Trước Tết, nguyên Thủ tướng Tấn Dũng đã được Tổng bí thư trao Huân chương Sao vàng. Huân chương cao quý nhất của nhà nước, vì “đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của đảng, dân tộc”. Sau nhiều năm vắng bóng trên chính trường, anh Ba đã xuất hiện trên báo Đảng.
Anh Ba quê Nam bộ và mang đầy đủ đặc trưng của con người vùng sông nước Phương Nam. Theo đó, anh là người thực dụng, không giáo điều, không lý luận suông. Anh có một sự nghiệp chính trị lừng lẫy dẫu rằng thành tích nhiều nhưng gian nan cũng lắm...
Khi anh Ba được Đảng vinh danh với Huân chương cao quý nhất , được tôn vinh điều đó có nghĩa rằng những tư tưởng nhận xét không đúng về anh ba từ 2015 bị lu mờ.
Chợt nhớ vế đối của Đặng Trần Thường dành cho Ngô Thì Nhậm: “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”...
Nhân đây xin được đăng lại một bài viết từ năm 2017 anh Nguyễn Hữu Thịnh về anh Ba .
Theo kế hoạch “du lịch sau hưu”, hôm nay tôi lại khăn gói về thăm lại chiến trường xưa, Công ty liên doanh mía đường Nghệ An Tate & Lyle (Nat & L).
Theo bản kiểm điểm cuộc đời, đây là đỉnh cao, vinh quang nhất trong chín cái gạch đầu dòng của “quá trình hoạt động cách mạng” của Thịnh Nguyễn ghi trong lý lịch. Nơi đây lưu giữ đầy đủ các kỷ niệm, vui buồn của một thời trai trẻ sung sức, đầy nhiệt huyết. Trong các kỷ niệm, có một chuyện khiến cả Tây, cả ta, cả tôi không thể nào quên. Đấy là kỷ niệm với anh Nguyễn Tấn Dũng, khi ông còn là Phó Thủ Tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN.
Năm 1999, sau vụ ép đầu tiên thất bại, lỗ gần 10 triệu đô, Giám đốc nông nghiệp Giôn Cút nhảy xuống sông Hiếu tự tử, công ty NAT & L đứng trên bờ vực phá sản. Nguy cơ đạt đến đỉnh điểm khi Công ty tài chính quốc tế (IFC) tuyên bố ngừng giải ngân nguồn vốn lưu động 30 triệu đô đã ký. Họ đưa điều kiện: chỉ giải ngân trở lại nếu NAT & L xin được Chính phủ cho phép mở một tài khoản trong hoặc ngoài nước, găm giữ ngoại tệ, đủ một kỳ trả nợ, 3,8 triệu đô cho IFC.
Bây giờ không biết sao chứ thời điểm ấy, đáp ứng được điều kiện này của IFC thật khó hơn tìm đường lên trời.
Cơ quan tiếp xúc đầu tiên là NHNN đã kiên quyết từ chối. Lý do là Chính Phủ vừa mới ban hành Nghị định 15/CP, nghiêm cấm các DN găm giữ ngoại tệ. Doanh nghiệp nào có nhu cầu sử dụng ngoại tệ phải nộp hồ sơ, xin Chính phủ cho mua ngoại tệ. Thậm chí nói thẳng: chúng nó (IFC) đưa ra điều kiện là thách đố doanh nghiệp, xúc phạm Việt Nam, CP sẽ không bao giờ chấp nhận.
Ròng rã hai tháng trời, chạy về tỉnh, ra NHNN, đến VPCP, Tôi chỉ nhận được sự "cảm thông sâu sắc" với lời khuyên chân thành: chuẩn bị tốt các phương án giải thể, phá sản có lợi nhất cho đối tác VN trong liên doanh.
Lần cuối đến VPCP ở số 1 Hoàng Hoa Thám, tình cờ tôi nghe hai cán bộ nói chuyện với nhau, trong đó có câu: chuyện này may ra Thủ tướng mới giải quyết được....
Một ý tưởng liều lĩnh lóe lên.
Tôi đến trực ban, xin vào gặp anh Trần Đức Chính, Vụ phó Vụ Khoa giáo Văn Xã, nguyên cùng là giáo viên bộ môn Máy Điện với tôi ở Đại học Cơ Điện.
Cùng bộ môn, lâu ngày không gặp, anh Chính ra cổng đón. Tôi hấp tấp theo anh vào phòng làm việc. Anh pha nước, hỏi tôi tìm anh có việc gì. Tôi nói có việc đến đây, nhớ anh vào thăm thôi.
