ, v.v...) ngày càng trầm trọng. Bất chấp kết luận của các cơ quan khoa học như NASA, Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ, v.v… trong nhiệm kỳ đầu, năm 2020 Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước Paris ký kết bởi 189 nước trong đó có VN. Ông tuyên bố thẳng thừng rằng ông không tin biến đổi khí hậu là do các nhà máy điện than và do việc xe hơi sử dụng xăng dầu, mà là do sự thay đổi tuần hoàn của tạo hóa và một ngày kia sẽ chấm dứt (cũng như ông từng tuyên bố dịch covid như dịch cúm sẽ sớm “biến đi”.) Trong khi tranh cử lần này ông hứa hẹn sẽ giảm thuế cho các công ty dầu hỏa để họ tha hồ “bơm dầu lên, bơm dầu lên thêm nữa!” và sẽ bãi bỏ các chính sách hỗ trợ cho nhiên liệu sạch.
Chính sách này sẽ ảnh hưởng tai hại không những cho dân Mỹ mà cả cho dân thế giới nhất là tại các nước nghèo, và cho những thế hệ tương lai.
8) Trump sẽ tranh đấu cho nhân quyền trên khắp thế giới
Về mặt nhân quyền thì những người Việt ủng hộ Trump vì muốn Trump cứng rắn với Cộng sản VN. Điều này rõ ràng là không xảy ra. Ông ta không quan tâm đến các vi phạm nhân quyền của Nga (Putin bắt đi đày đến chết lãnh đạo phe đối lập Navalny) , của Bắc Hàn, của Saudi Arabi (Thái tử Salman thủ tiêu một nhà báo của tờ Washington Post dám chỉ trích họ) thì vì sao họ lại nghĩ ông sẽ quan tâm đến vấn để nhân quyền của VN? Họ dư biết đối với một nhà kinh doanh như ông thì lợi nhuận là quan trọng nhất. Tôi thì chưa bao giờ nghe ông kết án Tập Cận Bình trong khi Biden sau khi gặp Tập tại San Francisco năm 2023 đã công khai gọi ông ta là một “nhà độc tài”.
Kết luận
Nói tóm lại tôi thật sự không thấy chứng cứ từ các chính sách của Trump trong nhiệm kỳ một và trong các lời tuyên bố trong khi tranh cử là ông đem lại lợi ích gì cho thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tôi ít khi khen lãnh đạo VN nhưng có một điều họ làm là khôn ngoan. Trước khi mất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên hạng cao nhất “Đối tác chiến lược toàn diện” với không ai khác là TT Biden của đảng Dân Chủ. Trước đó theo đúng “ngoại giao cây tre”, ông cũng đã chịu khó đứng ra làm chủ nhà cho cuộc hội đàm Kim – Trump. Nhưng có phải kết luận ngầm của lãnh đạo VN là Trump là một người thiếu khả năng, một tổng thống đi làm việc của một người dưới và hạ mình gặp một đối thủ không cân xứng – mà điều tệ hại nhất là đã không đem lại kết quả mà còn bị sỉ nhục?
Ở đây tôi không bàn về những điểm tốt hay không tốt cuả thêm một nhiệm kỳ Trump đối với nội bộ nước Mỹ như việc cấm phá thai, hủy bỏ bộ Giáo dục, đưa quân đội truy quét và tống xuất người nhập cư bất hợp pháp, yêu cầu nhân viên nhà nước phải phục tùng TT (thay vì Hiến pháp), tự tha tội cho mình và cho các nhóm da trắng cực đoan đã tấn công Quốc hội ngày 6/1/ 2021, và những chính sách phản dân chủ khác, kể cả tạm treo Hiến pháp.
Viễn cảnh này phải do dân Mỹ, trong đó có tôi, tự giải quyết qua lá phiếu. Nếu bạn nghĩ là số đông người Việt ở Mỹ ủng hộ Trump thì hãy nghe đài Viet Channel từ California phát trên YouTube có 25,000 người theo dõi. Hãy nghe một hạ nghị sĩ hiếm có người Mỹ gốc Việt từ Florida, bà Stephanie Murphy, luận tội Trump. Hãy nghe nhà văn đoạt giải thưởng văn chương Pulitzer Nguyễn Thanh Việt đả kích Trump. Họ chắc chắn không phải là những người cả tin.
Trần Đán