Trong cuộc thảo luận bàn tròn về Trung Quốc diễn ra tháng trước tại Đại học Fulbright Việt Nam, giáo sư Todd Hall - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford (Anh) - có nêu một lập luận đáng chú ý:
Nhiều khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không được báo cáo chính xác thông tin từ cấp dưới, nói cách khác là kênh thông tin và tư vấn của ông có vấn đề. Lập luận này xuất phát từ phương thức lãnh đạo tập trung hóa của ông Tập, vốn chú trọng những người cùng ê kíp và thiếu các chuyên gia kinh tế thực thụ.
Tái khởi động như thế nào?
Sau khi các nhà kỹ trị theo định hướng thị trường như cố thủ tướng Lý Khắc Cường, cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương và các cố vấn như Lưu Hạc và Vương Kỳ Sơn lần lượt rút lui, trong nhiệm kỳ 3 làm tổng bí thư, ông Tập đã thúc đẩy đường hướng "dĩ đảng vi chính" (dùng đảng thay chính quyền) qua việc thành lập các ban đảng mới quản lý các vấn đề kinh tế và tài chính.
Ông tập hợp xung quanh mình những cố vấn thân cận như ông Hà Lập Phong, phó thủ tướng phụ trách kinh tế, hay Trịnh San Khiết, chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, những người được coi là có thiện cảm với quan điểm kinh tế nhà nước là động lực chính cho phát triển và thu hẹp vai trò của nền kinh tế tư nhân.
Trong khi đó, phương Tây gọi đây là chủ nghĩa tư bản nhà nước và bày tỏ lo ngại. Tờ The Economist số đầu tháng 4 có hình trang bìa ông Tập đang nhấn nút "reset" (tái khởi động) nền kinh tế Trung Quốc với tiêu đề "tái khởi động đầy rủi ro" (risky reboot).
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt hàng loạt vấn đề, gồm tăng trưởng chậm, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao và thị trường bất động sản trên bờ sụp đổ. Dân số già hóa và giảm làm suy yếu nguồn cung lao động.
Bất ổn của nền kinh tế và căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đẩy đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong năm 2023 chỉ đạt 33 tỉ USD, bằng chưa đầy 10% so với năm 2021 (344 tỉ USD).
Vấn đề đặt ra liệu là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thật sự đánh giá đầy đủ và chính xác những thách thức trước mắt không.
Trong khi Trung Quốc rõ ràng cần nâng cao lòng tin của khu vực tư nhân và phục hồi tăng trưởng bằng một mô hình kinh tế bền vững hơn, thì phản ứng của chính quyền Trung Quốc nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 hiện là chiến lược "lực lượng sản xuất mới chất lượng cao".
Có nhiều cách giải thích khác nhau về thuật ngữ này, nhưng tất cả đều tập trung vào công nghệ và đổi mới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ ra "bộ ba ngành công nghiệp mới": pin mặt trời, xe điện và pin lithium như là động lực mới của phát triển.
Chiến lược này cũng dự kiến hướng tới phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, như công nghệ xanh và chất bán dẫn.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ đã sẵn sàng phân bổ nguồn lực để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình, điều cần thiết nếu muốn tăng trưởng phục hồi. Nếu không có mức chi tiêu tiêu dùng nội địa cao hơn, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích nền kinh tế sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa sản xuất.
Cũng không thể không nhắc tới những tính toán chính trị, khi ông Tập muốn quyền lực nhà nước thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất mới, từ đó tạo ra việc làm năng suất cao, giúp Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp để bảo hiểm trước thế thống trị của Mỹ.
Nhắm tới mục đích cuối cùng là đảo ngược cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu, Trung Quốc không chỉ muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây, mà còn kiểm soát phần lớn tài sản trí tuệ quan trọng trong các ngành công nghiệp mới với tham vọng thống trị tương lai của thế giới.
Nhưng việc chuyển đổi nền kinh tế từ được thúc đẩy bởi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản thông qua tín dụng rẻ, sang kinh tế của đổi mới và công nghệ sẽ đầy thách thức.
Những thách thức phân bổ nguồn lực
Đầu tiên, đổi mới đòi hỏi các biện pháp tạo động lực và đảm bảo về mặt thể chế để khuyến khích việc chấp nhận rủi ro.
Khu vực tư nhân đầu tàu cho mọi đổi mới cần phát triển nhanh hơn nhưng vài năm qua Trung Quốc đã ra hàng loạt quy định kiểm soát với các công ty tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến.