Uống vội chén nước, hỏi thăm sức khỏe anh chị, tôi chào anh ra về. Trong câu chuyện tôi đã kịp hỏi trong khu văn phòng này, Thủ Tướng ngồi ở đâu, các PTT ngồi nhà nào.
Anh tiễn tôi. Gần đến cổng tôi bảo: Anh vào đi, em đi vệ sinh rồi em ra.
Cửa phòng a Chính khép lại, tôi lẻn ra dãy nhà sau, tìm đúng phòng làm việc của PTT Nguyễn Tấn Dũng và gõ cửa.
Không đợi cho phép, tôi rụt rè đẩy cửa.
Đang ngồi sau bàn làm việc, ngẫng lên thấy một gương mặt lạ hoắc, ông giật mình, với tay cầm điện thoại nhưng lại đặt xuống và ôn tồn: anh là ai, sao lại vào được đây.
Thưa anh, em từ Nghệ An, liều chết đến đây để xin anh giúp cho dân Nghệ An qua cơn hoạn nạn này.
- Bình tĩnh, kể anh nghe cụ thể xem nào.
- Dạ...
Tôi chỉ dạ xong là òa khóc, khóc thật, khóc hu hu như đứa trẻ oan ức gặp người lớn bênh.
Ông kiên nhẫn đợi tôi khóc xong rồi nhỏ nhẹ từng câu, hỏi rõ ngọn nguốn sự việc.
Trao cho tôi chén nước xong ông quay lại bàn làm việc, bấm máy gọi Thư ký Lý Văn Sáu, theo dõi ngân hàng.
Nghe Anh Sáu báo cáo xong, ông nhấc điện thoại gọi cho ông Phó Thống đốc lúc đó là ông Lê Đức Thúy.
Không biết ông Thúy báo cáo những gì, chỉ nghe ông lớn tiếng: Tôi hỏi anh, cái Nghị định do ta soạn ra và ban hành ấy quan trọng hay sự phá sản của một doanh nghiệp FDI, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu nông dân Nghệ An, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cả nước này quan trọng?
Cúp máy, ông quay lại: Em về đi, anh sẽ giải quyết việc này trong tuần này. Nhớ lần sau đừng liều như hôm nay nhé.
Ba ngày sau, anh Lý Văn Sáu gọi điện: có rồi, anh đến lấy văn bản ngay nhé.
Cầm tờ Công văn cá biệt có dòng chữ: ...".Thủ tướng chính phủ đồng ý cho công ty liên doanh mía đường Nghệ an Tate and Lyle được mở một tài khoản tại ngân hàng ANZ, lưu giữ đủ một kỳ trả nợ cho Công ty tài chính quốc tế.".. Tôi muốn nhảy lên, hét to giữa sân Văn phòng Chính phủ: Cảm ơn anh Ba, rất cám ơn anh. Thật là Trời Phật có mắt.
Khỏi nói thì ai cũng biết, Tây và Ta mừng đến mức nào.
Nhờ được vay vốn lưu động, có tiền thu mua nguyên liệu, Công ty liên doanh NAT & L trở lại hoạt động bình thường năm đó. Ngay từ năm sau NAT & L trở thành lá cờ đầu của ngành mía đường Việt Nam và Châu Á, hàng năm nộp ngân sách hàng trăm tỷ, lãi ròng được công khai xấp xỉ 8 triệu đô.
Chuyện đã hơn 20 năm. Bây giờ mỗi dịp nghĩ về Công ty, về nhà máy, tôi đều tự hỏi: Tương lai của Công ty sẽ ra sao, đời sống của hàng triệu nông dân miền Tây Nghệ an sẽ ra sao, nếu ngày đó không xin được cái Công văn cá biệt kia do anh Ba ký.
Hoặc, hôm đó anh ôn tồn "diễn": anh rất chia sẻ với em, với bà con nông dân Nghệ An nhưng việc này khó quá, anh sẽ báo cáo Thủ tướng, xin ý kiến Ban BT, Bộ Chính trị rồi tìm cách giải quyết sau. Em yên tâm về chờ nhé... thì ôi thôi.
Cho nên, dù hôm nay, trên mạng xã hội, trong câu chuyện tiếu lâm vỉa hè, dù ai bôi nhọ, nói gì về Anh Ba, tôi đều không tin. Trong lòng tôi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn mãi mãi là người anh hùng của thời mở cửa. Tôi vẫn tin, Tâm nguyện của Ông luôn là muốn tìm con đường ngắn nhất, đưa đất nước Việt Nam thoát kiếp nô lệ, sánh vai với các cường quốc văn minh trên Thế giới.
Bài viết của Nguyễn Hữu Thịnh