Hơn 650.000 tỷ đồng là tổng dư nợ tín dụng xanh của toàn nền kinh tế, tăng hơn 25% so với thời điểm cuối năm 2022.
Sự chuyển biến của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Con số cho thấy hai năm qua, nền kinh tế nước ta đã có nhiều chuyển biến về đầu tư cho các ngành kinh tế xanh, trong đó có kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia cho rằng, đến nay chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đã là tất yếu và trở thành lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.
Đến nay đã hơn hai năm kể từ khi Quyết định số 687 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được ban hành. Nhiều nhiệm vụ trong Quyết định này đã được triển khai để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn – một mô hình kinh tế chú trọng tái tạo tài nguyên. Đến thời điểm này, có thể thấy, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn. Đó là một xu thế tất yếu, tuy nhiên, trước thực tế việc thực thi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính như thông thường chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, từ đó hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường.
Từ mô hình tận dụng vỏ trấu - phụ phẩm của cây lúa, ép thành viên, làm chất đốt mang đi xuất khẩu cho đến mô hình tận dụng xác trà làm nguyên liệu đầu vào sản xuất ra gạch. Đây là hai trong nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng hai năm qua với nguồn lực đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Hiện dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 650.000 tỷ đồng. Những kết quả đó đã một lần nữa khẳng định giá trị của kinh tế tuần hoàn.
Bà Bùi Thị Thu Hiền - Phụ trách Chương trình biển và vùng bờ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho biết: "Năm 2024, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nói đến một nội dung. Đó là trong 10 năm nữa mất đa dạng sinh học và các hệ sinh thái sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế của toàn cầu. Rõ ràng, tất cả các doanh nghiệp trực tiếp hay gián tiếp phải phụ thuộc vào thiên nhiên mới có thể vận hành hoạt động của doanh nghiệp có tăng trưởng, có doanh thu. Đó là lý do tại sao gọi là nền kinh tế tích cực với thiên nhiên đang được đông đảo các doanh nghiệp trên toàn cầu tập trung. Đây là một cuộc chơi mà dẫn dắt bởi các nước phát triển. Nếu chúng ta đứng ngoài cuộc chơi thì chúng ta chỉ có thể thua và Việt Nam sẽ mất nhiều cơ hội".
Không ít doanh nghiệp cho rằng, ưu tiên quan trọng nhất phải là lợi nhuận. Việc chuyển đổi xanh hay áp dụng kinh tế tuần hoàn chỉ là thứ yếu. Ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan trọng nhất là đến cuối tháng họ có trả được lương cho nhân công hay không. Tuy nhiên, gần đây suy nghĩ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khác rất nhiều, mình nhìn nhận dưới khía cạnh chính là một lợi thế về cạnh tranh. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng đi được sang các thị trường khó tính, khắt khe, nếu không thay đổi họ sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Chính vì vậy, đặc biệt các doanh nghiệp lớn càng phải là những đầu tàu, tạo ra tác động trong cả chuỗi, để làm sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dần dần thay đổi".
Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín
Động lực chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Về phía chính sách, không thể không nhắc đến một động lực quan trọng, đó là chính sách EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Hiểu một cách đơn giản là các doanh nghiệp có doanh thu từ 30 tỷ đồng trở lên, hoặc có giá trị nhập khẩu từ 20 tỷ đồng trở lên so với năm liền trước đó phải có trách nhiệm bắt buộc trong việc tái chế các sản phẩm của mình, thay vì tự nguyện như trước. Trên thực tế sau gần một năm triển khai, chính sách EPR đã giúp thúc đẩy tốt hơn các mô hình tuần hoàn, đặc biệt với các loại vật liệu khó tái chế như bao bì mềm đa lớp, giấy hỗn hợp…
Vỏ gói mì hay vỏ gói nước giặt nằm trong số nhiều loại bao bì mềm đa lớp gần như không có thị trường mua bán tại Việt Nam do có giá trị thấp, không được thu gom, dẫn đến số lượng, chất lượng đều không ổn định, rất khó để đưa vào sản xuất tái chế. Tuy nhiên sau khi quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất có hiệu lực, năm nay gần 800 tấn bao bì mềm đa lớp đã được doanh nghiệp này thu gom để tái chế trở thành dầu nhiên liệu, bước đầu mở ra chuỗi tuần hoàn cho loại vật liệu này.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Dự án, Công ty Cổ phần Giải pháp xanh Bình Phước nêu ý kiến: "Cố gắng phối hợp với các đơn vị thu gom ra được một quy trình để có thể làm tăng chất lượng của nguồn nguyên liệu. Ví dụ như giảm độ ẩm, giảm tạp chất để việc tái chế đạt được hiệu quả hơn. Giảm những phát thải thứ cấp như nước thải, tạp chất, chất thải rắn đi vào trong sản phẩm".
