Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về thực hiện chương trình cung cấp nước sạch đến 2025, trong đó nêu kế hoạch xây dựng cụm hồ chứa nước với diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha.
"Khảo sát và xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1, với các hạng mục chính dự kiến: Cụm hồ chứa tổng dung tích 10 triệu m3/ngđ (ngày đêm), diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha", báo cáo của của Sở Xây dựng TP nêu.
Đề xuất này của Sở Xây dựng TP cũng phù hợp với báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 của liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity. Báo cáo này cho rằng trong giai đoạn 2020 - 2030, TP cần thiết phải xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1 này.
Cụ thể, liên danh tư vấn đề xuất xây cụm hồ chứa nước thô số 1 nằm tại 2 xã Tân Thạnh Tây và Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Khu vực bảo vệ của hồ chứa được trồng cây xanh xung quanh với khoảng cách 300m, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ điểm lấy nước quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.
Trên bản đồ, cụm hồ chứa này bao gồm 2 hồ chứa giống hình chữ nhật có diện tích gần như ngang nhau, nằm sát nhau. Với diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha (2 triệu m2), cụm hồ chứa này gấp khoảng 200 lần sân bóng đá 11 người (mỗi sân diện tích khoảng 10.000 m2 gồm: sân thi đấu 100x68 m = 6.800 m2 (như sân Thống Nhất, quận 10) và khán đài, cụm tiện ích dịch vụ đi kèm).
Việc xây dựng cụm hồ chứa số 1 và đến năm 2050 là kế hoạch hoàn thành các cụm hồ chứa số 2, 3, 4, 5 với tổng dung tích 5 triệu m3 là để TP có nguồn nước dự phòng trong trường hợp khẩn nguy (ô nhiễm nguồn nước thô và nguồn nước ngầm không đáp ứng, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu…).
Báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 đề xuất vị trí xây cụm hồ chứa nước thô số 1. Ảnh: liên danh tư vấn
Hiện nay, nguồn nước thô của TP.HCM được khai thác từ thượng nguồn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (khoảng 96% lượng nước sạch được người dân TP dùng từ 2 nguồn này, 4% còn lại là nước ngầm).
Vấn đề an ninh nguồn nước luôn được TP tính đến, nhất là đặt trong bối cảnh chất lượng nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Đồng thời giải pháp khai thác nước thô hiện nay đang gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, TP nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, với sông Sài Gòn chất lượng nước cũng bị suy giảm ở khu vực trung lưu và hạ lưu (báo cáo của liên danh tư vấn).
Vì vậy, để tránh nỗi lo thiếu nước khi xảy ra sự cố về an ninh nguồn nước, việc xây dựng các cụm hồ trữ nước là cần thiết, nó sẽ đóng vai trò cung cấp nước ngay cho khoảng gần 10 triệu dân TP.HCM.
Bên cạnh giải pháp xây hồ chứa, TP.HCM cũng cho biết trong kế hoạch thực hiện chương trình cung cấp nước sạch đến 2025 của mình là sẽ thực hiện di dời điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu so với điểm khai thác hiện tại ở Hòa Phú.
“Vị trí khai thác nước thô mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15-20 km, cách ngã ba sông Thị Tính - sông Sài Gòn khoảng 10-15 km về thượng lưu, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa các ảnh hưởng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính (sau đó đổ vào sông Sài Gòn)”, báo cáo Sở Xây dựng TP phân tích.
Cụm hồ chứa nước thô số 1 sẽ gồm các hạng mục chính
Kênh (hoặc ống) dẫn nước về cụm hồ chứa, cụm hồ chứa với diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha, trạm bơm nước thô công suất 1 triệu m3/ngđ, chia làm 2 giai đoạn (mỗi giai đoạn 500.000 m3/ngđ), tuyến ống truyền tải nước thô về hệ thống nhà máy nước Hoà Phú - Tân Hiệp dài khoảng 15 - 20km.
Đơn vị thực hiện dự án: Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn và Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn.
KIÊN CƯỜNG - Theo Plo