Điều này đã làm suy giảm sức sống của nền kinh tế, gây mất mát sáng tạo đổi mới ở khu vực tư nhân, vốn là động lực chính cho cuộc cách mạng kinh tế số ở Trung Quốc vài thập niên qua.
Các nghiên cứu gần đây thấy rằng tỉ trọng khu vực tư nhân trong 100 công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc đã giảm xuống còn 36,8% vào cuối năm 2023, từ mức 55,4% vào giữa năm 2021.
Tổng vốn đầu tư của các tập đoàn khổng lồ như Alibaba, Tencent và Baidu đã giảm mạnh 40% vào năm 2023 và số việc làm mất đi trong lĩnh vực này có thể lên tới hàng triệu. Đó là một trong những lý do giải thích tại sao tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc lên đến gần 20% vào tháng 6-2023, lần gần nhất số liệu này được công bố.
Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc cũng cần vực lại lòng tin nơi những tập đoàn đa quốc gia, để không chỉ thúc đẩy FDI mà cả tác động lên tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên nguồn lực hiện chủ yếu được hướng vào nỗ lực "phát triển chất lượng cao" của chính phủ.
Đầu tư vào các ngành hướng tới những mục tiêu chính trị đã nói ở trên tăng mạnh, nhưng cái giá là mức độ chấp nhận rủi ro và linh động của kinh tế tư nhân đã bị tổn hại.
Đành rằng chính sách tăng trưởng chất lượng cao là đúng, nhưng cách triển khai có vẻ đang gây vấn đề khi dẫn dắt đang là các ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp nhà nước vốn đã cồng kềnh và thiếu hiệu quả.
Cũng The Economist ước tính khoản đầu tư hằng năm vào "lực lượng sản xuất mới" của Trung Quốc đã là 1,6 ngàn tỉ USD, chiếm 1/5 tổng vốn đầu tư và gấp đôi so với 5 năm trước. Con số này tương đương 43% tổng vốn đầu tư kinh doanh ở Mỹ vào năm 2023.
Công suất nhà máy ở một số ngành có thể tăng hơn 75% vào năm 2030. Một phần trong số này sẽ được thực hiện bởi các công ty đẳng cấp thế giới mong muốn tạo ra giá trị, nhưng phần lớn sẽ được thúc đẩy bằng trợ cấp và chỉ đạo ngầm hoặc rõ ràng từ nhà nước.
Do đó, nếu không có sự gia tăng tương xứng về nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân, thì đầu tư quá mức vào các lĩnh vực này sẽ dẫn đến dư thừa công suất và bán phá giá trên thị trường toàn cầu.
Hơn nữa, các vấn đề của Trung Quốc mang tính cơ cấu chứ không đơn thuần là chu kỳ kinh tế. Điều đó có nghĩa là để lấy lại đà tăng trưởng, nước này phải giải quyết các yếu tố nền tảng.
Những tuyên bố và khẩu hiệu chính trị về cải cách, mang lại công bằng và thu hút đầu tư nước ngoài sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không đi kèm thay đổi thực tế. Các dự báo, như của Quỹ Tiền tệ quốc tế, cho rằng mức tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ dao động quanh mốc 4% trong vài năm tới, giảm nhiều so với mức tăng trưởng trước đại dịch.
Nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự ở ngã ba đường. Chủ tịch Tập Cận Bình đặt kỳ vọng vào một giai đoạn "vượt vũ môn" để hóa rồng thật sự với "mô hình tăng trưởng mới" trong khoảng 5 năm tới.
Nhưng ông cũng đang có trên bàn nghị sự nhiều vấn đề đau đầu và những vấn đề này đều sẽ có tác động lan tỏa ra khắp thế giới, khi Trung Quốc đang chiếm gần 40% động lực tăng trưởng toàn cầu.■
Do chuyển đổi từ cải cách theo định hướng thị trường sang chủ nghĩa tư bản nhà nước, chính quyền Trung Quốc hiện được cho là quá tập trung vào tạo động lực tăng trưởng mới, nhưng lại thiếu cách giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay như nợ công khổng lồ (gần 300% GDP), cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc, giảm phát, tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng vọt, sự mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, và dân số già hóa.
Với khoản nợ của chính quyền địa phương ước tính lên tới hơn 13.000 tỉ đô la và hàng chục công ty bất động sản vỡ nợ trái phiếu và các khoản vay, việc thiếu chính sách giải quyết căn bản từ chính quyền khó có thể trấn an được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Gần đây, bộ trưởng Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn Trung Quốc đã nhận được sự chú ý khi nói rằng các công ty chủ đầu tư bất động sản mất khả năng thanh toán nên phá sản hoặc tái cơ cấu.