Một loại vật liệu khó tái chế khác là vỏ hộp giấy, nhiều năm qua đã được nhà sản xuất vỏ hộp này cùng với các đối tác xây dựng chuỗi tái chế thành nhiều sản phẩm khác nhau. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến tăng lượng thu gom nhiều hơn 50% so với mức những năm trước đó.
Bà Nguyễn Thanh Giang - Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam nhận định: "Chúng tôi luôn có các chương trình ở các trường học để nói chuyện với các bé về quá trình nâng cao nhận thức về thu gom, tái chế bao bì. Chúng tôi cũng phát triển được các nhà tái chế, để đảm bảo công suất cho tất cả các bao bì hiện nay trên thị trường Việt Nam".
Theo Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam, lượng bao bì mà đơn vị này được các doanh nghiệp sản xuất ủy quyền để tổ chức tái chế nhằm đáp ứng quy định EPR dự kiến sẽ đạt 64.000 tấn trong năm nay, tăng khoảng 4 lần so với năm ngoái. Dù vậy các doanh nghiệp cho biết vẫn cần những hướng dẫn cụ thể hơn, hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách.
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành, Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam nhận định: "Với chi phí hỗ trợ từ EPR là một động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp tập trung hơn, sử dụng nguồn vật liệu thu gom trong nước thay bằng nhập khẩu, ví dụ như giấy. Tuy nhiên, vẫn còn một số loại vật liệu tôi thấy còn khó khăn. Việc nhập khẩu quá dễ dàng với chi phí rẻ hơn, chất lượng tốt hơn so với nguồn cung trong nước còn cần hỗ trợ nhiều hơn".
Giới doanh nghiệp cũng kiến nghị sớm có được định mức chi phí tái chế (Fs), để có căn cứ lựa chọn hình thức đóng phí tái chế để thực hiện quy định EPR. Các chuyên gia cho rằng, định mức này cần được tính toán cân đối để đạt mục tiêu tăng lượng phế liệu được thu gom cho tái chế.
Một chính sách mới như EPR khi đi vào thực thi chắc chắn sẽ không thể trơn tru được ngay. Ông Mandal Arghya - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH cho biết: "Tôi nghĩ quy định EPR hiện nay vẫn chưa thực sự được làm rõ và cụ thể. Do đó vẫn còn khoảng cách để mở rộng áp dụng cho toàn nền kinh tế. Vấn đề công nghệ tái chế còn nhiều hạn chế. Việc thu gom, vận chuyển các chất thải nông nghiệp hoặc các sản phẩm đã qua sử dụng để tái chế đòi hỏi các giải pháp logistics phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, không phải tất cả các địa phương đều có hạ tầng đủ mạnh để xử lý và tái chế chất thải theo mô hình tuần hoàn. Điều này khiến việc triển khai kinh tế tuần hoàn ở quy mô lớn gặp nhiều trở ngại".
Ông Đỗ Thái Vương - Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại và Truyền Thông Suntory PepsiCo Việt Nam nêu ý kiến: "Đến thời điểm này đã một năm trôi qua kể từ lúc chính sách EPR có hiệu lực. Các doanh nghiệp vẫn thu gom, PRO cũng thu om. Nhưng câu trả lời cuối cùng đã đúng với quy chế mà Bộ đưa ra chưa thì vẫn chưa có câu trả lời. Đó là sự khó khăn. Và xin được góp ý, trong giai đoạn đầu tiên, EPR nên khuyến khích mọi người làm. Nếu mọi người chưa làm đồng bộ mà mình đưa ra một khung quá chặt, thì càng khó cho người thực hiện và chỉ có doanh nghiệp nào đang làm tốt sẽ làm tiếp, còn doanh nghiệp khác không làm".
