Số lượng doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể trong tháng 1/2025 tăng đến 14,6% so với cùng kỳ. Qua Tết, làn sóng này dường như vẫn chưa dừng lại. Chuyện gì đang xảy ra?
Đua rao cho thuê mặt bằng
Vừa qua Tết, anh Quang Lập - một chuyên viên môi giới cho thuê mặt bằng khu vực trung tâm TP.HCM đã tích cực giới thiệu, quảng cáo về các mặt bằng mới đang cho thuê ở khu vực quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh…
Theo anh Lập, năm nay, số lượng mặt bằng trống qua Tết tăng so với năm ngoái. Khách thuê cũ thuộc đủ các lĩnh vực từ thời trang, quán ăn cho đến nhà thuốc đều đóng cửa, ngưng kinh doanh, trong đó, phần nhiều là cửa hàng thời trang và ẩm thực.
Doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể: Nhiều mặt bằng khu vực trung tâm TP.HCM đang đóng cửa, chờ khách thuê. Ảnh: Hồng Phúc
“Nhiều khu vực hai năm qua khó chen vào như ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh... thì năm nay bắt đầu trống do khách thuê cũ bỏ đi, không tiếp tục kinh doanh nữa. Theo quan sát của tôi, nhiều người thuê mặt bằng 1-2 năm sau Covid-19 nhưng sau đó đều dội hàng vì ế ẩm nên phải đóng cửa sau khi hết hợp đồng hoặc thậm chí đóng cửa, trả mặt bằng sớm trước thời hạn”, anh Lập nói.
Điều này phản ánh phần nào vào kết quả thống kê vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố. Đơn vị này đánh giá môi trường kinh doanh giai đoạn đầu năm trên địa bàn TP.HCM chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 7,5%, đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng đến 14,6% so với cùng kỳ.
Từ ngày 1 đến ngày 20/1, TP.HCM cấp phép 1.802 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 10.393 tỷ đồng, giảm 45,4% về giấy phép và giảm 73,4% về vốn so với cùng kỳ.
Trong đó, Công ty TNHH có 1.650 đơn vị với vốn đăng ký đạt 7.815 tỷ đồng; giảm 45,5% về cấp phép và giảm 76,3% về vốn so với cùng kỳ. Công ty cổ phần có 136 đơn vị với vốn đăng ký đạt 2.543 tỷ đồng, giảm 45,2% về cấp phép và giảm 58,2% về vốn. Doanh nghiệp tư nhân có 16 đơn vị với vốn đăng ký đạt 35 tỷ đồng, giảm 42,9% về cấp phép và tăng 276,9% về vốn.
Số lượng doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể chưa dừng lại
Làn sóng doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể, ngưng hoạt động được dự báo có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Vừa qua Tết Nguyên đán ít ngày, thương hiệu giày “Một” - một local brand, thương hiệu made in Vietnam được lòng giới trẻ, nhất là tại khu vực đô thị như TP.HCM, chính thức thông báo đóng cửa vào ngày 15/2 tới. Sau hơn 5 năm có mặt trên thị trường, tập trung vào phân khúc khác biệt so với các thương hiệu quốc tế khác đang có mặt tại Việt Nam, song dường như Một cũng khó có thể đứng vững.
Doanh nghiệp tại TP.HCM giải thể: Không khí mua sắm èo uột tại các trung tâm thương mại, bất chấp các chương trình giảm giá sâu. Ảnh: Hồng Phúc
Thực tế, từ cuối năm 2024, thị trường mua sắm - bán lẻ tại TP.HCM đã chững lại. Giai đoạn này, TP.HCM chứng kiến một làn sóng doanh nghiệp, kể cả những thương hiệu có tiếng tăm được xây dựng trong nhiều năm bị xóa sổ.
Mở đầu là thương hiệu thời trang Catsa của CEO Nguyễn Thùy Linh Cát. Catsa có đến 13 năm hoạt động trên thị trường, nổi nhất vẫn là tại TP.HCM. Sau đó, một thương hiệu thời trang khác quen thuộc với các chị em công sở là Lep' cũng chính thức rút lui sau 8 năm hoạt động.
Ở nhóm ngành F&B - nhà hàng và đồ uống, càng ghi nhận đóng cửa nhiều hơn. Điều này có thể thấy rõ qua hàng loạt mặt bằng từ trung tâm cho đến vùng ven ở TP.HCM thường xuyên đổi chủ. Kể cả những thương hiệu lớn trong ngành F&B như Monkey in Black - chuỗi cà phê tại TP.HCM, thời gian qua cũng đã đóng cửa.
Theo các chuyên gia kinh tế, làn sóng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sẽ tiếp tục đóng cửa trong thời gian tới.
Nguyên nhân do sức mua hạn chế, người dân tiết kiệm trong chi tiêu. Đặc biệt hơn cả là thói quen, xu hướng mua sắm mới thay đổi nhanh chóng. Điều này khiến các mô hình, doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu truyền thống không trụ nổi, buộc phải đóng cửa.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech, cho rằng thị trường hiện nay đang chứng kiến nhiều khái niệm thương mại thay đổi. Rõ nhất là thương mại từ mua rẻ bán đắt, vốn tồn tại cả trăm năm nay, sang mua từ gốc bán tận ngọn.
Ông Bình nhấn mạnh rằng điều này đồng nghĩa những người làm trung gian, đi mua hàng chỗ này về chỗ khác bán lại, hoặc mua sỉ về bán lẻ, dần bị mất đi, mà thay vào đó là người sản xuất bán thẳng đến người tiêu dùng. Điều này dẫn đến những cuộc khai tử, sàng lọc doanh nghiệp với quy mô lớn.
Hồng Phúc - Theo Dân Việt