Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự và phát biểu tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TP.HCM - TTBC TP.HCM
Về tình hình thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, bà Mai cho hay việc triển khai nghị quyết đòi hỏi tập trung cho công việc rất lớn nhưng đội ngũ nhân sự hiện chưa đáp ứng được nhiệm vụ. Các sở ngành cũng chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện Nghị quyết 98 khiến việc theo dõi, tổng hợp, đáp ứng tiến độ có khó khăn. Do đó, bà Mai đề xuất phương án thuê nhân sự theo hợp đồng để kịp báo cáo, đáp ứng tiến độ.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng các đơn vị cần rà soát nhân sự để bổ sung theo 2 hướng. Đầu tiên là bổ sung nhân sự thông qua đề án nền công vụ hiệu lực, hiệu quả; thứ hai là tạo ra nguồn nhân lực từ khu vực bên ngoài nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược. "Có thể xem họ như đối tác đồng hành cùng TP.HCM với mục tiêu tập trung phát triển nhanh nhất", ông Vũ nói thêm.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cần nghiên cứu phương án mời các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước, kể cả người nước ngoài tham gia hoạt động hành chính để góp phần giải quyết công việc nhanh hơn. Đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh số lượng nhân sự của TP.HCM mỏng mà khối lượng công việc nhiều.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã có chủ trương phát huy cơ chế thuê chuyên gia, thuê tư vấn tham gia triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, đồng thời giao Sở Nội vụ, Sở KH-ĐT tham mưu phương án cụ thể. Ông Mãi cũng mời Viện Nghiên cứu phát triển, các viện, trường đại học trên địa bàn tham gia. Sắp tới, TP.HCM sẽ hình thành bộ máy chuyên trách, sẽ có một Phó chủ tịch UBND phụ trách việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
Xử lý nhà thầu yếu kém
Nhìn lại 2 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi nhìn nhận kinh tế TP.HCM có một số tín hiệu vui như thu chi ngân sách tăng, thị trường bất động sản và xuất khẩu khởi sắc. Số doanh nghiệp tham gia, trở lại thị trường đều tăng, không có tình trạng người lao động mất việc, hết việc, chưa trở lại làm việc sau tết.
Về đầu tư công, trong 2 tháng đầu năm, TP.HCM giải ngân khoảng 1.600 tỉ đồng, tăng 4 lần so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu giải ngân từ 10 - 12% trong quý 1/2024. Ông Mãi giao các sở ngành, chủ đầu tư rà soát, tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng về quy hoạch, thủ tục dự án, điều chỉnh vốn trong quý 1, chậm nhất là quý 2/2024 để 6 tháng còn lại triển khai dự án.
Liên quan đến vật liệu xây dựng, ông Mãi phân tích các nhà thầu đã ký hợp đồng, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo vật liệu xây dựng thì bây giờ không thể nói UBND TP.HCM đi lo vật liệu. "Trách nhiệm này trước hết là của nhà thầu. Trong tháng 3, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư cấp quận, huyện phải chỉ ra cho được những nhà thầu chây ì, yếu kém và không nghiêm túc để xử lý ngay", Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị các chủ đầu tư rà soát lại từng dự án, xây dựng tiến độ cho từng quý, kịp thời giải quyết các vướng mắc, không để dồn đến cuối năm. Đối với dự án đấu thầu mới, nhất là các dự án trọng điểm phải thực hiện thủ tục trong thời gian ngắn nhất, thi công 3 ca 4 kíp.
Đảm bảo an ninh, trật tự khi xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, đây là một vụ án chưa từng có đối với TP.HCM, một vụ án hình sự - kinh tế lớn, số lượng người có liên quan cực lớn, thời gian xét xử khoảng 60 ngày.
Để chuẩn bị cho công tác xét xử, TP.HCM đã lên kế hoạch, chương trình, nội dung chi tiết, bao gồm cả việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự cũng như công tác truyền thông. Bí thư TP.HCM cũng yêu cầu phối hợp các mặt công tác, từ truyền thông đến bảo vệ, công tác xét xử để đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.