Sản phẩm tái chế, "đầu ra" của các quá trình tái chế mà chính sách EPR đang mong muốn hỗ trợ có giá cao hơn 20-30% so với các sản phẩm thông thường. Để khắc phục khó khăn này, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Dự án Công ty tái chế Giải pháp xanh Bình Phước đưa ra đề xuất: "Cũng mong đề xuất một chính sách hợp tác giữa các doanh nghiệp là chia sẻ nguồn lực. Cùng phát triển những sản phẩm thiết kế thuận lợi, thân thiện hơn ngay từ đầu, dễ dàng tái chế hơn cho các nhà tái chế. Cùng hợp tác với nhau, sử dụng sản phẩm chéo với nhau, để giúp giảm thiểu chi phí, từ chi phí về tái chế, chi phí thiết kế ra sản phẩm. Như vậy, người tiêu dùng sẽ được lợi, lúc đó người ta mới có nhận thức thì mới tạo ra được nhu cầu lớn, đồng thời, các doanh nghiệp ở đây sẽ có những giá trị cạnh tranh nhất định".
Giới doanh nghiệp kiến nghị sớm có được định mức chi phí tái chế
Cần cụ thể hóa chính sách sớm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Các chính sách mang tính dài hạn hơn để có thể tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đang được nghiên cứu. Sau Quyết định 687, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn để có khung pháp lý rõ ràng hơn, hỗ trợ cho cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia có chung kiến nghị, để thúc đẩy tốt hơn kinh tế tuần hoàn, các chính sách cần sớm được cụ thể hóa.
Nghiên cứu quốc tế cho thấy, năm 2021, khối lượng chất thải nhựa đã được thu gom tại Việt Nam chỉ có 770.000 tấn thực sự được đưa vào tái chế, chỉ chiếm khoảng 30%, 70% còn lại được xử lý bằng nhiều hình thức như chôn lấp hoặc đốt. Do đó, giới doanh nghiệp cho rằng, quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn cũng cần được thực hiện quyết liệt hơn mới có thể thúc đẩy các chuỗi tuần hoàn.
Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành, Liên minh Tái chế Bao bì PRO Việt Nam cho biết: "Việc phân loại rác tại nguồn chúng ta cần phải làm ráo riết hơn cũng như phải có lộ trình để hạn chế dần phế liệu nhập khẩu thì chúng ta mới có thể phát triển được việc thu gom trong nước".
Theo giới chuyên gia, các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, thống nhất và cụ thể hóa. Đặc biệt là những tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ví dụ như hàm lượng tái chế trong sản phẩm thì mới khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.
Ông Hoàng Thành Vĩnh - Cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) chia sẻ: "Nếu như có chính sách của Nhà nước yêu cầu bắt buộc phải có 10% nhựa tái chế ở trong chai nước, thì nhà sản xuất sẽ đi theo. Và những chính sách khuyến khích nếu như có trên 10-20%, người ta sẽ được ưu đãi thì sẽ làm cho doanh nghiệp sẽ thực hiện, hành động".
Một số chuyên gia kiến nghị, cần sớm lựa chọn các địa phương thuận lợi triển khai kinh tế tuần hoàn để triển khai mô hình thí điểm. Nhất là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp.
PGS. TS. Nguyễn Lữ Phương - Phó Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Những tỉnh có khu công nghiệp sẽ có nhiều sự tiêu tốn tài nguyên, phát sinh chất thải. Sẽ sử dụng cho việc tuần hoàn để giúp cho chính quyền của địa phương có thể định hướng tốt hơn, từ đó có thể đề xuất một chính sách cho 63 tỉnh thành".
Có lẽ không phải ai cũng biết Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR. Điều này cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là hành trình dài và khó khăn, đòi hỏi nỗ lực chung tay của tất cả các bên liên quan mới có thể thực hiện được. Trong đó cần phải vượt qua các thách thức về thể chế, hạ tầng, công nghệ và văn hóa, làm sao để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp thực sự xem chất thải là tài nguyên; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm có hại cho môi trường.
Theo VTV Digital